Thông báo về thi hành án là việc người có thẩm quyền thực hiện việc chuyển tải giấy tờ chứa đựng thông tin về thi hành án cho người được thông báo theo trình tự, thủ tục nhất định, nhằm bảo đảm cho việc thi hành án đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự tham gia vào việc thi hành án. Đồng thời nhằm công khai và minh bạch hóa các hoạt động của cán bộ, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự. Thông qua hoạt động thông báo, người dân có điều kiện thực hiện quyền theo dõi, giám sát các hoạt động của cơ quan THADS nói riêng, cơ quan nhà nước nói chung. Với mục đích đó, pháp luật về thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục và các hình thức thông báo trong THADS.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật thi hành án dân sự thì việc thông báo được thực hiện theo ba hình thức đó là: Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; Niêm yết công khai; Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong ba hình thức trên thì hiện nay việc niêm yết công khai vẫn còn mốt số quan điểm khác nhau về cách hiểu và cách tính thời hạn thông báo khi thực hiện thủ tục niêm yết. Do vậy, thông qua bài viết này chúng tôi muốn đi tìm những cơ sở pháp lý cần thiết để chứng minh cho cách hiểu và căn cứ tính thời hạn phù hơp với quy định của pháp luật để có một sự thống nhất trong việc hiểu và áp dụng pháp luật đối với cách tính thời hạn thông báo bằng hình thức niêm yết công khai trong thi hành án dân sự.
Các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục niêm yết công khai.
Tại Điều 42 Luật thi hành án dân sự quy định:
“Việc niêm yết công khai văn bản thông báo chỉ được thực hiện khi không rõ địa chỉ của người được thông báo hoặc không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo hoặc cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện việc niêm yết.
2. Việc niêm yết được thực hiện theo thủ tục sau đây:
a) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo;
b) Lập biên bản về việc niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết; số, ngày, tháng, năm, tên của văn bản thông báo; có chữ ký của người chứng kiến.
3. Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết. Ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ”.
Tại khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch số: 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, Ngày 01/8/2016, của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS, quy định về địa điểm niêm yết như sau:
“Việc niêm yết được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được thông báo cư trú hoặc cư trú cuối cùng và tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo. Việc xác định nơi cư trú được thực hiện theo pháp luật về cư trú”.
Như vậy, theo quy định thì việc niêm yết công khai được thực hiện khi thuộc một trong ba điều kiện sau:
- Khi không rõ địa chỉ của người được thông báo;
- Khi không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp;
- Khi pháp luật có quy định khác.
Người thực hiện việc niêm yết và địa điểm niêm yết:
Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp niêm yết hoặc ủy quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo hoặc cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện việc niêm yết. Việc niêm yết được thực hiện tại 3 nơi đó là:
- Trụ sở cơ quan thi hành án dân sự là nơi cơ quan có thẩm quyền đang tổ chức thi hành vụ việc.
- Trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo.
- Nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo.
Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết. Ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ. Như vậy, kể từ thời điểm (ngày) người có thẩm quyền thực hiện việc niêm yết công khai văn bản thông báo tại những nơi theo quy định trên, thì ngày đó được coi là ngày đương sự được thông báo.
Mặc dù pháp luật về THADS đã quy định khá rõ ràng về trình tự, thủ tục về niêm yết công khai như trên. Đồng thời, trong tài liệu và những đợt tập huấn nghiệp vụ Thi hành án của Tổng cục thi hành án dân sự đã đề cập đến việc xác định thời hạn và cách tính thời hạn trong trường hợp phải thực hiện thủ tục niêm yết công khai. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn tồn tại hai quan điểm khác nhau, không thống nhất giữa các chấp hành viên và đặc biệt là giữa một số Kiểm sát viên với Chấp hành viên về cách tính thời hạn thông báo bằng hình thức niêm yết. Để cụ thể hơn về các quan điểm này, chúng ta xem xét cách tính thời hạn niêm yết văn bản thông báo trong tình huống sau:
Tại khoản 1 Điều 88 Luật thi hành án dân sự quy định:
“
Trước khi kê biên tài sản là bất động sản ít nhất là 03 ngày làm việc, Chấp hành viên thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án”.
Theo quy định này thì việc kê biên chỉ được phép tiến hành sau ít nhất 03 ngày kể từ ngày đương sự được thông báo. Giả sử, trường hợp không thực hiện được việc thông báo trực tiếp nên ngày 24/4/2017 Chấp hành viên đã thực hiện việc niêm yết thông báo kê biên cho đương sự.
Như vậy, ngày nào thì Chấp hành viên có thể tiến hành việc kê biên tài sản?
- Quan điểm thứ nhất (10 + 3): cho rằng do ngày niêm yết là ngày 24/4/2017, cho nên kể từ ngày 08/5/2017 thì Chấp hành viên mới được thực hiện việc kê biên tài sản (
không huy động lực lượng cưỡng chế). Quan điểm này cho rằng vì thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết. Đây là thời gian cần thiết để cho đương sự có thể biết được việc thông báo kê biên đã được niêm yết. Do vậy, thời gian 03 ngày làm việc trước khi kê biên tài sản trong trường hợp này phải được tính từ ngày 05/4/2017 (
Có nghĩa là thời hạn thông báo bắt đầu tính từ sau thời gian 10 ngày niêm yết). Cũng cần nói thêm đây là quan điểm của không ít Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp khi kiểm sát hồ sơ thi hành án về thủ tục thông báo.
- Quan điểm thứ hai: cho rằng nếu ngày niêm yết là ngày 24/4/2017 thì thời gian 03 ngày làm việc trước khi kê biên tài sản trong trường hợp này được tính từ ngày 25/4/2017. Do vậy, từ ngày 28/4/2017, thì Chấp hành viên được thực hiện việc kê biên tài sản. Vì ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ nên việc tính thời hạn được bắt đầu tính từ ngày liền kề là ngày 25/4/2017. Còn ngày niêm yết 24/4/2017 là ngày xác định để tính thời hạn.
Thực tế hiện nay đang tồn tại hai quan điểm như trên về cách tính thời hạn thực hiện thông báo bằng hình thức niêm yết công khai. Do vậy, có không ít Chấp hành viên lúng túng không biết nên theo quan điểm nào, dẫn đến tình trạng là lựa chọn giải pháp án toàn, có nghĩa là chọn quan điểm thứ nhất (10 + 3).
Chúng tôi cho rằng pháp luật quy định đã khá rõ ràng và hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý để tính thời hạn thực hiện việc thông báo trong thi hành án dân sự bằng hình thức niêm yết công khai. Tuy nhiên, để thống nhất được cách hiểu, cách tính thì chúng ta cần nắm rõ các vấn đề sau:
- Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là gì?
- Ngày được thông báo hợp lệ là gì?
- Cách tính thời hạn.
Khi chúng ta làm rõ được các vấn đề trên, thì việc tính thời hạn khi thực hiện việc niêm yết công khai văn bản thông báo trong quá trình tổ chức thi hành án sẽ trở nên đơn giản, rõ ràng và thống nhất, chỉ có một cách tính duy nhất.
Việc niêm yết công khai văn bản thông báo:
Theo cách hiểu thông thường thì niêm yết là dán lên để báo việc gì đó cho công chúng biết. Như vậy, việc niêm yết thông báo về thi hành án là việc dán (treo) văn bản thông báo lên một vị trí nhất định để thông báo cho công chúng (và cho người được thông báo) biết về nội dung văn bản thông báo. Vậy thì thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo trong thi hành án dân sự chính là thời gian dán (treo) văn bản thông báo về thi hành án lên một vị trí nhất định.
Theo đó thì “
Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết” được hiểu là thông báo phải được dán (treo) ở các nơi quy định trong thời gian 10 ngày, sau đó thì có thể được gỡ xuống, không phải dán nữa.
Ở một số văn bản pháp luật còn có cả quy định trách nhiệm bảo quản văn bản được niêm yết, ví dụ tại Điều 18
Nghị định số 29/2015/ NĐ-CP, ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng đã quy định cụ thể như sau:
“1. Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
2. Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết”.
Ngày được thông báo hợp lệ:
Hiện nay pháp luật về thi hành án dân sự không giải thích ngày được thông báo hợp lệ là gì, được hiểu như thế nào. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định cụ thể như:
Tại Điều 40 về thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân quy định
“...Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ”
Điều 41 về Thủ tục thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức quy định
“...Ngày ký nhận là ngày được thông báo hợp lệ”
Điều 42 về niêm yết công khai quy định
“Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết. Ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ”.
Điều 43 về thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng quy định
“Ngày thực hiện việc thông báo lần hai trên phương tiện thông tin đại chúng là ngày được thông báo hợp lệ”
Như vậy, chúng ta có thể hiểu
ngày được thông báo hợp lệ là ngày đương sự được thông báo. Cho dù thông báo bằng hình thức niêm yết công khai hay thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì ngày niêm yết hay ngày thực hiện việc thông báo lần hai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được xem là ngày đương sự được thông báo, mà không phụ thuộc vào việc thực tế đương sự, người được thông báo đã đọc, biết được thông báo đó hay chưa.
Cách tính thời hạn:
Việc tính thời hạn trong thi hành án dân sự hiện nay được áp dụng theo các quy định tại Điều 147 và Điều 148 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể:
Điều 147 quy định về thời điểm bắt đầu thời hạn như sau:
“
1. Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
2. Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
3. Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó”.
Điều 148 quy định về kết thúc thời hạn như sau:
“
1. Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
2. Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
3. Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
4. Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.
5. Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
6. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó”.
Theo những quy định trên, trong trường hợp niêm yết công khai thì ngày thực hiện việc niêm yết không được tính vào thời hạn mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày niêm yết.
Ví dụ: Điều 39 Luật Thi hành án dân sự quy định “
Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án”
Do vậy: nếu Quyết định thi hành án được ban hành ngày 25/4/2017 thì việc thực hiện thông báo phải được thực hiện trong ngày 26, 27 hoặc ngày 28/4/2017 bởi vì theo Điều 147 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, thì ngày 25/4/2017 được coi là ngày xác định và ngày tiếp theo liền kề là ngày 26/4/2017. Vì thế, thời gian thực hiện thông báo trong 03 ngày làm việc phải là ngày 26, 27, 28/4/2017 (
trong trường hợp 03 ngày làm việc liên tiếp không phải là ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc ngày lễ).
Như vậy, đến đây chúng ta đã có thể thống nhất được cách hiểu:
Thứ nhất, thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo trong thi hành án dân sự chính là thời gian dán (treo) văn bản thông báo về thi hành án lên một vị trí nhất định. Thời gian này không ảnh hưởng gì đến cách tính thời hạn thông báo mà chỉ có ngày thực hiện việc niêm yết công khai mới là ngày xác định để tính thời hạn được thông báo.
Thứ hai, ngày được thông báo hợp lệ được xem là ngày đương sự được người có thẩm quyền thông báo văn bản về thi hành án. Ngày này không phụ thuộc vào việc thực tế đương sự, người được thông báo đã đọc, biết được thông báo đó hay chưa. Do đó, kết hợp với cách xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn quy định tại Điều 147, 148 Bộ luật dân sự năm 2015, thì chúng ta có thể dễ dàng để tính thời hạn trong trường hợp thực hiện thông báo về thi hành án bằng hình thức niêm yết công khai.
Ví dụ: Quyết định thi hành án được ban hành ngày 14/4/2017. Ngày 17/4/2017 Chấp hành viên đã thực hiện việc niêm yết công khai Quyết định thi hành án cho người phải thi hành án là ông Nguyễn Văn A.
Do vậy, thời hạn tự nguyện thi hành án của ông A là 10 ngày, được tính từ ngày 18/4/2017 đến hết ngày 27/4/2017. Bởi vì theo quy định tại khoản 1 Điều 45 về thời hạn tự nguyện thi hành án quy định “
Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án”. Ngày 17/4/2017 thực hiện việc niêm yết nên không được tính vào thời hạn mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày niêm yết là ngày 18/4/2017. Cách tính này cũng tương tự như việc ngày 17/4/2017 Chấp hành viên giao trực tiếp quyết định thi hành án cho ông A. Do đó, kể 18/4/2017 đến hết ngày 27/4/2017 là thời hạn tự nguyện thi hành án của ông A. Còn từ ngày 28/4/2017 ông A đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án nên Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Từ những căn cứ pháp luật như đã phân tích ở trên. Chúng ta thấy cách hiểu và cách tính thời hạn trong thủ tục niêm yết công khai văn bản thông báo trong thi hành án dân sự phải là cách tính thời hạn theo quan điểm thứ hai. Còn quan điểm thứ nhất (10 + 3) là không có căn cứ pháp luật.
Hồ Quân Chính - P. Trưởng phòng NV1