Trong những năm gần đây, kết quả thi hành án dân sự các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn thành phố Sơn La đạt thấp là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự (THADS) theo kế hoạch công tác hàng năm của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sơn La. Để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, Ngay từ những tháng đầu của năm 2022, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp, phương án tổ chức thi hành và thực tế đã đạt được kết quả khả quan, tăng cao so với các năm về trước, cụ thể:
Tính đến ngày 31/8/2022, Chi cục THADS thành phố Sơn La phải thụ lý tổ chức thi hành 19 vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng tương ứng với số tiền 37.765.547.000đ (chiếm 42% số tiền phải thi hành). Kết quả giải quyết: Ủy thác 1 việc tương ứng với số tiền 18.076.181.000đ; Thi hành xong 7 việc đạt tỷ lệ 46,67% tăng 7 việc (=100%) so với cùng kỳ năm 2021. Thu số tiền 7.329.450.00đ; đình chỉ 5.137.405.000đ đạt tỷ lệ 69% tăng 41.43% so với cùng kỳ năm 2021.Tuy nhiên, việc thi hành các khoản thu liên quan đến tín dụng, ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Số án chuyển kỳ sau còn khá nhiều; việc thi hành một số việc có giá trị lớn, phức tạp còn chậm tiến độ, kéo dài… Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do phần lớn các tổ chức, cá nhân liên quan (người phải thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) chưa nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, đa số trường hợp người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng thông thường đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách, như cố tình không nhận quyết định thi hành án, cản trở việc cơ quan thi hành án xác minh điều kiện thi hành án, đưa tài sản là động sản (phương tiện giao thông) đi khỏi địa phương, thậm chí đã tẩu tán tài sản gây khó khăn cho cơ quan thi hành án trong việc truy tìm, xác định tài sản. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, người đại diện theo pháp luật thay đổi liên tục, thường xuyên đổi địa chỉ, trốn tránh không làm việc, nhằm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
Một số trường hợp do người phải thi hành án vay tín chấp, không có tài sản hoặc ngân hàng cho thỏa thuận trả dần theo lương hàng tháng hoặc người phải thi hành án đã nghỉ việc, bỏ đi khỏi địa phương. Đối với các vụ việc có tài sản bảo đảm, ở giai đoạn thẩm định cho vay, các tổ chức tín dụng chưa chặt chẽ trong việc xác định ranh giới đất (diện tích không đúng với bìa đỏ, không có lối đi…), định giá chênh lệch so với giá thẩm định lúc cho vay hoặc khi cơ quan thi hành án kê biên phát mại tài sản không nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương do gia đình người phải thi hành án có người già, ốm đau, bênh tật, thuộc gia đình chính sách dẫn đến một số vụ việc tồn đọng chưa có hướng giải quyết. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật về THADS khi áp dụng vào thực tiễn còn nảy sinh bất cập, có những quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án.
Trước dự báo, số vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng sẽ tiếp tục phát sinh với số lượng lớn trong thời gian tới (thể hiện ở số vụ việc đương sự đã nộp tạm ứng án phí khởi kiện vụ án), để đẩy nhanh tiến độ thi hành án, nâng cao hiệu quả thi hành các vụ việc liên quan đến án tín dụng ngân hàng, Chi cục THADS thành phố Sơn La đã đề ra các giải pháp để thực hiện như:
- Thứ nhất, Kiểm soát chặt chẽ ngay từ giai đoạn tiếp nhận đến khâu thụ lý ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án; tổ chức rà soát, kiểm tra kỹ nội dung bản án, từ đó phát hiện ra những điểm chưa rõ ràng, không thống nhất để trao đổi với Tòa án, các bên đương sự tránh trường hợp phát sinh khi thụ lý xong. Bảo đảm việc ra quyết định thi hành án phải đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án và đơn yêu cầu thi hành án của các tổ chức tín dụng ngân hàng.
- Thứ hai, Tăng cường công tác rà soát, phân loại các việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Đối với các vụ việc có điều kiện THA, tiến hành tổ chức thi hành dứt điểm, góp phần sớm thu hồi nợ, giảm nợ xấu cho tổ chức tín dụng, ngân hàng, tăng tỷ lệ thi hành xong về tiền của đơn vị.
- Thứ ba, Tăng cường công tác tuyên truyền, thuyết phụ kết hợp hài hòa, mềm dẻo giữa tuyên truyền, vận động đương sự chấp hành bản án. Trường hợp người phải thi hành án không có thiện chí hợp tác, cố tình trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế, thu hồi tài sản để giải quyết dứt điểm vụ việc.
- Thứ tư, Thường xuyên kiểm tra tiến độ giải quyết của chấp hành viên không để tình trạng hồ sơ “bị quên” hoặc hồ sơ “bị chậm”; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo thão gỡ khó khăn cho chấp hành viên đặc biệt là các khó khăn trong công tác phối hợp, kịp thời giải quyết khiếu nại của đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án.
- Thứ năm, Thường xuyên trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Sơn La, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn thành phố để tăng cường công tác phối hợp; kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo THADS thành phố để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
- Thứ sáu, Tổng hợp những khó khăn vướng mắc, những bất cập trong quá trình giải quyết việc thi hành án, trên cơ sở đó tham mưu cho Lãnh đạo Cục THADS tỉnh, đề xuất hoàn thiện thể chế để công tác thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt hơn.
Bên cạnh nỗ lực cơ quan THADS và các tổ chức tín dụng, ngân hàng; sự phối hợp tích cực của các cơ quan có liên quan, Chi cục THADS thành phố Sơn La còn nhờ sự giúp đỡ vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây là mấu chốt quan trọng nhất nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc thi hành án nói chung và án tín dụng, ngân hàng nói riêng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ THDS được giao trong năm 2022./.
Đào Mai Phương – Chi cục THADS thành phố Sơn La