Sign In

Nên hay không nên cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá?

19/09/2015

Nên hay không nên cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá?

Theo dự kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự sẽ trình Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10/2014. Việc sửa đổi bổ sung Luật Thi hành án dân sự là cần thiết, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Thi hành án dân sự 2008, để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự cho thấy, một số quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện hành vẫn chưa được đề nghị sửa đổi, bổ sung. Trên thực tế do có sự xung đột của pháp luật dẫn đến sự lúng túng của chấp hành viên khi thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể như sau: Tại khoản 2, Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định: "Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp cơ quan Thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết"

Và khoản 1, Điều 49. Luật Thi hành án quy định: "Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm"

 Với những quy định trên thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định hoãn thi hành án hoặc thông báo tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án hay quyết định tạm đình chỉ thi hành án của cơ quan có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và như vậy chấp hành viên đương nhiên phải dừng mọi hoạt động thi hành án dân sự.

Tuy nhiên tại Điều 24b, Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự quy định:

"1. Người mua được tài sản đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng tài sản đã mua đấu giá, nhận để thi hành án.

2. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị đình chỉ thi hành án, kháng nghị, sửa đổi hoặc hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục hoàn thiện thủ tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá,...."

Với những quy định này lại cho phép chấp hành viên được quyền ra quyết định hoặc tiếp tục thực hiện quyết định cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá, vì Nghị định số 125/2013/NĐ-CP đã quy định và trên thực tế đã có rất nhiều chấp hành viên đã áp dụng Điều 24b, Nghị định số 125/2013/NĐ-CP tiến hành tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá. Tuy vậy, khi áp dụng điều này đã dẫn đến việc khiếu nại gay gắt của đương sự và dư luận xã hội không đồng tình.

Theo quan điểm của tôi, trong trường hợp đã có sự xung đột của pháp luật thì phải áp dụng khoản 2, Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 10/6/2008 quy định "Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn". Vì vậy, trong trường hợp trên chúng ta phải áp dụng khoản 2, Điều 48 hoặc khoản 1, Điều 49. Luật Thi hành án dân sự để ra quyết định hoãn hoặc thông báo tạm đình chỉ Thi hành án và chấp hành viên phải dừng mọi hoạt động thi hành án dân sự vì Luật Thi hành án dân sự là văn bản do Quốc Hội ban hành nên có hiệu lực cao hơn, còn Nghị định 125/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành nên có hiệu lực thấp hơn.

Để giải quyết được vấn đề nêu trên và để thống nhất các quy định của pháp luật, tạo sự thuận lợi cho chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ của mình, tôi xin có một số góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự như sau:

Một là, giữ nguyên như Điều 48 và Điều 49 Luật Thi hành án dân sự hiện hành, thì phải bỏ Điều 24b Nghị định 125/2013/NĐ-CP và như vậy khi có yêu cầu hoãn hoặc có quyết định tạm đình chỉ thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định hoãn thi hành án hoặc thông báo tạm đình chỉ thi hành án và chấp hành viên phải dừng mọi hoạt động thi hành án.

Hai là, bổ sung vào Điều 48 và Điều 49 Luật Thi hành án dân sự một điều khoản "Trừ các trường hợp khác do Chính phủ quy định". Đây là quy định mở để Chính phủ ban hành Nghị định cho phép chấp hành viên (như Điều 24b, Nghị định 125/2013/NĐ-CP) được quyền cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá trong một số trường hợp. Có như vậy thì việc chấp hành viên tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá mới chặt chẽ đúng quy định của pháp luật.

                                                                  Nguyễn Xuân Thắng

Các tin đã đưa ngày: