Qua bốn ngày được tập huấn ở tỉnh Đăklăk (từ ngày 14 đến ngày 18/12/2015). Tổng cục thi hành án dân sự đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 12 tỉnh thuộc khu vực miền trung Tây Nguyên với 17 chuyên đề về lĩnh vực thi hành án dân sự. Chuyên đề nào cũng đều có giá trị và ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn áp dụng cũng như nói lên được những mặt ưu điểm, tồn tại, hạn chế và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản luật hướng dẫn thi hành, nhằm hoàn thiện Hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự, góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong tòan quốc.
Trong những chuyên đề đó, tôi tâm đắc nhất vẫn là chuyên đề về “Những quy định mới của Pháp luật và những vấn đề cần lưu ý trong việc áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án” do Cô Lê Thị Kim Dung- Vụ trưởng, Vụ nghiệp vụ 1- Tổng cục thi hành án dân sự, truyền đạt tại Hội nghị tập huấn. Chuyên đề này đã nói lên được sự tồn tại, vướng mắc mà lâu nay Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự trong toàn quốc đang gặp phải khó khăn trong thực tiễn thi hành. Nhất là làm khó cho vai trò, trách nhiệm của Chấp hành viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Như chúng ta đã biết, để tổ chức thi hành một vụ việc được thành công, ngăn chặn kịp thời các hành vi của đương sự trong việc tẩu tán tài sản ở bất kỳ giai đoạn nào đi chăng nữa thì áp dụng biện pháp bảo đảm ngăn chặn kịp thời các hành vi tẩu tán tài sản của đương sự có thể xảy ra là rất cần thiết, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Các biện pháp đảm bảo được quy định tại các điều từ điều 66 đến điều 69 Luật thi hành án dân sự năm 2008, nhưng thực tế áp dụng các biện pháp này không khả thi lắm, còn nhiều vướng mắc và tính rủi ro cho trách nhiệm chấp hành viên rất cao.
Trong các biện pháp bảo đảm thi hành án mà biện pháp được quy định tại Điều 69 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 “biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” là một trong ba biện pháp bảo đảm thi hành án rất quan trọng và áp dụng thường xuyên nhất là địa bàn thuộc thuộc Thủ phủ của tỉnh như đơn vị thành phố Tuy Hòa. Hàng năm, áp dụng cho riêng biện pháp này trên 50 vụ việc. Chấp hành viên khi tổ chức thi hành án xét thấy cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, huỷ hoại, thay đổi hiện trạng tài sản có thể ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án thì có quyền ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án. Nhưng thời hạn quy định chỉ có 15 kể từ ngày ra quyết định… rất khắc khe và khó thực hiện kịp thời theo quy định này.
Đến nay, cơ chế thoát của điều luật đã ra đời và bước đầu đã khắc phục được nhược điểm này. Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định tại Điều 69 Luật Thi hành án dân sự với 03 vấn đề sau đây:
1. Bổ sung căn cứ để áp dụng biện pháp bảo đảm này, đó là khi “phát hiện đương sự có hành vi trốn tránh việc thi hành án” và bổ sung nội dung ngăn chặn mà Chấp hành viên có thể ra quyết định theo hướng không chỉ đối với tài sản riêng của người phải thi hành án mà cả tài sản chung của người phải thi hành án với người khác.
2. Sửa đổi, bổ sung rõ hơn thời hạn cơ quan thi hành án phải gửi quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, theo đó, phải gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.
3. Bổ sung quy định Chấp hành viên có trách nhiệm yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản. Mặt khác, để hạn chế sai phạm đáng tiếc xảy ra, xử lý những trường hợp Chấp hành viên không xác định được quyền sở hữu, sử dụng tài sản trên cơ sở các tài liệu có được, Luật sửa đổi, bổ sung quy định “trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản theo quy định của pháp luật”. Khi có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.
Đây là những điểm bổ sung mới mà tôi tâm đắc nhất, giải thoát được một phần rủi ro cho trách nhiệm của chấp hành viên, khích thích cho chấp hành viên mạnh dạng hơn khi áp dụng biện pháp này. Đồng thời bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân... Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục tồn tại của Điều 69 Luật Thi hành án dân sự 2008 (quy định trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, Chấp hành viên phải thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản). Tuy nhiên, phần lớn trường hợp đây là tài sản có giá trị lớn, được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc mua bán, chuyển nhượng và hoàn tất thủ tục phải trải qua rất nhiều công đoạn, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau nên cần khá nhiều thời gian để xác minh, thậm chí phải thống nhất giữa các ngành để đánh giá về tính pháp lý của việc chuyển nhượng. Do đó, quy định thời hạn 15 ngày như Luật Thi hành án dân sự năm 2008, kể từ ngày Chấp hành viên ra quyết định là quá ngắn, không khả thi, không đủ thời gian để Chấp hành viên phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan xác minh, thống nhất xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, dẫn đến tình trạng thường xuyên vi phạm thời hạn. Mặt khác, với thời gian đó, nếu không đủ để xác định rõ ràng quyền sở hữu, sử dụng tài sản là thuộc về người phải thi hành án thì không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án; nếu coi tài sản đã thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người thứ ba phải trả lại tài sản cho họ, thì có thể dẫn đến khiếu nại, tố cáo của người được thi hành án. Trong khi đó, Điều 69 Luật THADS năm 2008 lại không quy định Chấp hành viên, các đương sự hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm gì, bằng cách thức nào, trong thời hạn bao lâu… làm rõ quyền sở hữu, sử dụng tài sản, làm căn cứ cho việc xử lý tài sản. Chính vì áp lực phải lựa chọn giữa việc phải tuân thủ thời hạn ban hành quyết định mà Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định, với việc phải xác định đúng tài sản của người phải thi hành án để tổ chức thi hành án buộc Chấp hành viên phải lựa chọn việc vi phạm thời hạn.
Vấn đề này đã được giải quyết bằng một cơ chế thoát của điểm mới của Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 ở các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự. Tôi tâm huyết những điểm sửa đổi, bổ sung điều 69 này là bỡi tính khả thi của điều luật ở thực tiễn áp dụng thi hành. Nếu những điều luật được ban hành mà tính khả thi cao thì văn bản luật đó có tính áp dụng pháp luật rất cao, tính hiệu lực, hiệu quả cao. Chính vì vậy, góp phần giải quyết những vướng mắc mà lâu nay Chấp hành viên và cơ quan thi hành án gặp phải cũng như góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự./.
Theo Lê Lanh