Sign In

Kê biên quyền sử dụng đất mang tên người được thi hành án để đảm bảo thi hành nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án

17/08/2016

Tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự quy định một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án đó là “Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ”. Trong đó, việc cưỡng chế kê biên Quyền sử dụng đất được quy định từ Điều 110 đến Điều 113 Luật Thi hành án dân sự. Trong thực tế thì giấy tờ về quyền sử dụng đất được kê biên có thể mang tên người phải thi hành án hoặc người khác với điều kiện quyền sử dụng đất là của người phải thi hành án. Tuy nhiên, trong trường hợp quyền sử dụng đất đang do người phải thi hành án sử dụng, chưa chuyển quyền sở hữu sử dụng tại Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất và vẫn mang tên người được thi hành án thì quá trình kê biên gặp khó khăn và giữa các cơ quan hữu quan còn có nhiều quan điểm xử lý khác nhau.
1. Nội dung vụ việc
Bản án phúc thẩm ngày 05/8/2014 của TAND tỉnh Đ xét xử vụ “Tranh chấp kiện đòi tài sản cho mượn” giữa ông D, bà H với ông T đã tuyên:
Ông T mua lại nhà đất của ông D, bà H với giá 600 triệu đồng. Ông T được quyền sở hữu, sử dụng đối với thửa đất số 137 cùng toàn bộ công trình trên đất mang tên ông D, bà H; có trách nhiệm trả ông D, bà H số tiền 600 triệu đồng; có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định.
Ngày 10/11/2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện H đã ra Quyết định thi hành án: buộc ông T phải thanh toán trả cho ông D, bà H số tiền: 600 triệu đồng và lãi suất chậm thi hành án.
Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên đã xác định vợ chồng ông D, bà H hiện có tài sản là nhà đất tại thửa 137 đều mang tên ông D, bà H (tài sản này chính là tài sản ông T đã thỏa thuận mua lại của ông D, bà H tại phiên tòa phúc thẩm, nhưng không thanh toán tiền nên ông D, bà H không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng).
Ngày 14/7/2015, CHV đã ra QĐ cưỡng chế kê biên QSD đất và tài sản trên đất như trên đối với ông T.  
Tuy nhiên, ông T có đơn khiếu nại về việc tài sản trên chưa thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của ông do ông D và bà H chưa chuyển giao giấy tờ để ông làm thủ tục đăng ký, đồng thời ông cho rằng tài sản trên đất là do công sức của cả hai vợ chồng ông xây dựng nên việc ban hành QĐ cưỡng chế kê biên là thiếu căn cứ và vi phạm pháp luật.
Về phía Cục THADS tỉnh Đ và Viện KSND huyện H đề nghị Chi cục THA DS dừng việc tổ chức thi hành án và có ý kiến cho rằng nhà đất vẫn thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông D, bà H do Bản án phúc thẩm chưa giải quyết hậu quả nếu ông T không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền theo thỏa thuận; đề nghị có văn bản kiến nghị TAND tỉnh Đ theo hướng: nếu ông T không thanh toán trả tiền cho ông D và bà H thì phải thực hiện theo Bản án sơ thẩm (Buộc vợ chồng ông T trả lại tài sản như trên cho vợ chồng ông D). Ngày 13/8/2015, Chi cục ra Thông báo dừng Quyết định cưỡng chế kê biên nói trên và Quyết định thu hồi Quyết định cưỡng chế kê biên.
Chi cục THADS huyện H đã có các văn bản đề nghị TAND tỉnh xem xét trả lời để có căn cứ thi hành án. Ngày 09/10/2015, TAND tỉnh N có Công văn  trả lời: "... đến hết ngày 30/9/2014, ông T không thanh toán xong hết số tiền 600 triệu đồng cho ông D, bà H theo như thỏa thuận thì buộc ông T phải có nghĩa vụ thực hiện theo như quyết định của bản án số: 06/2014/TCDS-ST ngày 19/3/2014 của TAND huyện H..."
Tiếp đó, Tòa án nhân dân tỉnh N có CV số 25/CV-DS và CV số 66/TA-DS với nội dung: "Như vậy, đến hết ngày 30/9/2014 ông T không thanh toán xong số tiền 600 triệu đồng cho ông D, bà H theo như thỏa thuận, ông D, bà H đã có đơn đề nghị thi hành án, cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành bản án, động viên nhưng ông T không tự nguyện thi hành thì hoàn toàn có quyền kê biên bán đấu giá tài sản của ông T chính là nhà đất mang tên ông D, bà H mà ông T đã được xác lập quyền sở hữu theo bản án để thi hành nghĩa vụ trả tiền cho ông D, bà H”.
2. Các quan điểm khác nhau
Quan điểm của Chi cục huyện H, Viện KSND huyện H: cần kiến nghị Tòa án ND cấp cao xem xét lại Bản án DSPT trên theo thủ tục GĐT, hủy Bản án DSPT, giữ nguyên QĐ của Bản án sơ thẩm với lý do Bản án DSPT tuyên chưa triệt để, chưa nói rõ hậu quả việc ông T không trả tiền cho ông D, bà H thì Quyền sử dụng đất sẽ được giải quyết như thế nào khi tại phiên tòa phúc thẩm đã công nhận thỏa thuận ông T mua nhà đất của ông D, bà H. Do đó, khi ông T chưa thanh toán đủ tiền thì ông D, bà H chưa làm thủ tục sang tên cho ông T nên nhà đất vẫn thuộc quyền sở hữu của ông D, bà H, do đó Chi cục không có căn cứ để kê biên. Hiện nay, Chi cục đang có Công văn đề nghị TAND cấp cao xem xét lại bản án theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Quan điểm của Viện KSND, Tòa án ND tỉnh N: tại cuộc họp liên ngành mở rộng, để xem xét thống nhất quan điểm chỉ đạo, đa số đại diện các ngành Tòa án và VKS đã phân tích và cho rằng mặc dù vợ chồng ông T chưa thực hiện hết nghĩa vụ trả cho ông D, bà H tiền mua nhà còn lại là 600 triệu, nhưng căn cứ quy định của Bộ luật dân sự thì quyền sở hữu nhà đất đã được xác lập theo bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, vì vậy, nếu trong quá trình thi hành án mà ông T không tự nguyện trả tiền thì cơ quan thi hành án có quyền kê biên tài sản đó để thi hành án.
Một số ý kiến khác cho rằng việc công nhận thỏa thuận của các đương sự chưa thật sự khách quan và không đúng các quy định của pháp luật liên quan vì nếu theo quyết định của bản án phúc thẩm thì trách nhiệm thi hành án chỉ có một mình ông T phải thực hiện, do đó nếu như xử lý tài sản thì cơ quan thi hành án có được xử lý toàn bộ tài sản không hay chỉ được xử lý 1/2 tài sản vì tài sản này phát sinh trong thời kỳ hôn nhân trong khi theo bản án thì chỉ có một mình ông T chịu trách nhiệm thi hành và sẽ xảy ra việc khiếu nại của bà N (là vợ ông T) và cũng không bảo đảm quyền lợi cho vợ chồng ông D, bà H.
Cục thi hành án dân sự tỉnh N thì cho rằng mặc dù tài sản nhà đất của ông T mua của vợ chồng ông D, bà H còn mang tên quyền sử dụng của ông D, bà H nhưng theo quy định của pháp luật dân sự thì quyền sở hữu nhà và sử dụng đất đã được xác lập cho ông T kể từ ngày bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật; do đó cần phải kê biên tài sản này để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, tuy nhiên cũng cần phải xem xét đến quyền lợi của bà N là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để tránh khiếu kiện xảy ra.
3. Đề xuất hướng giải quyết:
Trong vụ việc trên có 02 nội dung cần phải giải quyết, đó là có kê biên được tài sản của ông T để thi hành án hay không và xử lý toàn bộ hay ½ tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án?
Về 02 vấn đề này, tác giả đề xuất hướng giải quyết như sau:
Thứ nhất, về việc kê biên tài sản để thi hành án:
Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành sẽ bị cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế tài sản của họ để đảm bảo thi hành án. Căn cứ quy định tại Điều 235 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền sở hữu, sử dụng đối với thửa đất số 137 mang tên ông D và bà H tại là tài sản đã được xác lập quyền sở hữu, sử dụng cho ông T theo Bản án số 30/DS-PT  của Tòa án nhân dân tỉnh N đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, trong trường hợp ông T không tự nguyện thi hành án khoản tiền trả cho ông D, bà H thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ quy định tại Điều 110 Luật Thi hành án dân sự, Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 để kê biên tài sản đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của ông T.
Thứ hai, về việc xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án:
Tại Bản án sơ thẩm của TAND huyện H đã tuyên vợ chồng ông T có nghĩa vụ trả nhà và đất cho vợ chồng ông D và bà H. Tại Bản án phúc thẩm nói trên đã công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự, theo đó đã tuyên ông T mua lại nhà đất của vợ chồng ông D và bà H và có trách nhiệm thanh toán 600 triệu đồng cho ông D và bà H. Vì vậy, trong trường hợp ông T không trả khoản tiền trên cho ông D và bà H thì cơ quan thi hành án dân sự có quyền kê biên tài sản của ông T để đảm bảo thi hành án. Theo Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung vợ chồng”, tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 33 đã quy định “tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng” và Điều 37, Luật Hôn nhân gia đình đã quy định vợ chồng có nghĩa vụ chung về tài sản khi “nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập”. Trong vụ việc này, tại Bản án sơ thẩm đã nhận định T, bà N đã đồng ý thỏa thuận mua lại nhà đất của ông D và bà H, hơn nữa việc ông T thỏa thuận với ông D và bà H tại phiên tòa phúc thẩm để mua tài sản và trả tiền cho ông D và bà H là thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Do đó, trong trường hợp Chấp hành viên kê biên tài sản nói trên thì có thể xử lý toàn bộ tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ thi hành án theo bản án. Tuy nhiên, để thận trọng trong quá trình xử lý tài sản thì trước khi kê biên, Cục THADS tỉnh N cần có Công văn đề nghị TAND tỉnh N giải thích về việc tài sản mà ông T đã thỏa thuận mua của ông D, bà H là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của riêng ông T hay tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng để có cơ sở xử lý tài sản kê biên đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
 


Theo Nguyễn Nhàn-Vụ Nghiệp vụ 1-Tổng cục THADS

Các tin đã đưa ngày: