Sign In

NHỮNG ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA KHIẾU NẠI VÀ TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

24/10/2017


 
Quyền khiếu nại, quyền tố cáo là những quyền chính trị cơ bản của công dân được ghi nhận tại các bản Hiến pháp, cụ thể: Hiến pháp năm 1956 (Điều 29), Hiến pháp năm 1980 (Điều 73), Hiến pháp năm 1992 (Điều 74) và Hiến pháp năm 2013 (Điều 30). Quyền khiếu nại, tố cáo được quy định chi tiết tại Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011. Đối với khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được quy định từ Điều 140 đến Điều 159, Chương VI của Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân định rõ ràng, chính xác giữa khiếu nại và tố cáo để giải quyết theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân của sự khó phân định này là do quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa rõ ràng, do ý chí chủ quan của đương sự, khi thì có đơn khiếu nại, khi thì có đơn tố cáo, thậm chí rất nhiều đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo. Trong bài viết này tác giả đưa ra một số tiêu chí để trao đổi và vận dụng trong quá trình xử lý đơn khiếu nại và tố cáo để từ đó phân loại và xử lý đúng quy định.
  1. Về khái niệm
Khiếu nại về thi hành án dân sự là việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án dân sự đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tố cáo về thi hành án dân sự là việc công dân báo cho người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự.
  1. Về đối tượng làm phát sinh
Khiếu nại: Quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên. Bất kỳ quyết định, hành vi nào của Thủ trưởng, Chấp hành viên trong quá trình thi hành án đều bị khiếu nại khi người khiếu nại cho rằng quyết định, hành vi đó không tuân theo những quy định của pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
Tố cáo: Hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự. Một hành vi vi phạm pháp luật khi hành vi đó có đầy đủ các yếu tố cấu thành hành vi vi phạm pháp luật. Các yếu tố đó là: Tính trái pháp luật (mặt khách quan), có lỗi (mặt chủ quan), năng lực chịu trách nhiệm pháp lý của chủ thể (mặt chủ thể).
Như vậy, hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do Thủ trưởng cơ quan, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự thực hiện, xâm phạm tới những quan hệ xã hội được pháp luật về thi hành án dân sự điều chỉnh và bảo vệ, khi họ không bị tâm thần và những bệnh thần kinh khác.
3. Về thời hiệu
Khiếu nại:  thời hiệu khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên là từ 3 ngày làm việc đến 30 ngày tùy từng quyết định, hành vi xảy ra trước, trong và sau khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế.
Tố cáo: Luật Thi hành án dân sự không quy định thời hiệu tố cáo mà bất kỳ khi nào công dân phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự, công dân đều có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
  1. Chủ thể thực hiện quyền
Khiếu nại: Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó, đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án.
Tố cáo: chủ thể thực hiện tố cáo lại rất rộng là công dân.   
  1. Mục đích hướng tới
Khiếu nại: Hướng tới lợi ích của chính bản thân mình, đi đòi lại lợi ích mà họ bị xâm phạm bởi quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên.
Tố cáo: Không chỉ hướng đến mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân họ mà còn bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, cơ quan, tổ chức khác. Ngoài ra, còn hướng đến mục đích xử lý hành vi vi phạm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác.
  1. Yêu cầu về thông tin
Khiếu nại:  Không quy định người khiếu nại chịu trách nhiệm về việc khiếu nại sai sự thật. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định người khiếu nại phải trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó.
Tố cáo: Người tố cáo phải trung thực và chịu trách nhiệm về việc tố cáo sai sự thật nếu cố tình, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu cáo, vu khống theo quy định của Bộ luật Hình sự  và bồi thường thiệt hại (nếu có thiệt hại thực tế xảy ra).
7. Về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo
Khiếu nại: thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu và thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai.
Thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu: Sau khi xem xét thấy khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thụ lý đơn khiếu nại, xác minh, trường hợp cần thiết có thể trưng cầu giám định hoặc tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung khiếu nại sau đó phải ra quyết định giải quyết khiếu nại. Trường hợp nội dung đơn khiếu nại, các tài liệu gửi kèm theo của người khiếu nại và báo cáo giải trình cùng hồ sơ, tài liệu có liên quan do người bị khiếu nại cung cấp đã rõ ràng, có đủ căn cứ, cơ sở pháp lý để kết luận, giải quyết thì người giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại theo trình tự rút gọn (không cần xác minh, đối thoại).
- Thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai: Ngoài việc thực hiện các thủ tục như lần một, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần đầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để giải quyết khiếu nại.
Tố cáo, việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây: Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo; công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.
Khác với khiếu nại, Luật Thi hành án dân sự quy định thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai, đối với tố cáo, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định tố cáo tiếp và thủ tục giải quyết tố cáo lại. Trình tự thủ tục giải quyết cũng giống như thủ tục giải quyết tố cáo đã nêu ở trên. Tuy nhiên quy trình này thực hiện theo Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ chứ không phải theo Luật Thi hành án dân sự.
8. Về thụ lý và thời hạn giải quyết
- Về thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo
Khiếu nại: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết và không thuộc trường hợp không thụ lý khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết. Trường hợp người có thẩm quyền không thụ lý đơn khiếu nại để giải quyết thì phải thông báo và nêu rõ lý do.
Tố cáo: Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo.
- Về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo
Khiếu nại: Tùy từng quyết định, hành vi bị khiếu nại mà thời hạn giải quyết từ 5 ngày làm việc đến 30 ngày. Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai là 30 ngày (45 ngày đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế), kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.
Tố cáo: thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày.
9. Kết quả giải quyết
Khiếu nại:  Quyết định giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại bắt buộc phải được gửi đến người khiếu nại.
Tố cáo: Kết luận tố cáo. Kết luận tố cáo chỉ được gửi đến người tố cáo chỉ khi tố cáo đúng và họ có yêu cầu.
  1. Về quyền gửi đơn, rút đơn và hậu quả rút đơn của người khiếu nại, người tố cáo
Khiếu nại
-  Người khiếu nại có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại;
- Người khiếu nại được quyền rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại được rút thì sẽ chấm dứt việc giải quyết.
Tố cáo:
- Người tố cáo có các quyền gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (không được uỷ quyền cho người khác);
- Người tố cáo chỉ được rút tố cáo nếu việc rút tố cáo là có căn cứ. Người giải quyết tố cáo không chấm dứt giải quyết trong trường hợp xét thấy hành vi vi phạm pháp luật vẫn chưa được phát hiện và xử lý. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng, việc rút tố cáo do người tố cáo bị đe dọa, ép buộc, thì người giải quyết tố cáo phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, xử lý nghiêm đối với người đe dọa, ép buộc người tố cáo, đồng thời phải xem xét, giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo, nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm hoặc vì vụ lợi, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người tố cáo sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật;
  1.  Quy định về khiếu nại, tố cáo tiếp
Khiếu nại: Người khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp lần 2 nếu không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1, không quy định điều kiện. Quyết định quyết khiếu nại lần 2 có hiệu lực thi hành.
Tố cáo: Người tố cáo được tố cáo tiếp và người có thẩm quyền giải quyết tố cáo chỉ giải quyết khi tố cáo tiếp thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã quá thời hạn giải quyết tố cáo mà vụ việc chưa được giải quyết hoặc có nội dung tố cáo chưa được giải quyết;
- Tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật, nhưng có tình tiết mới chưa được phát hiện trong quá trình giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo;
- Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (về trình tự, thủ tục giải quyết lại tố cáo; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật; kết luận nội dung tố cáo không phù hợp với những chứng cứ thu thập được; việc xử lý người bị tố cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật; có bằng chứng về việc người giải quyết tố cáo hoặc người tiếp nhận tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo đã làm sai lệch hồ sơ vụ việc; có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của người bị tố cáo nhưng chưa được phát hiện).
  1.  Thái độ xử lý
Khiếu nại:  Khiếu nại không được khuyến khích. Khiếu nại là đi đòi lại lợi ích cho mình, nên pháp luật không đặt vấn đề khuyến khích.
Tố cáo: Được khuyến khích thể hiện qua việc có những quy định khen thưởng cho người tố cáo đúng.
  1.  Khen thưởng
Khiếu nại:  Không có.
Tố cáo: Được khen thưởng theo với các giải: Huân chương Dũng cảm, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của các Bộ, cơ quan ngang Bộ…. Riêng với việc tố cáo hành vi tham nhũng còn được xét tặng thưởng với số tiền lên đến 3.63 tỷ đồng.
Việc phân biệt giữa khiếu nại với tố cáo giúp công dân thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo của mình đúng quy định pháp luật. Đồng thời giúp cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nhanh chóng, kịp thời, chính xác, tránh được nhầm lẫn, sai sót trong quá trình giải quyết.

Nguyễn Thanh Thúy
Phòng Kiểm tra - Giải quyết khiếu nại, tố cáo

Các tin đã đưa ngày: