Việc tham mưu Ủy ban nhân dân trong công tác thi hành án hành chính của cơ quan THADS (khi được phân công) và một số vấn đề lưu ý trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thi hành án hành chính

21/08/2023


Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trên phạm vi cả nước và Tổng cục THADS là cơ quan tham mưu Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện công tác này[1]. Ở địa phương, tại Điều 34 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp trong thi hành án hành chính, căn cứ thực tiễn ở địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho một cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân trong thi hành án hành chính.
1. Quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân và cơ quan tham mưu Ủy ban nhân dân trong thi hành án hành chính
a. Quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân trong thi hành án hành chính
Theo quy định của pháp luật, ở Trung ương, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành án hành chính được quy định tại Điều 313 Luật tố tụng hành chính năm 2015, theo đó: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước…Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính…”. Ở địa phương, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, trong đó tại Điều 34 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp trong thi hành án hành chính.
Ngoài ra, tại Điều 7, Điều 8 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu Ủy ban nhân dân là người phải thi hành án và cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án.
b. Quy định cơ quan tham mưu Ủy ban nhân dân trong thi hành án hành chính
          Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về cơ quan giúp việc cho Ủy ban nhân dân các cấp về quản lý công tác thi hành án hành chính. Vì vậy, trên thực tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giao cho cơ quan chuyên môn để giúp mình thực hiện nhưng không thống nhất ở các địa phương (có địa phương giao cho Cục THADS, có địa phương giao cho Sở Tư pháp, có địa phương giao cho Văn phòng Ủy ban nhân dân...).
Trước đây, liên quan đến nội dung này, nhằm giúp Bộ Tư pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước Bộ Tư pháp cũng đã có Công văn số 1021/BTP-TCTHADS ngày 10/4/2014, trong đó, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất giao Cục THADS làm đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân trong công tác quản lý thi hành án hành chính theo Luật tố tụng hành chính năm 2010 và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai công tác thi hành án hành chính.
Thời gian qua, đa số Ủy ban nhân dân các cấp giao nhiệm vụ này cho Cục THADS với lý do, theo quy định tại Chương IV Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, ngoài việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong thi hành án hành chính, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP cũng đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS trong thi hành án hành chính (Cục và Chi cục THADS), trong đó có nhiệm vụ theo dõi thi hành án hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. Vì vậy, việc giao cho Cục THADS sẽ thuận lợi cho việc tham mưu giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý thi hành án hành chính.
2. Một số vấn đề lưu ý trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân trong thi hành án hành chính
1.1. Tham mưu Ủy ban nhân dân chỉ đạo công tác thi hành án hành chính
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân nghiêm chỉnh thi hành án hành chính.
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nêu trên, cơ quan THADS cần tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quán triệt các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp dưới tổ chức thi hành nghiêm các quy định của pháp luật về thi hành án hành chính, các chỉ đạo của cấp trên về thi hành án hành chính thông qua các hình thức như ban hành văn bản chấn chỉnh, quán triệt, lồng ghép trong các Hội nghị, cuộc họp giao ban …; giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác thi hành án hành chính, quy định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thi hành án hành chính; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thi hành án hành chính, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, xử lý nghiêm các hành vi chậm, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Việc ban hành các văn bản quán triệt, chấn chỉnh cần được các cơ quan THADS tham mưu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thực hiện thường xuyên, liên tục và có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung văn bản cần xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của việc tổ chức thi hành án hành chính; địa phương, đơn vị nào đã làm tốt, địa phương, đơn vị nào làm chưa tốt để kịp thời biểu dương, phê bình; xác định rõ những nội dung cần quán triệt, cần chấn chính khắc phục trong công tác thi hành án hành chính; thời gian tới phải thực hiện những nội dung nào, thứ tự ưu tiên và thời hạn hoàn thành (nếu có) đối với các vụ việc có thể xác định được thời hạn và không có khó khăn, vướng mắc; đối với các vụ việc có khó khăn, vướng mắc thì cần có hướng chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết; trường hợp có hành vi chậm thi hành án, thi hành không đầy đủ thì sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, để công tác thi hành án hành chính có sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở địa phương, cơ quan THADS cần tham mưu Uỷ ban nhân dân báo cáo, trình Ban thường vụ xem xét, ban hành chỉ thị về việc thi hành án hành chính, bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực của công tác thi hành án hành chính.
1.2. Tham mưu Ủy ban nhân dân chỉ đạo tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đối với các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương
Theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc thi hành án hành chính đối với các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương.
