Sign In

Những quy định mới về hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

03/11/2016

Ngày 19/5/2016, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT/BTP-BTC-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, có hiệu lực từ ngày 05/7/2016 và thay thế thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT/BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/7/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự.
Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT/BTP-BTC-BCA-TANDTC-VKSNDTC có một số quy định mới về thành phần; vai trò, trách nhiệm; chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự như sau:
1. Về thành phần Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự được quy định tại Điều 4 đối với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, quy định tại Điều 5 đối với Ban chỉ đạo cấp huyện.
Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh gồm có:
01 Trưởng ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 01 Phó Trưởng ban là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự;
Các Thành viên gồm: Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Công an cấp tỉnh.
Ngoài thành phần nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể yêu cầu đại diện Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải và mời đại diện Lãnh đạo Tòa án nhân dân, Bảo hiểm xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự, Đoàn Luật sư, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan làm Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện gồm có:
01 Trưởng ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; 01 Phó Trưởng ban là Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự;
Các Thành viên gồm: Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Tài chính, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Công an cấp huyện.
Ngoài các thành phần nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể yêu cầu đại diện Phòng Nội vụ, Phòng Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thông tin và Truyền thông; mời đại diện Tòa án nhân dân, Bảo hiểm xã hội, Ban Chỉ huy quân sự, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan làm Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện.
- Theo Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11 tháng 7 năm 2011 quy định các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an cấp tỉnh đối với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an cấp huyện đối với Ban Chỉ đạo cấp huyện nhưng theo Thông tư liên tịch số 05 thì các thành viên trên phải là cấp trưởng.
- Quy định vị trí tham gia của Toà án nhân có khác so với trước đây. Theo Thông tư liên tịch số 14 “mời đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tham gia họp Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự” nhưng Thông tư liên tịch số 05 “mời đại diện Tòa án nhân dân làm thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự”.
2. Sửa đổi Thư ký Ban Chỉ đạo thành Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo. Theo đó, Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh gồm 01 Lãnh đạo Phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án của Cục Thi hành án dân sự và 01 công chức Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện gồm 01 Chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự và 01 công chức Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Về chức năng, nhiệm vụ: Thông tư liên tịch số 14 xác định chức năng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp còn Thông tư 05 xác định vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, ngoài vai trò tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương còn có thêm vai trò giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp.
4. Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo cơ bản được quy định như trước đây nhưng có hai điểm mới đáng lưu ý: (1) khi tổ chức cuộc họp phải có đại diện Viện kiểm sát nhân dân tham gia, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đại diện Tòa án nhân dân cùng cấp tham gia (trong trường hợp đại diện Tòa án nhân dân cùng cấp chưa tham gia làm Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự). (2) Trong quá trình tổ chức thực hiện công việc, trường hợp ý kiến của cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện không được sự nhất trí của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện, thì báo cáo Cục Thi hành án dân sự, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh xem xét, giải quyết. Trường hợp ý kiến của cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh không được sự nhất trí của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh, thì báo cáo Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết.
5. Quy định về lấy số văn bản và sử dụng con dấu: Thông tư liên tịch số 05 quy định rõ hơn về việc sử dụng con dấu: Văn bản của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện được lấy số và sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Hồng Trung
Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án – Cục THADS tỉnh Nghệ An
File đính kèm

Các tin đã đưa ngày: