Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC tại các cơ quan Thi hành án dân sự TP.HCM những năm vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm chính trị tại địa phương. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay tình hình KNTC nói chung vẫn có chiều hướng diễn biến khó lường: Việc KNTC vẫn không giảm về số lượng so với trước đây; tính phức tạp vẫn tồn tại; việc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để thực hiện mục đích khác vẫn tiếp diễn… Đòi hỏi, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại TP.HCM phải cố gắng nhiều hơn nữa. Trong năm 2017, Cục Thi hành án dân sự (THADS) Thành phố tiếp nhận hơn 2.000 đơn, thư các loại. Công tác phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo giúp cho việc thống kê báo cáo chính xác và xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết. Trong đó, đơn khiếu nại, tố cáo năm 2017 còn phải giải quyết là 790 việc (trong đó 777 việc khiếu nại và 13 việc tố cáo). Đến hết năm công tác 2017, đã giải quyết xong 758 việc, còn chuyển kỳ sau 31 việc (trong đó, còn tồn 1 việc tố cáo và 31 việc khiếu nại). khiếu nại, tố cáo đúng: 8 việc (chiếm tỷ lệ 3,33% trên tổng số việc KNTC thuộc thẩm quyền đã giải quyết); Khiếu nại đúng một phần: 1 việc (0.42% trên tổng số việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã giải quyết); KNTC sai toàn bộ: 231 việc (chiếm tỷ lệ 96,25% trên tổng số việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã giải quyết).
Hầu hết việc giải quyết KNTC kịp thời, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định. Việc chấp hành các quy định về ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đã dần đi vào nề nếp. Công tác thiết lập, quản lý hồ sơ giải quyết KNTC được các cơ quan THADS thực hiện khá tốt; công tác báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại trong ngành THADS nhìn chung đầy đủ, kịp thời. Cục THADS Thành phố đã thực hiện quy định về công khai quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 trên trang thông tin điện tử của Cục THADS Thành phố. Đến nay việc thực hiện đã đi vào nề nếp, tất cả các Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 đều đã được đăng tải theo quy định. Thông qua công tác đối thoại để giải quyết KNTC, thủ trưởng các đơn vị cũng thực hiện việc tuyên truyền, giải thích pháp luật giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó có thái độ tích cực, phối hợp với Chấp hành viên trong quá trình tổ chức THA tiếp theo. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn là phương tiện giúp cho Thủ trưởng đơn vị thực hiện chức năng kiểm tra hoạt động của công chức trong đơn vị, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức THA.
Trong số những việc KNTC đã phát sinh trong lĩnh vực THADS tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy việc phát sinh thường tập trung trong những nội dung như: khiếu nại chấp hành viên chậm tổ chức THA; KNTC trong việc áp dụng các biện pháp bảo đảm THA; KNTC hành vi, quyết định của Chấp hành viên liên quan đến việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế THA; KNTC Chấp hành viên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thủ tục thông báo THA. Bên cạnh những nội dung KNTC chủ yếu nêu trên, việc KNTC trong lĩnh vực THADS tại Thành phố Hồ Chí Minh còn xảy ra trong một số nội dung như: Tính tiền lãi phát sinh do chậm THA; hoãn THA; xin THA từng phần; việc thanh toán tiền, tài sản THA không đúng thứ tự, chia tỷ lệ không đúng...
Có thể nói, thời gian qua tình trạng KNTC tại Thành phố Hồ Chí Minh phát sinh tương đối nhiều, có chiều hướng ngày càng tăng và với tính chất ngày càng phức tạp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ quan cũng như nguyên nhân khách quan. Pháp luật về THADS và một số lĩnh vực liên quan còn có vướng mắc, bất cập, chưa đồng bộ. Do vậy, trong quá trình áp dụng pháp luật vào thực tế gặp nhiều khó khăn, không thống nhất, nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều trường hợp, Cơ quan THADS địa phương không thể giải quyết, cần phải có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Mặt khác, một số người đã lợi dụng những quy định pháp luật chưa rõ, chưa cụ thể, hiểu quy định theo hướng có lợi cho mình từ đó nhận định Chấp hành viên làm trái quy định pháp luật và liên tục gửi đơn KNTC. Bên cạnh đó, có một số trường hợp, trong suốt quá trình tổ chức THA, đương sự không thắc mắc, khiếu nại gì nhưng khi tài sản THA đã được xử lý xong, họ lại liên tục gửi đơn, thư KNTC đến các cấp, các ngành nhằm kéo dài thời gian giao tài sản.
Trong thời gian vừa qua, liên quan đến việc người phải THA thực hiện việc chuyển nhượng tài sản sau thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, khi Cơ quan THADS căn cứ vào khoản 1 Điều 24 nghị định 62 thực hiện việc kê biên tài sản đều gặp phải phản ứng của người mua tài sản. Một số trường hợp xử lý tài sản gắn liền với đất là tài sản thế chấp mà Tòa tuyên trong bản án, quyết định có hiện trạng không đúng với hiện trạng thực tế. Thậm chí có nhiều hồ sơ mãi đến khi cơ quan THA xử lý tài sản thì mới biết người đang thực tế quản lý, sử dụng tài sản là một người khác hoặc căn nhà thế chấp hiện nay đã không còn vì chủ nhà đã phá bỏ từ lâu hoặc khi thế chấp trên đất chỉ có 1 căn nhà nhỏ cấp 4 nhưng đến khi THA hiện trạng thực tế là 1 căn nhà lầu kiên cố… Những tình tiết phát sinh này đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan THA, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, làm phát sinh KNTC.
Một số trường hợp đương sự khiếu nại gay gắt về việc THA nhưng vấn đề chính làm phát sinh khiếu nại là do không đồng tình với kết quả xét xử của Tòa án. Các đương sự cho rằng bản án xử oan sai, chưa hợp tình, hợp lý nên nhất định không tự nguyện thi hành. Một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa có những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế, căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 23 Luật THADS, Thủ trưởng cơ quan THA yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản nhưng Tòa án không trả lời hoặc việc giải thích, đính chính bản án, quyết định của Tòa không đảm bảo thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 179 Luật THADS dẫn đến việc THA bị chậm trễ.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp, đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan lợi dụng KNTC để trì hoãn việc THA hoặc lợi dụng KNTC để làm giảm uy tín của cán bộ, công chức trong ngành vẫn còn cao. Pháp luật hiện nay chưa quy định các chế tài để ràng buộc trách nhiệm của các công dân trong trường hợp người khiếu nại cố tình khiếu nại sai, nội dung khiếu nại không có cơ sở nên chưa hạn chế được tình trạng khiếu nại tràn lan, nhằm kéo dài thời gian, trì hoãn việc THA.
Bên cạnh một số kết quả đạt được như trên, thì giải quyết KNTC trong THADS vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số trường hợp đơn có nội dung KNTC nhưng Thủ trưởng cơ quan THADS không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo mà chỉ ban hành văn bản trả lời đơn là chưa đảm bảo về hình thức văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có đơn vị, Chấp hành viên bị khiếu nại, tố cáo lại ký công văn trả lời KNTC. Việc này không những vi phạm về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo mà còn vi phạm cả hình thức văn bản giải quyết KNTC và nội dung giải quyết cũng không đảm bảo tính khách quan. Thụ lý giải quyết khiếu nại khi vụ việc đã hết thời hiệu khiếu nại; thụ lý giải quyết đối với khiếu nại của người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc THA. Một số trường hợp khi giải quyết khiếu nại lần 1, người có thẩm quyền giải quyết KNTC không xác định đầy đủ, chính xác nội dung khiếu nại. Đến khi đương sự khiếu nại lần 2 thì chỉ được giải quyết những nội dung đã giải quyết lần 1 nên dẫn đến việc giải quyết khiếu nại chưa thỏa đáng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng KNTC vượt cấp.
Mặt khác, việc phân loại, thụ lý đơn KNTC ở một số cơ quan THADS địa phương còn có sai sót; kỹ năng xử lý đơn thư đầu vào còn hạn chế dẫn đến lúng túng trong việc phân loại, xử lý đơn. Có trường hợp đơn có nội dung tố cáo nhưng lại giải quyết theo trình tự giải quyết khiếu nại và ngược lại nội dung khiếu nại lại giải quyết theo trình tự giải quyết tố cáo. Công tác tiếp công dân ở một số nơi chưa được thực hiện thường xuyên, chưa gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết KNTC. Một số cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác này, thiếu kỹ năng tiếp công dân, thái độ tiếp công dân chưa phù hợp; kỹ năng ứng xử, thái độ giải quyết vụ việc KNTC của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa phù hợp dẫn đến tình trạng công dân bức xúc với việc giải quyết của các cơ quan Thi hành án dân sự. Những vi phạm quy định về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Vi phạm thời hạn giải quyết KNTC; xác định đối tượng bị khiếu nại, hành vi bị KNTC không chính xác; chưa nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hồ sơ THA và các tài liệu có liên quan; không tổ chức xác minh, đối thoại hoặc trưng cầu giám định khi cần thiết dẫn đến kết quả giải quyết KNTC không khách quan, chưa đúng pháp luật, đương sự bức xúc KNTC tiếp. công tác đối thoại trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại chưa được quan tâm, chú trọng thực hiện; thời hạn giải quyết khiếu nại chưa được đảm bảo. Việc chậm khắc phục sai phạm và tổ chức thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại, Kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực.
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt trong công tác giải quyết KNTC, khắc phục triệt để những hạn chế, thiếu sót; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả của công tác này, Cục Thi hành án dân sự Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài. Tiếp tục kiện toàn về nhân sự chuyên trách làm công tác tham mưu tiếp công dân, giải quyết KNTC. Quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC có phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và năng lực chuyên môn vững vàng. Tăng cường công tác tiếp công dân, tổ chức đối thoại với đương sự, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng để người dân hiểu và chấp hành pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong thi hành án dân sự để hạn chế đơn thư KNTC. Tiếp tục tổng hợp những vướng mắc trong quy định pháp luật về giải quyết KNTC trong thi hành án dân sự để báo cáo, đề xuất hoàn thiện thể chế về công tác Thi hành án dân sự và giải quyết KNTC trong Thi hành án dân sự. Tổ chức tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ thi hành án dân sự và giải quyết KNTC để nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của Thủ trưởng và công chức các cơ quan THADS về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC ngay từ cơ sở để hạn chế thấp nhất tình trạng KNTC vượt cấp./.
Cẩm Tú