Theo đó, trong trường hợp này, cơ quan THADS cần xác định được vụ việc thi hành án hành chính nào là vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương. Theo đó, vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương là các vụ việc: (i) Liên quan đến nhiều người chẳng hạn như việc Tòa án tuyên hủy quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của hàng trăm hộ dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án mở đường giao thông, dự án xây dựng khu dân cư. Khi Ủy ban nhân dân tỉnh lập lại phương án bồi thường theo phán quyết của Tòa án sẽ tác động đến số hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng không khiếu kiện. Sau khi thi hành án, rất có thể các hộ dân này sẽ quay lại khiếu kiện, yêu cầu được bồi thường theo phương án mới; (ii) Liên quan đến các dự án quan trọng về an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội tại địa phương: Thi hành các bản án hành chính liên quan đến các dự án về an ninh, quốc phòng, mở đường giao thông, cấp thoát nước, môi trường; (iii) Có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương là các vụ việc nếu tổ chức thi hành án sẽ dẫn đến xung đột giữa các nhóm người có lợi ích đối lập, gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự như: Thi hành các bản án hành chính về giải quyết tranh chấp đất đai, cưỡng chế thu hồi nhà, đất, người được thi hành án bức xúc, chống người thi hành công vụ; (iv) Khi thi hành án ảnh hưởng lớn đến nguồn lực của Nhà nước: (v) Vụ việc nếu tổ chức thi hành án, Nhà nước phải xuất ra số tiền rất lớn, vượt quá khả năng của địa phương như lập lại phương án bồi thường về đất, trả lại đất khi thu hồi sai; (vi) Được dư luận xã hội quan tâm: Vụ việc được báo chí, quần chúng nhân dân quan tâm, có nhiều ý kiến, đơn phản ánh, kiến nghị yêu cầu thi hành bản án.
Đối với các vụ việc thi hành án hành chính này cần thiết phải có sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, do đó, sau khi xác định được vụ việc thi hành án hành chính nào là vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương, cơ quan THADS cần chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo tổ chức thi hành án. Trường hợp cần thiết thì tham mưu thành lập Tổ công tác với sự tham gia các cơ quan có liên quan để tổng hợp, rà soát, đánh giá, lập kế hoạch, lên phương án để tham mưu giải quyết dứt điểm đối với từng vụ việc cụ thể. Trường hợp vẫn còn phát sinh khó khăn, vướng mắc thì kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo cấp có thẩm quyền  để được xem xét, hướng dẫn, giiar quyết, bảo đảm việc thi hành án được đúng, đầy đủ và kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
1.3. Tham mưu Ủy ban nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án
Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án.
Xuất phát từ đặc thù của việc thi hành án hành chính là cơ chế “tự thi hành án” mà không thông qua một chủ thể thứ ba tổ chức thi hành án độc lập. Do đó, cơ quan THADS có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân chấp hành đúng, đầy đủ và kịp thời bản án, quyết định của Tòa án. Việc xác định như thế nào là thi hành kịp thời bản án, cơ quan THADS cần căn cứ vào Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và pháp luật quản lý nhà nước chuyên ngành đối với lĩnh vực bị khởi kiện để chủ động tổ chức thi hành án, tránh trường hợp lấy lý do đang xin, đợi ý kiến các cơ quan liên quan hoặc đang đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm… để kéo dài việc thi hành án không đúng quy định của pháp luật. Việc xác định như thế nào là thi hành đúng và đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan THADS cần căn cứ vào phần nhận định và phần phán quyết trong bản án của Tòa án về nghĩa vụ của người phải thi hành án, tránh trường hợp thi hành án hành chính nhưng thi hành không đúng bản chất của vụ việc, lý do Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Ví dụ: Tại phần nhận định của Bản án số 75/2022/HC-PT ngày 20/01/2022 của TAND cấp cao tại TP HCM, Tòa án cho rằng việc Ủy ban nhân dân tỉnh A không bồi thường các tài sản gắn liền với đất là không đúng quy định tại Điều 88, 89 và 92 Luật Đất đai, trong đó quy định: Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường. Do đó, Tòa án đã tuyên buộc Ủy ban nhân dân tỉnh A phê duyệt bổ sung phương án bồi thường theo quy định của pháp luật đất đai. Tuy nhiên, tại Quyết định số 9683/QĐ-UBND ngày 26/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh A phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, Ủy ban nhân dân tỉnh A chỉ bồi thường 07 danh mục tài sản, 07 danh mục tài sản còn lại của ông Đông không được bồi thường với lý do không có trong danh mục bồi thường, hỗ trợ là không đúng các quy định tại Điều 88, 89 và 92 Luật Đất đai mà Tòa án đã viện dẫn. Do đó, trong trường hợp này, Cục THADS phải tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh A thi hành đầy đủ nội dung bản án. Trong trường hợp người phải thi hành khẳng định đã thi hành đầy đủ nội dung bản án thì người phải thi hành án phải có văn bản thông báo cho Tòa án, Viện kiểm sát và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận biết kết quả thi hành án và chịu trách nhiệm về nghĩa vụ tổ chức thi hành Bản án theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở kết quả thi hành án hành chính, cơ quan THADS có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân thông báo kết quả thi hành án cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp và cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm. Đồng thời, khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, các tài liệu có liên quan về quá trình và kết quả thi hành án, cơ quan THADS có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cung cấp theo quy định. Thời gian quan, một số địa phương thực hiện chưa nghiêm nội dung này dẫn đến việc khó khăn trong việc tổng hợp số liệu về tình hình và kết quả thi hành án hành chính. Việc cung cấp đầy đủ và kịp thời kết quả thi hành án hành chính sẽ giúp cho cấp có thẩm quyền đánh giá đúng tình hình và kết quả thi hành án hành chính ở mỗi địa phương để trên cơ sở đó có biện pháp chỉ đạo, giải quyết phù hợp. Do đó, thời gian tới, các cơ quan THADS cần tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nội dung này.
