Thực hiện theo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh. Qua 01 năm thực hiện nhiệm vụ, chiều ngày 12 tháng 3 năm 2024, tại UBND tỉnh Kiên Giang, BCĐ.THADS tỉnh tổ chức Hội nghị nhằm để đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác kết quả hoạt động BCĐ.THADS tỉnh; làm rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong năm 2023, để từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động trong năm 2024. Đồng thời cho ý kiến chỉ đạo những vụ việc thi hành án có vướng mắc, khó thi hành do Cục THADS tỉnh Kiên Giang xin ý kiến.
Hội nghị do đ/c Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ.THADS tỉnh chủ trì; các đ/c là đại diện lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh; các đ/c là Thành viên Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh
(theo Quyết định số 2215/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2023 của UBND tỉnh về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang); Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các huyện, thành phố; Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố.
Hội nghị nghe báo cáo kết quả hoạt động Ban chỉ đạo thi hành án dân sự năm 2023, phương hướng nhiệm vụ 2024; ý kiến phát biểu của thành viên BCĐ.THADS tỉnh và đại diện BCĐ các huyện, thành phố, đ/c Trưởng Ban Chỉ đạo THADS tỉnh cho đây là những nhận xét, đánh giá thực chất trong bối cảnh hoạt động của BCĐ.THADS và tổ chức thi hành án hành chính năm qua, trong điều kiện án tăng trên cả hai lĩnh vực, về việc và về giá trị. Qua kết quả báo cáo cho thấy, ngành THADS toàn tỉnh hoàn thành và vượt chỉ tiêu Tổng cục giao về tiền, đã thi hành xong 12.491 việc (đạt 83,78%); thụ lý về tiền đã thi hành xong 1.012 tỷ (đạt 48,72%) so với số có điều kiện thi hành. Đ/c Trưởng Ban Chỉ đạo THADS tỉnh cho đây là một kết quả của sự chỉ đạo điều hành linh hoạt của BCĐ và cơ quan thi hành án dân sự trong thời gian qua.
Tuy nhiên, tại Hội nghị, đ/c Trưởng BCĐ.THADS cũng nêu một số hạn chế đó là: Công tác phối hợp liên ngành cấp tỉnh đôi lúc chưa tốt, chưa kịp thời nhất là việc chỉ đạo tổ chức thực hiện kết luận, chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về các vụ việc thi hành án có vướng mắc, khó thi hành, còn nhiều vụ việc chưa thực hiện được. Còn chậm giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp tài sản phát sinh khi cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành án, còn nhiều vụ việc Tòa án cấp huyện đã thụ lý nhiều năm nhưng chưa giải quyết xong. Kết quả thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng tỷ lệ còn đạt thấp so với kết quả chung của ngành; số án có điều kiện chuyển năm 2024 còn nhiều, nhất là án tín dụng, ngân hàng, án hành chính kết quả thi hành đạt thấp. Tình hình, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự, hành chính trong năm 2024 rất nặng và khó khăn, lượng án thụ lý ngày càng tăng về số việc và số tiền; án hành chính chưa thi hành còn nhiều và hiện Tòa án còn đang thụ lý một lượng án khá lớn nhưng chưa đưa ra xét xử, từ đó Ban chỉ đạo đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tập trung tổ chức đưa các vụ án có điều kiện thi hành ra thi hành dứt điểm, phấn đấu kết quả thi hành án năm 2024 đạt trên 83,35% về việc, và trên 46,65% về tiền (án có điều kiện thi hành); Giảm án kỳ sau về việc, tiền, theo dõi đôn đốc thi hành án hành chính kịp thời. BCĐ thi hành án chỉ đạo các ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự 02 cấp thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành các vụ việc khó khăn phức tạp, kéo dài, các vụ việc có kết luận của BCĐ cho ý kiến, các vụ việc cưỡng chế, các vụ việc phức tạp có ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Thành viên Ban Chỉ đạo trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành, đơn vị, có trách nhiệm chỉ đạo hoặc đề xuất tập thể lãnh đạo ngành, đơn vị chỉ đạo các bộ phận chuyên môn của ngành, xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến công tác thi hành án dân sự; tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự. Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm sát công tác nghiệp vụ thi hành án dân sự, hành chính, kịp thời phát hiện, khắc phục những sai sót về trình tự, thủ tục thi hành án, hạn chế không để xảy ra sai phạm dẫn đến bồi thường Nhà nước; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân, tăng cường đối thoại trực tiếp, giải quyết kịp thời, hiệu quả các khiếu nại, tố cáo của công dân tại cơ sở, hạn chế khiếu nại đông người, khiếu nại, tố cáo vượt cấp; Phấn đấu trong năm 2024 kết quả thi hành án dân sự, hành chính đạt và vượt tỷ lệ do Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án giao, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tín dụng, ngân hàng; Tổ chức thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp liên ngành, quy chế nội bộ; thực hiện tốt cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác THADS./.