Sign In

Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2018

04/12/2017

Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2018
Ngày 25/11/2017, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2018. Phiên làm việc buổi sáng là Hội nghị nội bộ các cơ quan Thi hành án dân sự, tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Tiến Dũng - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Hoàng Sỹ Thành - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, các đồng chí Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, đồng chí Thiếu tướng Phạm Ngọc Trai - Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng. Tham dự Hội nghị, có Lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Tổng cục, Chuyên viên chính, Thẩm tra viên chính của Tổng cục Thi hành án dân sự; Cục trưởng, Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các Phòng thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng; Trưởng Phòng Thi hành án các Quân khu và tương đương.
Trình bày tóm tắt báo cáo công tác, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết, năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, là năm đầu triển khai các Nghị quyết và chủ trương lớn được Quốc hội thông qua. Bộ Tư pháp đã tích cực chỉ đạo toàn Hệ thống hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự, hành chính theo Nghị quyết số 111/2015/QH13; Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý tăng (tổng số thụ lý là 882.630 việc[1], tăng 46.576 việc (5,57%) so với năm 2016, tương ứng với trên 172.959 tỷ đồng[2], tăng 28.434 tỷ (19,67%) so với năm 2016), song các cơ quan Thi hành án dân sự đã thi hành xong số việc, số tiền cao hơn so với năm 2016 (đã thi hành xong 549.415 việc, đạt tỉ lệ 79,25%, tăng 18.987 việc (tăng 0,72%) so với năm 2016, về tiền đã thi hành xong trên 35.242 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,31%, tăng 6.144 tỷ đồng (tăng 21,12%) so với năm 2016). Công tác xác minh, phân loại án tiếp tục được chú trọng (phân loại án có điều kiện về việc chiếm 79,74%, về tiền là 56,21%). Công tác theo dõi thi hành án hành chính ngày càng đi vào nề nếp. Công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; các vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế - tham nhũng, thu hồi các khoản nợ của tổ chức tín dụng có nhiều tiến bộ. Công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục được củng cố. Công tác hướng dẫn, kiểm tra ngày càng hiệu quả. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện nghiêm túc trong toàn Hệ thống. Hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 được hoàn thiện. Tổ chức bộ máy các cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính không ngừng được tăng cường; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm.
 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự năm 2017 còn một số hạn chế như: Toàn Hệ thống chỉ đạt 2/4 chỉ tiêu cơ bản là về việc và về tiền. Số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền (gần 57.000 tỷ đồng, chiếm 34,68% tổng số phải thi hành); Kết quả thu hồi các khoản nợ của tổ chức tín dụng tuy cao hơn năm 2016 (tăng 1.092 việc và tăng 8.046 tỷ 633 triệu 225 nghìn đồng) nhưng còn thấp so với bình quân toàn quốc (19,76% về việc và 27,89% về tiền); còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số địa phương...
Hội nghị cũng xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2018 với 5 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và 7 giải pháp chủ yếu gồm: (1) Tổ chức triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hoạt động Thi hành án dân sự, hành chính; (2) Hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các văn bản pháp luật về Thi hành án dân sự, hành chính; (3) Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự; (4) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; (5) Kiện toàn đội ngũ công chức Thi hành án dân sự; (6) Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; (7) Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc.
 
 
 

Cũng trong chương trình Hội nghị buổi sáng, Hội nghị được nghe tham luận về kết quả kiểm tra và những vấn đề cần khắc phục trong công tác xác minh, phân loại án của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương do đồng chí Nguyễn Thắng Lợi - Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo Tổng cục Thi hành án dân sự trình bày; tham luận nâng cao hiệu quả thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng do đồng chí Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Tổng cục Thi hành án dân sự trình bày; ý kiến phát biểu của một số Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi...). Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng sẽ có Kết luận phiên làm việc của Hội nghị.
 
VQT

 
[1] Các cơ quan thi hành án trong Quân đội thụ lý 689 việc.
[2] Các cơ quan thi hành án trong Quân đội thụ lý trên 71 tỷ đồng.


Theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: