Sign In

Quy định và thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành án góp phần cải cách tư pháp trong thi hành án dân sự

09/08/2019

      Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự lần đầu tiên được quy định ở nước ta tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Có thể nói đây là bước cải cách tư pháp tư pháp trong thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý để Chấp hành viên tiến hành các hoạt động thi hành án nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án của người phải thi hành án, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan có thẩm quyền được thi hành một cách triệt để và hiệu quả, quy định và thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành án góp phần cải cách tư pháp trong thi hành án dân sự.
    1. Các quy định về biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008 gồm13/183 điều (Khoản 5 Điều 20, khoản 3 Điều 31, Khoản 2 Điều 45 và 04 điều tại  Mục 1 Chương IV, từ Điều 66 đến Điều 69, Khoản 1 Điều 130, Điểm a, b Khoản 2 Điều 140, Khoản 1 và 2 Điều 146, Điều 175, khoản 2 Điều 176 và Khoản 2 Điều 177) đã được quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ. Qua thực tế thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008, các Chấp hành viên rất hạn chế áp dụng các biện pháp bảo đảm vì quá trình áp dụng gặp không ít khó khăn, vướng mắc như hình thức áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ chưa rõ ràng, sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức thiếu hiệu quả, thời hạn phong tỏa tài sản quá ngắn không  phù hợp với thời hạn tự nguyện thi hành án. Vì thế, nhằm khắc phục các bất cập của Luật Thi hành án dân sự 2008 và thực tiễn tổ chức thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành án, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015 đã sửa đổi, bổ sung 06 Điều liên quan đến biện pháp bảo đảm thi hành án, cụ thể là Điểm a khoản 1 Điều 7, điểm a khoản 1 Điều 7b, khoản 3 Điều 31, Điều 67, Điều 68 và Điều 69. Vấn đề này đã được hướng dẫn và quy định chi tiết tại 08 điều gồm Điều 13, Điều 15, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 23, Điều 34 và Điều 38 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.   
     Để đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật, cũng như hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự. Đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã có hiệu lực thi hành đã thật sự phát huy được hiệu quả tích cực, tạo hành lang pháp lý cho cơ quan thi hành án dân sự, góp phần tích cực trong việc giải quyết việc thi hành án được nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời Chấp hành viên cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nhà nước giao, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Trình độ dân trí, nền kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển, vì vậy, tính tất yếu tình trạng tranh chấp dân sự cũng ngày càng gia tăng. Ngoài dạng tranh chấp phổ biến là tranh chấp về hợp đồng dân sự thì các tranh chấp đất đai, chia thừa kế, chia tài sản khi ly hôn cũng chiếm một tỷ lệ lớn. Do đó, số lượng bản án, quyết định cần phải được thi hành ngày càng nhiều.
     Trong những năm qua, lãnh đạo, cán bộ, công chức thi hành án dân sự đã nỗ lực phấn đấu để nâng cao kết quả, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, nhờ đó đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhìn chung tỷ lệ bản án, quyết định được thi hành xong chiếm một tỷ lệ khá cao. Việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Để đạt được kết quả này, các Chấp hành viên đã tiến hành hướng dẫn, giáo dục, thuyết phục các bên đương sự tự nguyện thi hành án. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp đương sự không tự nguyện thi hành nên Chấp hành viên phải áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án.
    Luật Thi hành án dân sự có quy định về các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự cho thấy sự cần thiết và quan trọng của các biện pháp này đối với công tác thi hành án dân sự nhằm ngăn chặn không cho đương sự tẩu tán tài như phong toả tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ; tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, nhằm buộc người phải thi hành án có trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình, làm cho công tác thi hành án ngày càng đạt hiệu quả cao. Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình thi hành án, ngay cả trong trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu của tài sản, khi áp dụng biện pháp bảo đảm Chấp hành viên không cần phải thông báo trước cho đương sự, tránh được việc đương sự có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, góp phần nâng cao tỷ lệ thi hành án trong những năm qua. Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án được quy định trong Luật Thi hành án dân sự nhanh chóng về thời gian, đơn giản về thủ tục tạo thuận lợi cho Chấp hành viên có thể thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản hay tạm giữ tài sản. Kịp thời ngăn chặn hành vi hủy hoại tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, đảm bảo cho cơ quan thi hành án áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành án trong những trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án. Đối với biện pháp phong tỏa tài khoản, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản nếu không có thông tin chính xác đầy đủ về chủ tài khoản, chủ sở hữu, sử dụng tài sản thì không thể ra quyết định phong tỏa tài khoản hoặc quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản hoặc ra quyết định phong tỏa không đúng đối tượng và quyết định này không thể thực hiện được. Do đó, khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì Chấp hành viên hoặc người yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm cần tiến hành xác minh, thu thập thông tin làm cơ sở cho việc ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm đúng quy định. Mặc dù mức độ tác động của bỉện pháp bảo đảm thi hành án không mạnh như biện pháp cưỡng chế nhưng tính chất đe dọa sẽ ảnh hưởng đến uy tín, quyền tài sản, gây áp lực tâm lý của người phải thi hành án, làm cho người phải thi hành án tự nguyện thi hành giúp cho quá trình thi hành án diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Việc giải quyết nhanh gọn, đạt hiệu quả các việc thi hành án thực sự mang ý nghĩa to lớn, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức; góp phần ổn định quan hệ xã hội, đồng thời nâng cao ý thức pháp luật của đương sự.
     2. Trong quá trình áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án bên cạnh những thuận lợi, còn có một số khó khăn cần được cơ quan có thẩm quyền, sự phối hợp của các ban ngành, Ban Chỉ đạo thi hành án chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp để trong quá trình thi hành án thống nhất và đạt hiệu quả. Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm do Chấp hành viên ký trong trường họp cần ngăn chặn hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản nhằm trốn tránh việc thi hành án. Trường hợp đương sự có đơn yêu cầu thi hành án và đơn yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thì tại thời điểm này Thủ trưởng cơ quan thi hành án đồng thời là Chấp hành viên ra quyết định thi hành án là người ký quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, sau đó phân cho Chấp hành viên giải quyết việc thi hành án. Có trường hợp cho rằng quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án là do Chấp hành viên trực tiếp giải quyết việc thi hành án ký, do đó trường hợp đương sự gửi đơn yêu cầu thi hành án kèm theo yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, sau đó phân công cho Chấp hành viên giải quyết việc thi hành án. Chấp hành viên được phân công giải quyết thì sẽ ký quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Một bản án, quyết định của Tòa án có được thi hành trên thực tế hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc đương sự có điều kiện thi hành án không. Tuy nhiên, khi đương sự có điều kiện thi hành án thì chưa chắc điều kiện đó sẽ được thi hành, nếu pháp luật không có các biện pháp bảo đảm vì họ có thể tẩu tán, hủy hoại tài sản mà họ đang có trước khi Chấp hành viên tiến hành các biện pháp cưỡng chế để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
    Khi áp dụng biện pháp bảo đảm phong tỏa tài khoản, việc thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án do người được thi hành án, Chấp hành viên tiến hành việc xác minh gặp nhiều khó khăn do các quy định về bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng, Kho bạc nhà nước. Có tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa chịu hợp tác trong việc cung cấp thông tin cho người được thi hành án. Điều 176 Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định trách nhiệm của Kho bạc nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác trong thi hành án dân sự chứ không quy định cụ thể việc xử lý khi các tổ chức trên không thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.
    Về thời hạn áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự: Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự đối với biện pháp phong tỏa tài khoản thì Khoản 3 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này. Biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự quy định tại Khoản 5 Điều 68 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyển tờ hữu, sử dụng. Biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản quy định tại Điều 69 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.
    Có thể nói, việc quy định thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án là cần thiết. Sau khi hết thời hạn quy định thì Chấp hành viên buộc phải tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để thi hành án. Điều này sẽ đảm bảo việc thi hành án được thực hiện liên tục, nhanh chóng, bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Tuy nhiên, quy định thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án với thời hạn nhất định, không có trường hợp ngoại lệ thì trong một số trường hợp thực tế đã gây ra không ít khó khăn cho Chấp hành viên khi giải quyết việc thi hành án. Sau khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì trong nhiều trường hợp Chấp hành viên phải tiến hành xác minh tài sản, thông tin về tài sản rồi sau đó mới quyết định có kê biên, xử lý tài sản hay không. Tại Điều 89 Luật Thi hành án dân sự quy định trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký. Trong trường hợp này thời hạn xác minh, cung cấp thông tin không phải hoàn toàn phụ thuộc Chấp hành viên mà còn phụ thuộc vào các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin. Việc trả lời xác minh, cung cấp thông tin cho cơ quan thi hành án dân sự của những cơ quan có liên quan không phải lúc nào cũng nhanh chóng kịp thời, đúng thời hạn quy định. Có những trường hợp cơ quan thi hành án phải chờ công văn trả lời của các cơ quan trong một thời gian, có khi chậm vài ngày đến vài tháng. Như vậy, trong trường hợp trên Chấp hành viên không thể tiến hành cưỡng chế cũng như không thể ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án vì chưa có đủ các căn cứ cần thiết. Thực tế công tác thi hành án cho thấy không phải trường hợp nào khi đã tiến hành áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án cũng sẽ dẫn đến việc cưỡng chế thi hành án vì mặc dù khi Chấp hành viên chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án nhưng các bên đương sự vẫn có thể tiến hành các thỏa thuận về biện pháp và thời gian thi hành án. Trong trường hợp các bên đương sự đã thỏa thuận được phương thức và thời gian thi hành án mà thời gian đó dài hơn thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì Chấp hành viên vẫn không thể ra quyết định cưỡng chế vì phải tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự, đồng thời cũng không có căn cứ để ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án tự nguyện yêu cầu chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án và chịu trách nhiệm về yêu cầu đó. Từ những trường hợp trên cho thấy Chấp hành viên có thể vi phạm thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án hay không khi đã hết thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo luật định mà Chấp hành viên chưa có đủ căn cứ điến hành các bước tiếp theo, như áp dụng biện pháp cưỡng chế hay chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án có còn hiệu lực thi hành nữa hay không? Đây là những vấn đề còn bất cập mà Chấp hành viên gặp phải trong quá trình tổ chức thi hành án, vì vậy mặc dù đã có quy định của pháp luật nhưng Chấp hành viên chưa mạnh dạn khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.
    Quy định về phong tỏa tài khoản có nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng khi phong tỏa tài khoản Chấp hành viên chỉ phong tỏa đầu ra, có như vậy tiền vào tài khoản vẫn hoạt động bình thường mới đủ điều kiện để khấu trừ số lượng tiền để thi hành án, chỉ khi việc khấu trừ tiền thi hành án đủ thì mới chấm dứt phong tỏa. Ý kiến khác cho rằng phong tỏa tài khoản là phong tỏa toàn bộ tài khoản cả đầu vào và đầu ra, tuy nhiên, ý kiến này không thỏa đáng vì chỉ được áp dụng khi tài khoản có đủ tiền cần khấu trừ, bất hợp lý đối với tài khoản chưa có đủ tiền.
     Về lực lượng hỗ trợ Chấp hành viên khi tiến hành thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự. Hoạt động tác nghiệp của Chấp hành viên trong quá trình thi hành án dân sự là hoạt động mang tính nhạy cảm vì tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của đương sự, đa phần các vụ việc Chấp hành viên không nhận được sự hợp tác từ phía người phải thi hành án. Vì vậy, Chấp hành viên rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan, tổ chức có liên quan nhưng thực tế cho thấy khi Chấp hành viên yêu cầu lực lượng công an xã, trưởng ấp, khu phố hỗ trợ việc tạm giữ tài sản, giấy tờ thì lực lượng này không phối hợp, một mặt do ngại va chạm với người dân tại địa phương, mặt khác họ cho rằng việc tạm giữ tài sản, giấy tờ không thuộc trách nhiệm, quyền hạn của họ, họ không thực hiện khi không có sự chỉ đạo của cấp trên. Không có sự hỗ trợ của các lực lượng tại chỗ dẫn đến việc tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự Chấp hành viên không thực hiện được, như vậy sự hỗ trợ phối hợp của các cơ quan, các ngành có liên quan, nhất là lực lượng tại chỗ là vô cùng quan trọng, nếu không có sự phối hợp của lực lượng này thì Chấp hành viên khó có thể thực hiện được nhiệm vụ được giao.
     Việc đăng ký các giao dịch, kê khai thu nhập, tài sản chưa thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để nên việc quản lý, nắm bắt các thông tin về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất và các tài sản, thu nhập khác của người phải thi hành án không dễ thực hiện được, không có cơ sở dữ liệu cần thiết cho việc tra cứu, sử dụng khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự về tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. Mặt khác, pháp luật chưa quy định chế tài cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án khi áp dụng biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản nên nhiều trường hợp họ đã không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên.
     Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành mới chỉ quy định một cách chung chung về căn cứ để áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ là để "ngăn chặn việc tẩu tán tiền, tài sản trong tài khoản" mà chưa có quy định cụ thể các hành vi như thế nào là hành vi tẩu tán tiền trong tài khoản và hành vi nào là hành vi thực hiện giao dịch bình thường thông qua tài khoản trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người phải thi hành án. Từ đó có thể có các quan điểm xử lý khác nhau giữa Chấp hành viên, đương sự và tổ chức tín dụng về các hành vi này.
     3. Giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án và nâng cao kết quả thi hành án có thể áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự hiệu quả.
Về thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự đã được quy định cụ thể trong Luật Thi hành án dân sự, tuy nhiên chính những quy định đó lại gây cản trở cho Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này một cách triệt để thì pháp luật thi hành án dân sự cần phải có văn bản hướng dẫn thi hành về áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự những trường hợp ngoại lệ đối với thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm để tạo một hành lang pháp lý rõ ràng hơn nhằm tạo điều kiện cho Chấp hành viên có cơ sở giải quyết án đúng luật đồng thời cũng để phát huy tối đa hiệu quả của các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự. Không nên giới hạn thời gian áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự khi chưa thi hành xong.
     Theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 76 của Luật này hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp đơn vị quản lý tài khoản bị phong tỏa với lý do bảo vệ khách hàng không hợp tác với cơ quan thi hành án dân sự thì gây rất nhiều khó khăn cho Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Trường hợp, khi chưa có văn bản quy định cụ thể, chi tiết hơn về thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự khi đã hết thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo luật định, Chấp hành viên có thể ra một công văn duy trì hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án cho đến khi có đủ căn cứ xử lý tài sản. Như vậy, Chấp hành viên có thể linh động về thời hạn áp dụng để có những tác nghiệp phù hợp trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, nếu không thì người phải thi hành án có cơ hội tẩu tán tài khoản.
    Cần có quy định cụ thể về thời hạn mà Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm khi nhận được văn bản đề nghị của người được thi hành án nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ dân sự trong vụ án được thi hành, quyền và lợi ích của người được thi hành án được bảo đảm. Bổ sung quy định về việc người yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự phải nộp một khoản tiền đặt trước khi nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự đồng thời quy định rõ về hình thức bồi thường và mức bồi thường cụ thể, tạo công cụ đắc lực để Chấp hành viên mạnh dạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án mà không phải lo về trách nhiệm bồi thường, đồng thời sẽ nâng cao trách nhiệm và vai trò của người được thi hành án trong việc phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự giải quyết vụ việc.
     Tăng cường công tác phối hợp liên ngành hỗ trợ Chấp hành viên tiến hành áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự. Sự phối hợp của cơ quan, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên khi tổ chức thi hành án vì để áp dụng các biện pháp này có hiệu quả thì trên thực tế việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan là rất cần thiết. Nhiều trường hợp Chấp hành viên không giữ được tài sản vì đương sự có hành vi chống đối quyết liệt và sự phối hợp của cơ quan công an, cơ quan ban ngành không đủ mạnh. Việc phối hợp của cơ quan công an trong những trường hợp này phải nhanh chóng, linh hoạt mới đảm bảo cho việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đạt kết quả.
     Quy định cho phép Chấp hành viên được tạm giữ tài sản, giấy tờ, được tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi về hiện trạng tài sản khi đương sự vắng mặt và đối với người thứ ba đang quản lý, sử dụng tài sản của người phải thi hành án nếu xác minh được đó là tài sản của người phải thi hành án. Bởi lẽ có trường hợp tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba quản lý, sử dụng hoặc đang gửi giữ tại một địa điểm nhất định, nếu khi tạm giữ tài sản yêu cầu phải có mặt của đương sự thì gây khó khăn cho Chấp hành viên khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án về tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự, nếu ngưòi phải thi hành án cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên sẽ không tạm giữ được tài sản dù biết tài sản đó là của người phải thi hành án nếu thời gian tự nguyện thi hành án chưa hết.
     Quy định cụ thể để nhận biết các hành vi như thế nào là hành vi tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Quy định về tạo cơ sở pháp lý để đương sự tự mình có thể xác minh, thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án hiệu quả.
    Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của Chấp hành viên thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và kiểm tra hoạt động tổ chức thi hành án của họ, đồng thời có chế độ, chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để họ yên tâm công tác, không bị ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành án dân sự. Nâng cao trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, đặc biệt là đối với các tổ chức tín dụng và các cơ quan, tổ chức có liên quan để họ nhận thức rõ Chấp hành viên là người có thẩm quyền yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin về tài khoản, tài sản của khách hàng và nghĩa vụ thực hiện quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản; quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án để thi hành án theo quy định của pháp luật.
 
                                                                                                                        Tin từ http://thads.moj.gov.vn
 
 
 

Các tin đã đưa ngày: