Sign In

Thực trạng và một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

21/04/2017

Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta đặc biệt quan tâm. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương tổ chức tốt việc tiếp công dân theo định kỳ và đột xuất; chủ động rà soát, nắm tình hình, kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lí các trường hợp khiếu kiện đông người, vượt cấp ngay tại cơ sở.  
 
Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự, ngày 06/02/2017, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự, trong đó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp: "Thực hiện tốt phương châm “hướng về cơ sở”; nâng cao hiệu quả, chất lượng, kỹ năng dân vận trong công tác thi hành án và tiếp công dân".
Thông qua hoạt động tiếp công dân, Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh của công dân về việc tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự; phát hiện sai phạm, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự.
Trong phạm vi bài viết này tác giả đề cập đến thực trạng và một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
1. Thực trạng công tác tiếp công dân
Thực hiện Luật tiếp công dân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành các quyết định, kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ và thống nhất các quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, cụ thể: Quyết định số 314/QĐ-BTP ngày 25/02/2015 ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 20/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiểu nại, tố cáo; Quyết định số 1696/QĐ-BTP ngày 18/7/2014 ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Luật Tiếp công dân; Quyết định số 332/QĐ-BTP ngày 14/2/2015 kèm theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự để triển khai Luật tiếp công dân, Chỉ thị số 35-CT/TW Bộ Chính trị và các quyết định, kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo an ninh, trật tự tại địa điểm tiếp công dân, cụ thể: Công văn số 2310/TCTHADS-GQKNTC ngày 29/7/2014, Công văn số 726/ TCTHADS-GQKNTC ngày 20/3/2015; Công văn số 3043/TCTHADS-GQKNTC ngày 16/9/2015, Công văn số 634/TCTHADS-GQKNTC ngày 07/03/2016. Mới đây, ngày 29/3/2017 Tổng cục tiếp tục có Công văn số 1096/TCTHADS-GQKNTC chỉ đạo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Do làm tốt công tác quán triệt, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân nên thời gian qua công tác tiếp công dân của toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đã có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể:
Năm 2016, Tổng cục đã tổ chức tiếp 514 lượt công dân, tương đương với số lượt tiếp công dân năm 2015 (trong đó Lãnh đạo Tổng cục tiếp 24 lượt công dân). Từ tháng 04/2015 đến tháng 2/2017, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tiếp tổng cộng 47 lượt công dân đến Địa điểm Tiếp công dân của Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo về Thi hành án dân sự (tương ứng với 38 vụ việc).
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ yêu cầu giải quyết dứt điểm các vụ việc Lãnh đạo Bộ tiếp dân, từ tháng 5 năm 2016, Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với Thanh tra Bộ thành lập Tổ rà soát, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp công dân (sau đây gọi tắt là Tổ 112) và liên tục thay đổi hình thức phân công giải quyết vụ việc theo Nhóm, có nhiều giải pháp mới tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài về thi hành án dân sự. Đến nay, đã giải quyết xong 16/38 vụ (chiếm 42%), còn 22/38 vụ việc đang giải quyết (chiếm 58%). Đối với các vụ việc còn tồn đọng, các Nhóm đang triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Về phía các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, cơ bản đã triển khai thực hiện nghiêm túc Luật tiếp công dân, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục thực hiện hành án dân sự, cụ thể: xây dựng quy chế tiếp công dân, bố trí địa điểm, có lịch tiếp công dân của Lãnh đạo đơn vị và phân công cán bộ trực tiếp dân. Nhiều cơ quan Thi hành án dân sự tuy còn có khó khăn về trụ sở, thiếu biên chế, công việc quá tải nhưng vẫn chú trọng bố trí được địa điểm và phân công cán bộ trực tiếp dân theo quy định. Thông qua việc tiếp công dân đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, làm cho người khiếu nại, tố cáo hiểu biết rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của mình, nhận thức đúng hơn về chức năng, nhiệm vụ của Chấp hành viên và công tác thi hành án dân sự. Với số lượng hàng ngàn lượt dân được các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tiếp và hàng trăm lượt dân được Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tại trụ sở, có nhiều trường hợp thông qua kết quả tiếp công dân, tận tình giải thích, đối thoại rõ ràng, đương sự nhận thức rõ việc làm của cơ quan Thi hành án dân sự, hiểu rõ hơn về việc tố cáo của mình là không đúng, nên đã tự nguyện rút đơn tố cáo và hợp tác với cơ quan Thi hành án dân sự để tổ chức thi hành án.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận đó thì tình hình công dân đến Địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương để đề nghị, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại và tố cáo Thủ trưởng, Chấp hành viên, cán bộ công chức có vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành còn nhiều. Những vụ việc công dân đến Tổng cục, đề nghị được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp công dân hầu hết là vụ việc rất phức tạp, có một số vụ việc người dân rất bức xúc với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương. Công tác tiếp công dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, cụ thể: (01) Một số Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự không trực tiếp tiếp công dân định kỳ và đột xuất, chưa gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; bố trí công chức làm công tác tiếp dân có trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng còn hạn chế, thời gian làm công tác thi hành án dân sự chưa lâu nên còn nhiều lúng túng trong việc giải thích, hướng dẫn pháp cho người dân hiểu và thực hiện việc thi hành án theo quy định; (02) Kỹ năng ứng xử, thái độ giải quyết vụ việc có khiếu nại, tố cáo chưa phù hợp dẫn đến tình trạng công dân bức xúc với việc giải quyết của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, tiếp tục đến Tổng cục và Bộ Tư pháp để phản ánh, thậm chí ghi âm, ghi hình tố cáo lên cấp trên về thái độ hách dịch khi làm việc tiếp xúc với công dân; (03) Có tình trạng công dân mất niềm tin vào cơ quan Thi hành dân sự, từ chối, không hợp tác với cơ quan Thi hành án dân sự và đến Địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp để kiến nghị, phản ánh; (04) Số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp, yêu cầu được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp còn nhiều, có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do một số nguyên nhân chủ yếu sau: (01) Một số nơi Lãnh đạo cơ quan Thi hành án dân sự chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp công dân; (02) Biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự hạn chế nên việc phân công bộ phận, công chức làm công tác tiếp công dân gặp khó khăn, đặc biệt, một số địa phương có lượng án nhiều, giá trị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, trước đòi hỏi của xã hội ngày càng cao, khiếu nại, tố cáo phát sinh ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; (03) Một số nơi, cán bộ tiếp công dân luôn biến động, kiêm nhiệm nhiều các công việc khác đặc biệt ở cấp Chi cục nên quá trình tác nghiệp trong tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn lúng túng, thiếu chuyên nghiệp ... (04) Nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến có lúc, có việc mặc dù đã được giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý nhưng vẫn khiếu kiện vượt cấp gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan Nhà nước; (05) Quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự còn thiếu đồng bộ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, … dẫn đến việc hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau; (06) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra việc triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân …có nơi chưa được thường xuyên, thiếu trong tâm, trọng điểm dẫn đến buông lỏng quản lý, chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật.
2. Một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân           
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả đối với công tác tiếp công dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự các cơ quan trong Hệ thống Thi hành án dân sự cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân: 01) Tiếp công dân định kỳ, đột xuất, đối thoại với người dân và khi giải quyết phải lắng nghe, khách quan, quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân; (02) Rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ, bố trí phân công đội ngũ cán bộ làm công tác này đáp ứng được yêu cầu công việc; (03) Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp công dân; (04) Thực hiện luân chuyển cán bộ theo quy định, điều chỉnh đảm bảo cân đối giữa người và việc để bố trí hợp lý giữa người và việc khắc phúc tình trạng có nơi công việc thường xuyên quá tải trong khi có nơi lượng án, việc không nhiều gây lãng phí nguồn lực; (03) Mở đợt cao điểm thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém và nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; (06) Quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong Hệ thống Thi hành án dân sự thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân.
Hai là, tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm tra công tác tiếp công dân, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vi phạm của cán bộ, Chấp hành viên được phát hiện trong quá trình tiếp dân. Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những sai phạm của cấp dưới trong quá trình thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ba là, chú trọng việc tổ chức thi hành án đảm bảo đúng quy định pháp luật; nâng cao chất lượng quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo; cần chủ động chỉ đạo, tổ chức phối hợp giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới; phát huy tối đa hiệu quả việc đối thoại, gặp gỡ, trao đổi với người khiếu nại, tố cáo đặc biệt là các vụ việc đông người, phức tạp, gay gắt. Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Quá trình thực hiện, nếu phát hiện có sai sót, bất hợp lý, thì phải quyết tâm điều chỉnh, sửa sai có phương án giải quyết khác để bảo đảm quyền lợi của công dân, chấm dứt khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo.
Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về công tác Thi hành án dân sự. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của địa phương tiến hành xây dựng kế hoạch tiếp công dân phù hợp đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, trường hợp cần thiết cử cán bộ tiếp công dân đến tại cơ sở. Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương có biện pháp vận động, giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.
Năm là, đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được xem xét, giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng người dân tiếp tục đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh về những nội dung đã được xem xét, giải quyết và trả lời theo đúng quy định thì tiến hành ra thông báo từ chối tiếp công dân theo quy định về tiếp công dân.
Sáu là, không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ đối với cán bộ công chức, Cục, Chi cục Thi hành án dân sự có nhiều sai phạm, yếu kém trong công tác tiếp công dân.
Bảy là, nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác tiếp dân để công tác này đạt được kết quả cao hơn.
Tám là, nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự đặc biệt là các quy định về tiếp công dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo hướng đảm bảo tính đặc thù trong tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng nhiều văn bản trong một số trường hợp như hiện nay.
Thu Hằng
 


Theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: