Sau khi nghe Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, các ý kiến tham gia thảo luận của các đơn vị, đồng chí Đinh Khắc Khang – Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh kết luận Hội nghị như sau:
Về kết quả thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2017, về việc, tổng số thụ lý là 6.358 việc, đã thi hành xong 2.709 việc, đạt tỷ lệ 55,88%. Về tiền, tổng số thụ lý là 1.288.471.861.000 đồng, đã thi hành xong 184.777.904.000 đồng, đạt tỷ lệ 25,05%.
Để thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ tiêu được giao năm 2017, đồng chí Đinh Khắc Khang – Quyền Cục trưởng kết luận và có một số ý kiến chỉ đạo như sau:
- Tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh tiến độ, tổ chức giải quyết thi hành án có hiệu quả đối với những vụ việc có điều kiện thi hành; đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, Bảo hiểm xã hội, các vụ việc trọng điểm phức tạp, kéo dài,... nhất là trong những vụ án liên quan đến kinh tế, chức vụ, tham nhũng có giá trị thi hành lớn, dư luận xã hội quan tâm;
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phát huy vai trò người đứng đầu; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, lề lối làm việc; chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức; xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà, vi phạm đạo đức, lối sống và chuyên môn nghiệp vụ.
- Tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, phổ biến, giáo dục về thi hành án dân sự, các văn bản pháp luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành, sâu rộng tới toàn thể cán bộ công chức, viên chức của ngành, các cơ quan.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các tổ chức đoàn thể các cấp đặc biệt là các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc động viên, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án và người nhà đương sự nộp cho đương sự các khoản tiền phải thi hành án; tiếp tục phối hợp với cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát giải quyết những vụ việc, khoản tiền tạm thu nghiệp vụ thi hành án (TK 336) còn tồn.
- Triển khai thực hiện tốt các Quy chế phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự từ Cục đến các Chi cục: Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước, Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục cảnh sát hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an...
- Kiên quyết tổ chức cưỡng chế thi hành các trường hợp có điều kiện nhưng đương sự cố tình chây ỳ, chống đối không chịu thi hành án.
- Tăng cường, nâng cao chất lượng kiểm tra và tự kiểm tra; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ giải quyết án, việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ của các Chi cục, Chấp hành viên và cán bộ, công chức; giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính; chú trọng triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự; kiểm tra việc thực hiện Chủ đề năm của tỉnh Quảng Ninh.
- Tăng cường hướng về cơ sở, tiếp tục duy trì tổ công tác, do đồng chí Phó Cục trưởng làm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo giải quyết các liên quan đến tín dụng, Ngân hàng, xử lý nợ xấu, các vụ việc trọng điểm, các vụ việc có số tiền phải thi hành lớn, phức tạp, các vụ việc thu hồi tài sản, tiền cho Nhà nước nhất là các vụ việc về kinh tế, tham nhũng...; kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các Chấp hành viên và Chi cục.
- Chú trọng công tác về tổ chức, cán bộ; quan tâm công tác quy hoạch cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức; Tiếp tục điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, Chấp hành viên từ đơn vị ít án đến đơn vị nhiều án để giải quyết án.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, thành lập bộ phận một cửa và hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án tại Cục và các Chi cục; niêm yết công khai các thủ tục hành chính, danh mục và Quy trình giải quyết đối với một số thủ tục hành chính tạị Cục và các Chi cục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự; sử dụng hệ thống thư điện tử, văn bản điện tử, hạn chế thấp nhất việc sử dụng văn bản giấy, thực hiện chữ ký số; tăng cường các tin, bài, các hoạt động về thi hành án dân sự đăng tải kịp thời đầy đủ danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Trang thông tin điện tử của Cục theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, tạo sự minh bạch công khai trong hoạt động thi hành án.
- Các đơn vị phải bám sát Kế hoạch công tác của ngành; chủ động, quyết liệt trong việc tổ chức nhiệm vụ thi hành án. Phấn đấu toàn Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội, Bộ Tư pháp, Tổng Cục Thi hành án dân sự giao, thi hành xong đạt trên 73% về việc, trên 33% về tiền trên tổng số việc,tiền có điều kiện thi hành.