Sign In

73 NĂM TRUYỀN THỐNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

19/07/2019

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Nước Việt Nam dân chủ Cộng Hòa ra đời, hệ thống các cơ quan nhà nước được thiết lập trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở Sắc lệnh số 46 ngày 10 tháng 10 năm 1945 của Chính phủ lâm lời Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc tạm thời áp dụng các Luật hiện hành của chế độ cũ với điều kiện “không trái với nguyên tắc độc lập của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Nền móng đầu tiên quy định cho công tác thi hành án dân sự của Nhà nước ta là: Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 13 ngày 24 tháng 01 năm 1946 về cách tổ chức của các Tòa án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tại khoản 3, Điều 3 Sắc lệnh này quy định: “Ban Tư pháp xã có quyền thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”, có nghĩa là Ban Tư pháp xã có quyền thi hành Bản án, Quyết định của Thẩm phán.

Ngày 19/7/1946, Quyền Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL - Một văn bản riêng quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Ghi nhận sự kiện lần đầu tiên Chính phủ ban hành một văn bản pháp lý độc lập quy định về thể thức bản toàn sao, bản trích sao án được đưa ra thi hành, trách nhiệm thi hành những mệnh lệnh, lệnh, án của Tòa án.

Ngày 22 tháng 5 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về cải cách Bộ máy Tư pháp, tố tụng và hoạt động tư pháp, trong đó có công tác Thi hành án dân sự. Điều 19 Sắc lệnh quy định “Thẩm phán huyện dưới sự kiểm soát của Biện lý có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ, mà chính Toà án huyện hoặc Toà án trên đã tuyên. Việc phát mại bất động sản và phân phối tiền bán được cũng do Toà án huyện phụ trách. Trong trường hợp có nhiều bất động sản rải rác ở nhiều huyện khác nhau thì Biện lý sẽ chỉ định một Thẩm phán huyện để việc phát mại đó vừa có lợi cho chủ nợ lẫn người mắc nợ”. Từ đó, cho thấy việc tổ chức thi hành án dân sự do Ban Tư pháp xã được thực hiện trước đây được thay thế bằng Thẩm phán dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án. Sắc lệnh này cho thấy Tư tưởng Hồ Chí Minh trong cải cách Tư pháp có sự vượt bậc làm thay đổi cơ bản trong Tổ chức và hoạt động của Thi hành án dân sự. Việc thi hành án dân sự là trách nhiệm của Nhà nước, Tòa án chủ động thi hành án dân sự mà không chờ đợi yêu cầu của người được thi hành án.

Trên sơ sở Hiến pháp 1959, Quốc hội đã ban hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960. Trong đó, Điều 24 quy định “Tại các tòa án nhân dân địa phương có nhân viên Chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những Bản án và Quyết định về dân sự, những khoản về bồi thường và tài sản trong các Bản án và Quyết định về hình sự”. Vấn đề vị trí, chức năng nhiệm vụ của nhân viên Chấp hành án được xác định rõ trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Từ đây cho thấy chức danh Chấp hành án đã được thể hiện trong một văn bản pháp luật.

Có thể nói ngay từ những năm đầu của Chính quyền Cách mạng, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, thù trong giặc ngoài, phải diệt giặc dốt, giặc đói, vừa kháng chiến vừa kiến Quốc, vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến hoạt động của Tổ chức Tư pháp, không ngừng xây dựng, kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền “Của dân do dân và vì dân” trong đó có công tác Thi hành án dân sự. 

Ngày 13 tháng 10 năm 1972 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra Quyết định số 186/TC quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, đến thời điểm này thì chức danh Chấp hành viên đã được hình thành và được giữ cho đến nay.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 đã giao Bộ Tư pháp quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt Tổ chức. Nghị định 143-HĐBT ngày 22 tháng 11 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và Tổ chức của Bộ Tư pháp: “Bộ Tư pháp có chức năng quản lý công tác thi hành án dân sự”. Tòa án nhân dân tối cao đã giao nhiệm vụ quản lý công tác thi hành án dân sự cho Bộ tư pháp bắt đầu từ ngày 01 tháng 10 năm 1982.

Ngày 28 tháng 8 năm 1989, Hội đồng nhà nước ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự đầu tiên, có 7 chương và 43 điều. Đây cũng là lần đầu tiên vị trí, vai trò của Chấp hành viên được Nhà nước trao quyền tổ chức thi hành Bản án, Quyết định của Tòa án đã được thừa nhận một cách chính thức bằng một văn bản chuyên ngành.
Hiến pháp 1992 được ban hành làm cơ sở cho việc cải tổ các cơ quan Nhà nước nói chung và cơ quan Tư pháp nói riêng. Đây cũng là nền móng cho sự ra đời của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993. Pháp lệnh này đã làm thay đổi cơ bản về tổ chức và hoạt động của Thi hành án dân sự. Về tổ chức thì được tách ra thành một cơ quan độc lập, về hoạt động thì việc ra quyết định Thi hành án thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án.

Với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước đã đặt ra cho công tác thi hành án phải có sự đổi mới tương ứng. Ngày 14 tháng 01 năm 2004, tại phiên họp Thường kỳ thứ 15 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 số 13/2004/PL-UBTVQH11.

Để công tác Thi hành án dân sự ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với yêu cầu của công tác cải cách Tư pháp theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XII ngày 14 tháng 11 năm 2008, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thi hành án dân sự gồm 9 Chương và 183 Điều. Trước yêu cầu mới, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015. Ghi nhận thành tích vẻ vang của ngành Thi hành án dân sự và động viên các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác Thi hành án dân sự tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp. Ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg lấy ngày 19/7 hàng năm là "Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự". Đây là dịp quan trọng để các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác thi hành án dân sự, tổ chức ôn lại truyền thống vể vang của ngành, ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước, góp phần khuyến khích động viên cán bộ thi hành án vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhằm xây dựng ngành Thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.

Nguyễn Văn Vũ, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh

Các tin đã đưa ngày: