Sign In

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân trong thi hành án dân sự

28/01/2016

Tiếp công dân và giải quyết các công việc của dân là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, nhiệm vụ công tác thường xuyên của các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị. Đây là sự cụ thể hoá quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của nhà nước và xã hội của công dân, là sự cụ thể hoá phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đồng thời đây cũng là sự thể hiện sinh động bản chất dân chủ, Nhà nước của dân, do dân và vì dân của Nhà nước ta.
 
Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tiếp công dân  thì: Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của Luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất ”.
 Đồng thời, việc tiếp công dân nhằm thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, quyền này đã được Hiến pháp ghi nhận tại Khoản 1, 2, Điều 30 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định: “ Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan cơ quan, tổ chức, cá nhân; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần phát huy bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân của Nhà nước ta, củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt việc tiếp công dân là sự thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với nhân dân, sẽ tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của nhân dân, xây dựng niềm tin của nhân dân vào các cơ quan Nhà nước. Cũng thông qua việc tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, Đảng và Nhà nước có điều kiện lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, thắc mắc, ý kiến của người dân liên quan trực tiếp tới hoạt động của cán bộ, các cơ quan Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ máy nhà nước.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân cũng sẽ tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và quyền giám sát đối với cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức Nhà nước. Một mặt giúp cơ quan Nhà nước kiểm tra đánh giá phát hiện xử lý kịp thời các khuyết điểm của cán bộ góp phần xây dựng Bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Công tác tiếp công dân có quan hệ chặt chẽ với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vì vậy muốn thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải thực hiện tốt việc tiếp công dân. Ở khía cạnh cụ thể tiếp công dân là khâu đầu tiên của quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo vì vậy công tác này có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề thuận lợi cho việc giải quyết chất lượng khiếu nại, tố cáo.
Xác định công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tại các cơ quan thi hành án dân sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Thời gian qua, các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tương đối tốt công tác này theo đúng các quy định của pháp luật các đơn vị xây dựng quy chế, lịch tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, am hiểu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, có kiến thức về xã hội, hiểu biết tâm lý làm công  tác tiếp công dân và trực tiếp tham mưu cho Lãnh đạo trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Cụ thể: Trong năm 2015 tổng số lượt tiếp công dân trên toàn tỉnh là: 206 lượt. Tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo đã tiếp nhận trên địa bàn tỉnh là: 50 đơn (bao gồm: 46 đơn khiếu nại; 04 đơn tố cáo). Trong Quý I năm 2016 tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết là 13 đơn khiếu nại. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều được thực hiện đúng quy định, các quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu về cơ bản đều được người khiếu nại chấp nhận. Hoạt động này đi vào nề nếp, có hệ thống, giúp Lãnh đạo Cục, các Chi cục nắm rõ nội dung từng vụ việc, quá trình giải quyết, kết quả và sự phản hồi của công dân để có sự đôn đốc, chỉ đạo, giám sát việc giải quyết và giải thích kết quả giải quyết vụ việc để công dân rõ.
Tuy nhiên, công tác tiếp dân trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Một số đơn vị còn chưa coi trọng công tác tiếp dân; Việc bố trí phòng tiếp dân còn chưa đảm bảo theo quy định; Việc tiếp công dân theo lịch chưa được thực hiện nghiêm; Lực lượng cán bộ làm công tác giải quyết KN,TC còn mỏng, năng lực trình độ của một số cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC còn hạn chế. Vì vậy, số lượng các vụ việc khiếu nại vượt cấp, không đúng thẩm quyền vẫn còn nhiều( trong năm 2015 Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã nhận được 32 đơn khiếu nại và 03 đơn có nội dung tố cáo đơn nhưng chỉ có 09 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết còn lại 23 đơn khiếu nại và 03 đơn tố cáo đều chuyển các cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền; trong quý I năm 2016 Cục đã tiếp nhận 13 đơn có nội dung khiếu nại trong đó có 07 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết.); Một số Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự mặc dù đã được giải quyết đúng quy định pháp luật nhưng người khiếu nại vẫn tiếp tục khiếu nại lần hai.
Để khắc phục hạn chế và nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp dân tại các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là: Cần phải quan tâm, kiện toàn và nâng cao chất lượng của bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ trưởng đơn vị trong việc tổ chức tiếp công dân, cập nhật theo dõi tình hình giải quyết, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đội ngũ cán bộ chuyên trách phải có trình độ chuyên môn về pháp luật. Muốn vậy cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ làm công tác tiếp dân, chú ý kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyển dụng, bố trí cán bộ với quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời cần đảm bảo thực hiện tốt chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm công tác tiếp dân theo quy định.
Hai là: Việc bố trí địa điểm tiếp công dân tại đơn vị cần thực hiện đúng quy định; Việc tổ chức tiếp công dân tại Phòng tiếp công dân cần đúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề cần giải quyết góp phần rút ngắn thời gian giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ba là: Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cần đảm bảo kịp thời, đúng luật định, xác định rõ thẩm quyền trong việc giải quyết và tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu nên tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết. Đồng thời, kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các trường hợp cố tình khiếu nại kéo dài.
Đối với những vụ việc phức tạp, Thủ trưởng đơn vị cần chủ trì tổ chức họp với cơ quan chuyên môn và các ngành liên quan để cùng thống nhất hướng giải quyết.
Bốn là: Nâng cao trách nhiệm của cán bộ tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phải xem những bức xúc của công dân như của chính mình. Đồng thời, phải trang bị khả năng hiểu biết về pháp luật, khả năng vận động, thuyết phục khi nhận thấy nội dung khiếu nại, tố cáo là không có cở sở để yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện, tránh khiếu nại, tố cáo kéo dài.
 
  Năm là:  Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và tăng cường đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị đối với công tác tiếp dân. Đối với các vụ việc phức tạp, khiếu nại kéo dài, các cơ quan đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn không đồng ý thì nghiên cứu tổ chức họp liên ngành để xem xét lại toàn bộ quá trình giải quyết từ đó thống nhất phương án giải quyết tạo sự đồng thuận trong toàn bộ hệ thống chính trị nói chung và các cơ quan thi hành án dân sự nói riêng.
Nguyễn Minh Thùy- Phó trưởng phòng KT & GQKN,TC

Các tin đã đưa ngày: