Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Cục đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Cục trưởng báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2018, giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2019; báo cáo tổng kết công tác năm 2018 và đánh giá toàn diện những kết quả nổi bật trong năm, cụ thể:
Năm 2018, tổng số thụ lý là 7.002 việc, với số tiền 816.289.702.000 đồng; tăng 479 việc (10%), với số tiền 148.538.088.000 đồng (50,8) so với cùng kỳ năm 2017. Sau khi giảm trừ số ủy thác 157 việc, với số tiền 35.007.180.000 đồng, số còn phải thi hành là 6.845 việc, với số tiền 781.282.522.000 đồng; kết quả xác minh phân loại có 5.486 việc, với số tiền 447.387.454.000 đồng có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 80% về việc, 57,2% về tiền; số còn lại 1.359 việc, với số tiền 333.895.068.000 đồng chưa có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 20% về việc, 42,8% về tiền. Kết quả, đã thi hành xong 4.901 việc, với số tiền 242.542.767.000 đồng, đạt tỷ lệ 89,3% về việc, 54,2% về tiền, bằng 121,4% về việc, 166,7% về tiền trên chỉ tiêu được giao, vượt chỉ tiêu được giao là 16,3% về việc, 21,7% về tiền, làm giảm tồn số có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2018 là 5,9% về việc và 4,7% về tiền.
Với kết quả nêu trên, công tác thi hành án tại Hưng Yên đã vượt các chỉ tiêu Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao; tỷ lệ về việc đạt 89,3% bằng 121,4% chỉ tiêu được giao, làm giảm tồn của số có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2018 là 5,9%; về tiền đạt 54,2% bằng 166,7% chỉ tiêu được giao, làm giảm tồn của số có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2018 là 4,7%, nhiều việc thi hành án phức tạp, tồn đọng lâu dài được thi hành dứt điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện; hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể đạt nhiều kết quả, cán bộ, công chức đoàn kết thống nhất; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể được quan tâm chú trọng hoạt động tiếp tục đi vào chiều sâu.
Sau khi nghe báo cáo trên các đại biểu dự hội nghị đã phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ, tập trung phát biểu bổ sung, làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại; xác định các nguyên nhân còn hạn chế để đề xuất các giải pháp có hiệu quả cho năm công tác 2019; với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nhị triển khai công tác năm 2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Vũ Hoàng Thụ, Cục trưởng thay mặt Lãnh đạo Cục trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự hai cấp, sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ, của các ngành, các cơ quan, tổ chức và nỗ lực của đội ngũ công chức toàn ngành để đạt được những thành tích nêu trên; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung cần triển khai thực hiện năm 2019 như sau: (1) Năm 2019, là năm liền kề của năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác năm cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chương trình, kế hoạch công tác năm, các ý kiến chỉ đạo, kết luận của lãnh đạo cấp trên và lãnh đạo tỉnh; phấn đấu thi hành đạt, vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh giao. Bảo đảm thi hành dứt điểm án có điều kiện thi hành, việc trọng điểm, việc tồn đọng kéo dài có liên quan đến các khoản thu cho ngân sách nhà nước, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng và các khoản thu liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, số vụ có giá trị lớn. (2) Bám sát nhiệm vụ công tác năm, nghiêm túc khắc phục các tồn tại, hạn chế; chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự. (3) Cục và các Chi cục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự kịp thời tranh thủ sự chỉ đạo của cấp trên để bảo đảm sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
(4) Làm tốt công tác phân loại án; đảm bảo thi hành án đúng trình tự thủ tục, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết các kiến nghị phản ánh của nhân dân; giải quyết triệt để đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án. Chi cục trưởng phải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo việc tự kiểm tra tại đơn vị để giám sát tiến độ tổ chức thi hành án nhằm chấn chỉnh kỷ cương hành chính, kỷ cương nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong đơn vị. Làm tốt công tác dân vận trong thi hành án dân sự gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung, đương sự nói riêng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong thi hành án dân sự. (5) Phát huy vai trò người đứng đầu cơ quan, tổ chức; trách nhiệm từng thành viên lãnh đạo đơn vị, tổ chức đảng, đoàn thể; chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống; tiếp tục quan tâm hướng về cơ sở, bảo đảm các quyền lợi hợp pháp cho đội ngũ công chức và người lao động. (6) Bảo đảm tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ khác do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và địa phương giao.
Tác giả ảnh: Thế Duẩn
Theo Văn phòng