Công nghệ thông tin mang lại hiệu quả cao trong hoạt động ngành Tư pháp
15/03/2016
Chiều 15/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chủ trì Hội nghị Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tư pháp. Đánh giá chung cho thấy ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ, công tác chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức trong ngành, khai thác, sử dụng của cá nhân và tổ chức.
Báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (CNTT) – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cho biết, việc triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch ứng dụng CNTT trong ngành Tư pháp giai đoạn 2011 – 2015 và Kế hoạch hàng năm đều đạt được các mục tiêu cơ bản đã đề ra. Có thể nói, các hạng mục công việc đã hoàn thành tạo những chuyển biến tích cực, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành. Một số ứng dụng CNTT đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tạo ra cách làm mới, hiện đại và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT giai đoạn vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành chưa kịp thời trên Cổng thông tin điện tử; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ở lĩnh vực quản lý luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản và trợ giúp pháp lý chưa được thực hiện… Vì vậy, trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Tư pháp đặt mục tiêu hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật CNTT truyền thông; đẩy mạnh, triển khai cung cấp các thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4… Khiêm tốn chia sẻ về những kết quả đạt được, Cục trưởng Cục CNTT Nguyễn Tiến Dũng cũng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo thẳng thắn đề cập đến những vấn đề cần rút kinh nghiệm để tăng cường ứng dụng CNTT trong thời gian tới.
Tán thành báo cáo của Cục CNTT, các thành viên Ban chỉ đạo đã phân tích cụ thể hơn các kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị. Chẳng hạn như cần triển khai hệ thống giao ban trực tuyến với 63 địa phương; có trang thành phần về xây dựng pháp luật; thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh trực tuyến tại 1 – 2 cơ quan đại diện tại nước ngoài; tranh thủ vốn ODA để nâng cấp hạ tầng kỹ thuật...
Đặc biệt nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ngành Tư pháp phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, các ý kiến đồng tình việc ứng dụng CNTT là rất cần thiết, từ đó cần chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Cục CNTT cũng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị rà soát các dịch vụ công do đơn vị giúp Bộ quản lý có thể nâng được lên mức độ 3 và 4; các TTHC do đơn vị trực tiếp thực hiện để phối hợp với Cục CNTT triển khai cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tư pháp.
Nhấn mạnh vai trò của ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ, ngành, Bộ trưởng Hà Hùng Cường yêu cầu các đơn vị phải có ý thức cao hơn nữa, khắc phục triệt để những hạn chế xuất phát từ nguyên nhân chủ quan bởi năm 2016 là “Năm ứng dụng CNTT”. Lắng nghe phát biểu của các thành viên Ban chỉ đạo, Bộ trưởng cho rằng còn nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết, đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ trên tinh thần hợp tác xây dựng. Đối với Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch một cách tổng thể, bài bản, đảm bảo có đầu ra, phân kỳ chính xác, nội dung công việc, trách nhiệm của các đơn vị rõ ràng. “Hoạt động của ngành Tư pháp rất rộng, đặt ra bài toán khó cho ứng dụng CNTT, nhưng cần có mẫu số chung cho vài lĩnh vực lớn như văn bản quy phạm pháp luật, thi hành án dân sự”.
Thục Quyên