Trốn THA bằng cách không nhận tài sản là của mình
Năm 2006, TAND huyện X ra Quyết định về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Theo đó, bà M phải có nghĩa vụ trả nợ cho bà N số tiền là 79 triệu đồng. Trên cơ sở Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, bà N đã làm đơn yêu cầu THA. THADS huyện X đã ra quyết định THA. Tuy nhiên, thời gian sau đó bà M chỉ trả bà N số tiền là 02 triệu đồng. Bà N đã làm đơn yêu cầu Chi cục THA huyện X kê biên, bán đấu giá thửa đất gần 8 ngàn m2 do vợ chồng bà M đang trực tiếp canh tác, sử dụng để trả nốt số tiền còn lại. Khi Hội đồng định giá tiến hành định giá lô đất trên người thân của bà M, đã làm đơn khiếu nại đề nghị làm rõ ai là người khai phá và sở hữu mảnh đất trên. Quá trình THA phải dừng lại. Qua xác minh, năm 2010, UBND huyện đã trả lời đất trên có nguồn gốc là do vợ chồng bà M tự khai phá vào khoảng năm 1990 sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm. Đã nhiều lần, UBND xã mời vợ chồng bà M lên trao đổi, vận động để đăng ký quyền sử dụng đất trên nhằm đủ điều kiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà M, nhưng vợ chồng bà không công nhận. Mặc dù bà M liên tục hối thúc những cơ quan THA không thể thi hành được do bà M không có tài sản hoặc nguồn thu nhập nào khác ngoài diện tích đất nói trên...
Người phải THA cũng cần được hỗ trợ
Trường hợp của bà M không phải là trường hợp cá biệt trong THADS. Khi người phải THA ở bước đường cùng quẫn, túng thiếu, không còn tài sản nào khác ngoài diện tích đất đang canh tác, sử dụng thì khi bị kê biên, nghĩa là họ không còn gì để sinh sống. Khoản 1 Điều 110 Luật THADS quy định: chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải THA thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tuy nhiên, việc kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp nuôi trồng thủy sản hay đất làm muối trong trường hợp người phải THA là người trực tiếp lao động sản xuất và nguồn sống chủ yếu của họ là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất trên đất đó. Họ không còn tài sản hoặc thu nhập nào khác (trừ trường hợp người phải THA đồng ý kê biên QSDĐ đó để THA).
Theo Cục THADS Hà Nội, việc THA gặp nhiều vướng mắc vì việc tiến hành kê biên, xử lý QSDĐ để THA sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người phải THA, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương. Xuất phát từ lý do đó mà nhiều trường hợp chính quyền địa phương không ủng hộ, mà đề nghị cơ quan THA xem xét để lại một phần diện tích đất đủ cho họ sản xuất sinh sống vì địa phương cũng không có quy đất để hỗ trợ.
Cục THADS Hà Nội phân tích trước đây theo Nghị định 164/CP ngày 14/9/2004 về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm THA thì những trường hợp nói trên, khi kê biên, Chấp hành viên phải để lại cho người phải THA diện tích nhất định đủ đảm bảo cho họ sản xuất để có lương thực sinh sống trong 6 tháng đối với người sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất làm muối; 12 tháng đối với đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản hoặc đất nông nghiệp khác. Tuy nhiên, sau khi có Luật THADS thì Nghị định này không còn hiệu lực. Trong khi Luật THADS và các văn bản hướng dẫn không có quy định về nội dung này nên chấp hành viên không có cơ sở để để lại một diện tích đất cần thiết cho người phải THA.
Cùng với việc hoàn thiện pháp luật, trên thực tế, để chia sẻ những khó khăn với người phải THA, một số địa phương cũng đã có những hỗ trợ nhất định về quỹ đất, chỗ ở hay các hình thức hỗ trợ vật chất khác cho người phải THA, nhất là khi những người đó thuộc diện gia đình chính sách, người nghèo, có cuộc sống khó khăn…Thiết nghĩ, đây là việc làm rất có ý nghĩa cần tiếp tục được phát huy.