Sign In

Công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp

03/01/2025

Công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp
Ngày 31/12, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2596/QĐ-BTP về việc phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp.
10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp cụ thể như sau:
1. Bộ Tư pháp vinh dự đón đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đến làm việc về công tác tư pháp và pháp luật
Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về công tác tư pháp và định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Tại buổi làm việc, đồng chí Tổng Bí thư ghi nhận, đánh giá cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật. Trước những cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng chí Tổng Bí thư đã đưa ra những định hướng và nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể mà Bộ, ngành Tư pháp phải tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm xây dựng hệ thống pháp luật vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Buổi làm việc thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác tư pháp và pháp luật, tiếp tục khẳng định hoàn thiện thể chế, pháp luật là một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng thời là sự định hướng để toàn Ngành tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu, kết hợp với đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao.
2. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục đổi mới, khơi thông nguồn lực phát triển
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIII về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" đặt ra yêu cầu “Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.  
Năm 2024, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đổi mới tổ chức và hoạt động của Tổ công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo do đồng chí Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban). Bộ, ngành Tư pháp đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV; đồng thời đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các văn bản pháp luật, xác định vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật, trong đó chú trọng vào lĩnh vực pháp luật về phân cấp, ủy quyền, cắt giảm thủ tục hành chính và một số lĩnh vực quan trọng khác. Trên cơ sở kết quả rà soát, Ban Chỉ đạo đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, ngày 29/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua 03 dự án luật sửa đổi, bổ sung 13 luật thuộc lĩnh vực tài chính, kế hoạch và đầu tư từ chính kết quả rà soát văn bản QPPL do Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất. Kết quả rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL được Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ ghi nhận và được các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hoan nghênh, đánh giá tích cực.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó có nhiều dự án luật, nghị quyết được xây dựng theo tinh thần, tư duy đổi mới, bám sát thực tiễn phát triển của Việt Nam, kịp thời thể chế hóa những chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Để triển khai các luật, pháp lệnh, nghị quyết trên, lần đầu tiên, Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ tổ chức thành công 02 Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 Quốc hội khoá XV. Việc tổ chức Hội nghị này là một trong những giải pháp cụ thể trong việc triển khai thực hiện yêu cầu trong các nghị quyết của Đảng về “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”.
Năm 2024 cũng là năm ghi dấu sự nỗ lực vượt bậc của Bộ, ngành Tư pháp trong việc thẩm định các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Với trọng tâm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khách quan và giá trị thực tiễn, công tác thẩm định đã đạt được những kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước. Cụ thể, Bộ Tư pháp đã thẩm định 152 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định là 222 văn bản; các Sở Tư pháp thẩm định 2.069 văn bản và các Phòng Tư pháp thẩm định là 1.124 văn bản.
Những kết quả nêu trên không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà còn khẳng định vai trò nòng cốt của Bộ, ngành Tư pháp trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Sự ghi nhận tích cực từ lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cộng đồng xã hội chính là động lực để Bộ tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
3. Đội ngũ cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp được tin tưởng, tín nhiệm và có nhiều bước phát triển
Đội ngũ cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ; được củng cố, kiện toàn, được quan tâm quy hoạch, bố trí vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương và địa phương. Trong đó đặc biệt là việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiện toàn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thông qua chức danh pháp chế viên tại các tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương.
Tại Thông báo kết luận số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao và có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp đi địa phương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời yêu cầu các cấp ủy địa phương quan tâm phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tư pháp và cơ cấu Giám đốc Sở Tư pháp tham gia cấp ủy cấp tỉnh.
Những bước phát triển mới trong công tác cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp chính là tiền đề quan trọng, khẳng định sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đối với vai trò và đóng góp của cán bộ Tư pháp. Đây vừa là nguồn động viên to lớn nhưng cũng là vinh dự, trách nhiệm của mỗi cán bộ ngành Tư pháp để tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng và thi hành pháp luật; đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của từng địa phương và cả nước.
4. Bộ Tư pháp đứng đầu chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ (Par-index)
Theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vào ngày 17/4/2024, Chỉ số Cải cách hành chính của Bộ Tư pháp trở lại xếp thứ 01/17 bộ. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp, Bộ Tư pháp duy trì nhóm ba Bộ dẫn đầu về Chỉ số Cải cách hành chính cấp bộ. Kết quả trên là sự ghi nhận cho nỗ lực của Bộ trong việc đẩy mạnh đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu và thực hiện Dịch vụ công trực tuyến, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Theo Quyết định số 565/QĐ-BTP ngày 03/4/2024, toàn ngành Tư pháp đã có 54 Thủ tục hành chính có thể thực hiện Dịch vụ công trực tuyến toàn trình; trong đó có nhiều thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như cấp Phiếu lý lịch tư pháp, trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử. Đặc biệt, từ ngày 01/10/2024, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên ứng dụng VNeID, chấm dứt việc người dân phải xếp hàng, chờ đợi để lấy Phiếu lý lịch tư pháp.
Kết quả này cũng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ thực hiện cải cách thể chế - một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
 
5. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay
Năm 2024, công tác thi hành án dân sự tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức khi số việc và số tiền thụ lý mới tiếp tục tăng cao (tăng 71.511 việc, tương ứng với 11,23% và trên 80.188 tỷ đồng, tương ứng với 48,51% về tiền), tính chất ngày càng phức tạp, nhiều vụ việc có số tiền và số người được thi hành án đặc biệt lớn (như vụ Tân Hoàng Minh với tổng số bị hại là 6.630 người; đã chi trả 6.492 bị hại với số tiền hơn 8.600 tỷ đồng). Trong bối cảnh đó, bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống thi hành án dân sự trong triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt các giải pháp. Kết quả thi hành án tăng đều trên tất cả các phương diện với tổng số thi hành hơn 1 triệu việc (trong đó số có điều kiện thi hành hơn 739.000 việc, toàn hệ thống đã thi hành xong hơn 620.000 việc đạt tỷ lệ gần 84%, thu, xử lý hơn 116.000 tỷ đồng đạt tỷ lệ gần 52%; thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng hơn 30.544 tỷ đồng; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực với hơn 22.177 tỷ đồng; cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định hành chính, tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023).
6. Tổ chức thành công Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024
Với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp; nhằm đổi mới hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Bộ Tư pháp đã chủ động tham mưu, đề xuất Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”. Diễn đàn được tổ chức vào ngày 09/10/2024 dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thu hút hơn 3.700 người tham dự. Tại Diễn đàn, Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lắng nghe ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia nhằm nắm bắt, nhận diện những vướng mắc pháp lý, khó khăn, cản trở từ quá trình tổ chức thực hiện; đồng thời giải đáp, trả lời và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngay sau Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề vướng mắc pháp lý thực tiễn mà cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh; tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong thời gian tới. Diễn đàn là một trong những dấu ấn nổi bật của ngành Tư pháp trong năm 2024, là điểm nhấn của công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, tích cực hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam, Ngày Pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, thông qua Diễn đàn đã lan toả nội dung, tinh thần ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh làm giàu chính đáng, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
7. Công bố Bộ pháp điển Việt Nam
Ngày 05/11/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức công bố Bộ pháp điển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Nhà nước ta có Bộ pháp điển và là thành quả, sự quyết tâm, chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và Bộ Tư pháp trong hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 và Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển.
Bộ Pháp điển gồm 45 chủ đề, với 271 đề mục, được tập hợp, sắp xếp, cập nhật chính xác, khoa học, kịp thời các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành theo các nhóm quan hệ xã hội, lĩnh vực (dưới hình thức các chủ đề, đề mục) và truyền tải trên phương tiện điện tử, Bộ pháp điển giúp các cơ quan, tổ chức và cá nhân dễ dàng, thuận tiện trong việc quản lý, tiếp cận, tra cứu, tìm kiếm, áp dụng các quy định của pháp luật một cách hệ thống, toàn diện, chính xác, góp phần tích cực nâng cao tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật Việt Nam. Mặt khác, thông qua việc thực hiện pháp điển và cập nhật các QPPL vào Bộ pháp điển, các cơ quan nhà nước ở Trung ương có ý thức thường xuyên hơn về việc nhận diện, kiểm soát các văn bản QPPL thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời những bất cập, hạn chế trong các quy định pháp luật.
Bộ pháp điển Việt Nam là sản phẩm chính thức của Nhà nước, do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và được khai thác, sử dụng miễn phí trên Cổng thông tin điện tử pháp điển dưới dạng điện tử (phapdien.moj.gov.vn). Việc công bố và đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật, tăng cường ý thức thượng tôn pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng các quy định pháp luật và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn phát triển hiện mới của đất nước.
8. Phiếu Lý lịch tư pháp được cấp trên ứng dụng VNeID toàn quốc
Ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 656/TTg-KSTT ngày 24/8/2024 về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 01/10/2024 tới 30/6/2025. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở kết quả thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID của thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an rà soát, hoàn thiện và ban hành Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC ngày 20/9/2024. Với sự đồng lòng, quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, đến nay, 63/63 Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và được người dân tích cực đón nhận. Trong hơn 02 tháng thực hiện thí điểm, người dân trên cả nước đã được tiếp cận, sử dụng dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID với số lượng hơn 100.000 yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (đạt tỷ lệ trên 50% tổng số hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên toàn quốc), đặc biệt một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Bắc Ninh… có tỷ lệ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID cao (hơn 80%).
Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đã tạo ra nhiều tiện ích, thuận lợi cho cả người dân và cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp. Theo đó, quy trình thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoàn toàn trên môi trường điện tử, người dân có thể đề nghị yêu cầu cấp Phiếu mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại thông minh; thủ tục và thành phần hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp được đơn giản hóa tối đa, chỉ bao gồm Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, trong đó thông tin nhân thân đã được xác thực và điền tự động, người dân chỉ phải điền hoặc tích một vài thông tin và nộp phí theo hình thức trực tuyến. Thời gian thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp chỉ trong vòng khoảng 5 phút. Với kết quả nhận được là Phiếu lý lịch tư pháp điện tử, người dân có thể sử dụng nhiều lần để thực hiện các thủ tục hành chính khác, không cần phải cung cấp bản giấy, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp cũng được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 03 ngày làm việc. Có thể nói, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trong toàn quốc là một giải pháp đột phá, thay đổi mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Phiếu Lý lịch tư pháp, tạo thêm sự lựa chọn mới thuận lợi cho người dân có yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiện tại về lý lịch tư pháp.
9. Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo hướng tăng cường xã hội hóa
Năm 2024, công tác xây dựng văn bản trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được đặt làm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp, theo đó, Bộ đã tập trung xây dựng và trình cấp có thẩm quyền thông qua 02 Luật, cụ thể như sau:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, với tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, là Luật có tỷ lệ số phiếu tán thành tuyệt đối và cao nhất từ trước đến nay của Bộ, ngành Tư pháp. Luật đã sửa đổi, bổ sung 43 điều, bổ sung 02 điều mới, bãi bỏ 02 điều và một số điểm, khoản của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, trong đó tập trung vào ba nhóm chính sách lớn gồm: (i) hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản nhằm phát triển số lượng, nâng cao chất lượng, thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; (ii) hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tính chặt chẽ, khách quan, minh bạch, khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; (iii) tăng cường trách nhiệm của người có tài sản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó bổ sung chế tài cấm tham gia đấu giá có thời hạn đối với người vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá. Với những điểm mới quan trọng nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã tiếp tục thể chế hoá đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, khách quan, minh bạch, tính bền vững của hoạt động đấu giá tài sản và hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Luật Công chứng đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025), với nhiều quy định mới như đã khẳng định rõ công chứng là dịch vụ công do công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện; quy định tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng, Bộ Tư pháp rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc xác định các giao dịch phải công chứng, tăng tính minh bạch trong quá trình áp dụng pháp luật... Ngoài ra, Luật đã tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; phù hợp với chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm phân cấp, phân quyền hợp lý; tiếp tục xã hội hóa, giảm tải cho bộ máy nhà nước, tạo cơ chế hoạt động minh bạch; đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trong xã hội; đề cao trách nhiệm, vai trò đóng góp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đối với xã hội, tiếp tục xác định công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là một nghề bổ trợ tư pháp; hoạt động công chứng phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
10. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Bộ Tư pháp là cơ quan chuyển đổi số xuất sắc
Công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) đã từng bước được tổ chức, thực hiện dựa trên công nghệ số, dữ liệu số và đã đạt kết quả ở mức độ cao, nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào công tác chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp. Trong đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực này đã đạt mức toàn trình; tỷ lệ số hóa hồ sơ và áp dụng chữ ký số đối với kết quả giải quyết thủ tục hành chính là 100%; tỷ lệ yêu cầu và giải quyết đăng ký trực tuyến đạt 87%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn 100%; dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản đã được đồng bộ, kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia, với Hệ thống EMC, với Hệ thống đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) và đang từng bước được nghiên cứu để mở rộng việc kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực đăng ký tài sản, giao dịch khác, thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước khác hoặc thuộc lĩnh vực tố tụng liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Năm 2024, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã được vinh danh ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024.
Những kết quả đạt được về chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã góp phần tích cực vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, hiện đại với chi phí và rủi ro thấp, tăng khả năng cạnh tranh và tạo ra giá trị mới từ các dữ liệu số cho nhà nước, người dân, doanh nghiệp, cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số và hội nhập quốc tế.


Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Các tin đã đưa ngày: