“ Từ một Hợp đồng kinh tế bị vô hiệu, đường đi của đồng tiền thật vòng vèo khó hiểu, gần 400 triệu đồng của Nhà nước bỏ ra để mua 300 tấn sắt nhưng chỉ “tìm” đến được gần 100 tấn sắt. Số tiền còn lại cơ quan thi hành án dân sự đang phải “mò kim dưới đáy biển”.
Sự vụ bắt đầu từ một Hợp đồng kinh tế không số.
Năm 1989 thực hiện Quyết định số 217, Bộ chủ quản có giao nhiệm vụ cho Công ty kim khí Quảng Ninh ngoài kinh doanh chính còn được gom sắt thép theo nội dung dịch vụ vật tư. Công ty kim khí Quảng Ninh giao khoán cho các cửa hàng công ty chỉ đạo về chủ trương và giá cả.
Biết được công ty kim khí Quảng Ninh đang có nhu cầu mua sắt thép ngoài kế hoạch, giá thấp hơn giá Nhà nước chỉ đạo. Ông Nguyễn Viết mạc (nguyên phó Giám đốc nhà máy đại tu tàu sông số I Đông Triều- Quảng Ninh) tận dụng cơ hội này khi biết được ở Hà Nội đang có khoảng 300 đến 500 tấn sắt phi 6 của Liên Xô, đáp ứng được nhu cầu của công ty kim khí Quảng Ninh.
Do mối quan hệ từ trước với HTX dịch vụ vận tải Thành Tâm – huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều), ông Mạc đã đặt vấn đề với HTX là kí cho một hợp đồng lưu không, sau đó ông Mạc đã trực tiếp đứng ra thảo một bản hợp đồng kinh tế không số ngày 18/3/1990 với công ty kim khí Quảng Ninh để mua 300 tấn sắt phi 6, thành tiền là 396 triệu đồng, thể thức thanh toán bằng chuyển khoản. Điều thật nực cười là người đứng tên trong hợp đồng lại không phải là ông Mạc mà lại là ông Nguyễn Văn H, chủ nhiệm HTX dịch vụ vận tải Thành Tâm đứng tên hợp đồng, nhưng bản hợp đồng này vẫn được các bên tham gia kí kết và thực hiện.
Đường đi của đồng tiền cũng thật lắm gian nan.
Sau khi kí kết Hợp đồng với công ty kim khí xong, công ty kim khí Quảng Ninh đã viết 2 giấy ủy nhiệm chi (UNC).
UNC số: 227 ngày 27/3/1990 số tiền: 144.820.000 đ
UNC số: 228 ngày 28/3/1990 số tiền: 250.000.000 đ
Giao cho ông Phạm Văn Xuân (Trưởng của hàng kinh doanh vật liệu) mang số séc trên đến Ngân hàng Phát triển nông nghiệp huyện Đông Triều để thực hiện hợp đồng. Không may đột xuất, ông Xuân bị ốm nặng đã không trực tiếp làm việc được với Ngân hàng Phát triển nông nghiệp huyện Đông Triều, nên đã viết giấy ủy nhiệm cho ông Nguyễn Viết Mạc trực tiếp giao dịch làm việc với Ngân hàng. Cũng tại thời điểm này công ty kim khí Quảng Ninh có giấy ủy quyền số 85, ngày 08/4/1990 cho ông Nguyễn Viết Mạc, phó Giám đốc nhà máy đại tu tầu sông số I Đông Triều được chuyển số tiền 394.000.000 đồng để mua hàng theo hợp đồng đã kí với công ty kim khí Quảng Ninh.
Tại đây, ông Mạc đã trực tiếp mang 2 séc UNC trên đến Ngân hàng Phát triển nông nghiệp huyện Đông Triều làm thủ tục. Khi đến Ngân hàng Phát triển nông nghiệp huyện Đông Triều được đồng chí Giám đốc và cán bộ của Ngân hàng tham gia ý kiến là với số tiền lớn như vậy nếu chuyển vào tài khoản của HTX Thành Tâm sẽ không đảm bảo, vì tài sản của Hợp tác xã này không tương xứng với số tiền trên và nên chuyển vào tài khoản của một đơn vị quốc doanh nào đó cho đảm bảo. Không biết vì lời khuyên “quá chân tình” hay có sự tính toán từ trước nên ông Mạc đề nghị chuyển vào tài khoản của Nhà máy đại tu tàu sông số I. Do thời điểm đó, nhà máy còn nợ quá hạn của Ngân hàng một số tiền lớn, vì vậy, khi số tiền trên được nhập vào tài khoản thì Ngân hàng Phát triển nông nghiệp huyện Đông Triều đã khấu trừ luôn một phần số tiền trên để trừ vào số nợ quá hạn. Đúng thật là “họa vô đơn chí”. Số tiền chuyển đi mua sắt lại trở thành “vật tế thần” cho nhà máy đại tu tàu sông số I đi trả nợ Ngân hàng.
Không dừng lại ở đây, ngày 09/4/1990 nhà máy đại tu tàu sông số I lại ủy nhiệm chi cho xí nghiệp môi sinh Hà Nội số tiền 238 triệu đồng theo đề nghị của ông Mạc phó Giám đốc nhà máy để mua sắt theo hợp đồng.
Tiếp đó, mặc dù không có hợp đồng nhưng ông Mạc còn chuyển số tiền 34.300.000 đồng đến Trạm vật liệu trang trí nội thất nội thương Hà Nội để mua sắt thép, đúng là “thả hổ về rừng”. Đến đây thì công ty kim khí Quảng Ninh bỏ ra gần 400 triệu đồng nhưng mới nhận được 89.215 kg sắt. Như vậy, còn hơn 200 tấn sắt giờ đòi “nơi mô”.
Đến Quyết định của Trọng tài kinh tế tỉnh.
Sự việc đến đây đã quá rõ, cơ quan Trọng tài kinh tế tỉnh Quảng Ninh nhận thấy Hợp đồng kinh tế không số, kí ngày 18/3/1990 giữa công ty kim khí Quảng Ninh với HTX dịch vụ vận tải Thành Tâm Đông Triều có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đã tiến hành kiểm tra và thụ lí hồ sơ.
Quyết định số 43-QĐ/TT ngày 22/01/1990 của Trọng tài kinh tế tỉnh Quảng Ninh quyết định: Vô hiệu hoàn toàn Hợp đồng kinh tế ngày 18/3/1990 giữa công ty kim khí Quảng Ninh với HTX dịch vụ vận tải Thành Tâm, đình chỉ việc tiếp tục thực hiện hợp đồng kinh tế nói trên.
HTX dịch vụ vận tải Thành Tâm kinh doanh sắt thép không đúng chức năng và không đủ năng lực hành vi để thực hiện hợp đồng đã kí kết. Nhà máy đại tu tàu sông số I Đông Triều có trách nhiệm cùng HTX dịch vụ vận tải Thành Tâm và các cá nhân có liên quan trả lại cho công ty kim khí Quảng Ninh số tiền 273.707.060 đồng trước ngày 31/12/1990.
Khi cơ quan Thi hành án dân sự vào cuộc.
Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh trong quá trình giải quyết thấy phát sinh vướng mắc, không thể thi hành án được vì Quyết định của Trọng tài kinh tế tuyên về phần trách nhiệm không rõ ràng, chung chung. Chỉ tuyên nhà máy đại tu tàu sông số I phải có trách nhiệm cùng HTX dịch vụ vận tải Thành Tâm và các cá nhân có liên quan trả lại cho công ty kim khí Quảng Ninh số tiền 273 triệu đồng. Ở đây các các nhân là ai, họ phải có trách nhiệm trả lại bao nhiêu tiền? nhà máy đại tu tàu sông số I và HTX dịch vụ vận tải Thành Tâm, trách nhiệm của mỗi bên như thế nào, phải trả bao nhiêu thì chẳng ai hay?. Trong khi những người trực tiếp làm lên những “kì tích” trên thì lại không nhắc đến.
Khi mà những người có thẩm quyền ra quyết định cứ ra quyết định, muốn thi hành theo hướng nào thì thuộc thẩm quyền của cơ quan khác. Còn đối với những người thực thi pháp luật “người trong cuộc” thì sao?. Sự bất cập của pháp luật phần nào đã cho thấy cái khó, cái vướng mắc của cơ quan thi hành án dân sự.
Để giải quyết vụ việc trên, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã nhiều lần mời các bên có liên quan gồm: công ty kim khí Quảng Ninh, nhà máy đại tu tàu sông số I, HTX dịch vụ vân tải Thành Tâm, có đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tham dự, qua cuộc họp các bên đều không nhất trí thi hành theo nội dung quyết định của Trọng tài kinh tế tỉnh, đồng thời xuất trình các chứng cứ, tài liệu liên quan.
Xác định đây là vụ việc khó khăn phức tạp, có nhiều vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án. Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự đã tổ chức họp bàn với các ngành gồm VKSND, TAND tỉnh. Tuy nhiên, tại tất cả các kết luận cuộc họp đều chỉ ra những bất cập, vướng mắc về căn cứ pháp lí, về nội dung quyết định số 43 của Trọng tài kinh tế tỉnh tuyên không rõ ràng, đến nay đã hết thời hiệu kháng nghị theo trình tự quy định của pháp luật, cơ quan thi hành án không thể xác định được phần phải bồi thường của từng pháp nhân, không xác định được người có liên quan là ai nên không thể thi hành án được. Mặt khác, đến nay cơ quan Trọng tài kinh tế các cấp đã có quyết định giải thể nên càng khó khăn cho cơ quan thi hành án trong việc giải thích, đính chính.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên thì chưa có một văn bản pháp luật nào điều chỉnh, hướng dẫn. Nên cơ quan thi hành án không có căn cứ để đưa các phán quyết như trên ra thi hành được và cũng không có căn cứ để xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, ở đây cơ quan thi hành án cũng cần phải vận dụng các điều kiện để phân loại vụ việc này ra diện chưa có điều kiện thi hành án, vì thực tế nó mãi mãi không thể được thi hành trên thực tế. Vì vậy, đến nay đã ngót gần 30 năm, quyết định vẫn chỉ là quyết định, chẳng ai phải thi hành, gần 300 triệu đồng của Nhà nước đi đâu, về đâu? không ai bị xử lí.
Rất mong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm đưa ra một phán quyết cuối cùng, quy trách nhiệm cụ thể cho các bên và các cá nhân có liên quan, đừng để “ quýt làm cam chịu”./.
Theo Hoàng Thảo Hà