Năm 2021, nhìn chung các cơ quan THADS tỉnh đã có nhiều nỗ lực cố gắng để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Ngay từ đầu năm, thực hiện Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực THADS, theo dõi thi hành án hành chính; Kế hoạch công tác năm 2021 của Tổng cục THADS, Lãnh đạo Cục THADS tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cơ quan THADS trong tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, triển khai toàn diện, sâu sát, kịp thời các mặt công tác, áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS, THAHC trên địa bàn tỉnh. Việc thi hành án tín dụng, ngân hàng; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung chỉ đạo giải quyết; công tác kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được chú trọng; công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ được thực hiện kịp thời, góp phần quan trọng trong việc xử lý có hiệu quả những vụ án lớn, phức tạp, nhất là trong vụ án Phan Sào Nam cùng đồng phạm, trong năm 2021 đã thu được số tiền phải thi hành án trên 62 tỷ đồng từ nước ngoài, khởi đầu về việc thu tiền thi hành án ở nước ngoài.
Phát biểu khai mạc Hội nghị đồng chí Nguyễn Thị Thu Chung, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phú Thọ đã đánh giá và khẳng định những kết quả đã đạt được trong năm 2021 là sự nỗ lực của công chức, người lao động trong các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh; sự quan tâm sâu sát của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương; sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo THADS các cấp. Đồng thời biểu dương những nỗ lực phấn đấu của công chức, người lao động trong các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh và động viên công chức, người lao động tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong năm công tác 2022.
Cũng tại Hội nghị này, các đại biểu tham dự đã thảo luận, đánh giá thẳng thắn và làm rõ hơn những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, chưa làm được trong các lĩnh vực như: việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc có khó khăn vướng mắc, các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng; công tác cán bộ,... đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2022 phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Năm 2022 được dự báo là năm có nhiều thách thức đối với công tác THADS trên địa bàn; trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, ảnh hưởng, tác động của dịch COVID-19, để thực hiện được “mục tiêu kép” đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kết hợp phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, Cục THADS tỉnh Phú Thọ đặt quyết tâm và đưa ra các giải pháp hoàn thành các mục tiêu đề ra như: tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi thi hành án hành chính được giao; Xây dựng các cơ quan THADS trên địa bàn trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động THADS; Kiện toàn đội ngũ công chức THADS; Phương tiện, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan THADS, nhất là trụ sở và kho vật chứng được bảo đảm; tổ chức quản lý sử dụng ngân sách, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản đúng pháp luật và hiệu quả….
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Chung, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phú Thọ yêu cầu các đơn vị thuộc Cục cần tập trung thực hiện, hoàn thành tốt kế hoạch công tác thi hành án dân sự năm 2022 đề ra, phấn đấu đạt và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội, quyết định của Bộ, của Tổng cục và của Cục THADS với những nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả quy định các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác THADS theo yêu cầu của Nghị quyết số 96/2019/QH14, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
2. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giữ gìn đoàn kết nội bộ, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ theo đúng quy định. Thủ trưởng các đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, đi đầu trong việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật, phát ngôn và thực hiện nhiệm vụ. Chủ động, linh hoạt giải quyết các vướng mắc trong nội bộ đảm bảo kịp thời, khách quan, công tâm.
3. Các đồng chí Lãnh đạo Cục căn cứ lĩnh vực được phân công phụ trách tiếp tục chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn nữa đối với các Chi cục, đặc biệt là các Chi cục được giao phụ trách; thường xuyên bám sát các đơn vị cơ sở, nắm bắt các việc thi hành án và giải quyết án ở các Chi cục, đặc biệt là những vụ việc có giá trị thi hành lớn, phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, các vụ án liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước để chỉ đạo kịp thời từng vụ việc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Các phòng chuyên môn thuộc Cục tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu hơn nữa, nhất là trong việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các Chi cục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Cục; tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung kiểm tra chuyên đề theo hướng yếu chỗ nào kiểm tra chỗ đó, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các đơn vị còn hạn chế, yếu kém; đề xuất các biện pháp xử lý đối với các vi phạm đã yêu cầu khắc phục mà vẫn vi phạm; tập trung chỉ đạo nghiệp vụ, tổ chức thi hành án và cưỡng chế thi hành án,...;
4. Các đồng chí Chi cục trưởng tiếp thu đầy đủ các nội dung đã triển khai, tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc tại đơn vị mình, nêu gương của người đứng đầu đơn vị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hơn nữa các mặt công tác tổ chức thi hành án, công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, kế toán nghiệp vụ và kho, quỹ; kịp thời báo cáo Cục những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền xử lý để được chỉ đạo giải quyết kịp thời.
5. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cùng cấp, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn, nhất là các cơ quan, đơn vị xây dựng, ký quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS.
6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự; phát động và thực hiện các phong trào thi đua theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ, của Tổng cục và của Cục.
7. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong THADS, ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt; khắc phục tình trạng sai sót vi phạm trong các mặt công tác THADS. Đề nghị từng đơn vị tiếp tục thực hiện Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS tại cơ quan, đơn vị gắn với việc thực hiện nêu gương của người đứng đầu trong công tác này.
8. Thủ trưởng các đơn vị tiếp thu các ý kiến quán triệt và thảo luận tại Hội nghị để triển khai, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2022 tại đơn vị mình bảo đảm hiệu quả. Trên cơ sở Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực THADS, theo dõi án hành chính năm 2022, Kế hoạch công tác của Cục và tình hình thực tế tại địa phương, các Phòng chuyên môn thuộc Cục và các Chi cục THADS huyện, thành, thị kịp thời xây dựng Kế hoạch công tác năm 2022 của đơn vị mình đảm bảo sát với yêu cầu, nhiệm vụ được giao, trình Cục trưởng phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
Tại Hội nghị, các cá nhân, tập thể, Chi cục THADS có thành tích xuất sắc năm 2021 đã vinh dự đón nhận các hình thức ghi nhận, khen thưởng của Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục THADS tỉnh.
Đào Mạnh Sơn - VP Cục THADS