1.4. Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiểm tra, đôn đốc, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý
Do đặc thù của THAHC là cơ chế “tự thi hành”, không có cơ quan thứ ba “cưỡng chế” thi hành án. Người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có vai trò quan trọng trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, nhất là khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án. Do đó, khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính đối với UBND, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, cơ quan THADS có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có văn bản chỉ đạo, đôn đốc người phải thi hành án nghiêm chỉnh thi hành bản án quyết định của Tòa án.
Căn cứ nội dung bản án của Tòa án, nghĩa vụ thi hành án, nếu nhận thấy việc thi hành án sẽ phát sinh tình huống phức tạp, vướng mắc, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự của địa phương thì cơ quan THADS tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân có biện pháp chỉ đạo tổ chức thi hành án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, ổn định tình hình, không để phát sinh tình huống phức tạp. Trường hợp người phải thi hành án báo cáo xin ý kiến chỉ đạo về những khó khăn, vướng mắc thì cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xem xét, kịp thời có ý kiến chỉ đạo giải quyết.
Trường hợp đã ban hành văn bản chỉ đạo người phải thi hành án nghiêm chỉnh thi hành bản án quyết định của Tòa án nhưng người phải thi hành án vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án thì cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản chỉ đạo và tổ chức việc xem xét, xử lý trách nhiệm hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án, nhất là người phải thi hành án đối với những bản án đã tồn đọng nhiều năm, Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Các hành vi vi phạm trong thi hành án hành chính bao gồm: chậm thi hành án; chấp hành nhưng không đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn tự nguyện quy định tại khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; sau khi đã có quyết định buộc THAHC mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án... Sau 07 năm triển khai thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, các cơ quan THADS đã có 465 văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc vi phạm nghĩa vụ thi hành án theo quy định. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào người phải thi hành án bị xem xét, xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ thi hành án mà một trong các nguyên nhân chủ quan là do người có thẩm quyền xử lý kỷ luật còn nể nang hoặc chưa chú trọng đến trách nhiệm thi hành án hành chính của địa phương, do đó chưa quyết liệt trong việc xử lý trách nhiệm. Vì vậy, thời gian tới, các Cục THADS cần phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm trách nhiệm của người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính.
1.5. Tham mưu Ủy ban nhân dân báo cáo về tình hình và kết quả thi hành án hành chính
Theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm: “Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp về tình hình, kết quả thi hành án hành chính của địa phương”. Ngày 15/7/2021, Bộ Tư pháp có Công văn số 2340/BTP-TCTHADS và ngày 30/6/2023, Bộ Tư pháp có Công văn số 2723/BTP-TCTHADS về việc đề nghị thống kê, báo cáo về công tác thi hành án hành chính đã hướng dẫn nội dung báo cáo, thời gian lấy số liệu và thời gian gửi báo cáo. Theo đó, thời gian lấy số liệu gồm 06 tháng (tính từ ngày 01/10 năm trước đến hết tháng 3 năm báo cáo), 10 tháng (tính từ ngày 01/10 năm trước đến hết tháng 7 năm báo cáo (để xây dựng Báo cáo của Chính phủ phục vụ công tác thẩm định, cho ý kiến của Ủy ban Tư pháp Quốc hội), 12 tháng (tính từ ngày 01/10 năm trước đến hết tháng 9 năm báo cáo); thời gian gửi báo cáo: Đối với báo cáo 06 tháng chậm nhất ngày 05/4 hàng năm, đối với báo cáo 10 tháng chậm nhất ngày 05/8 hàng năm, đối với báo cáo 12 tháng chậm nhất ngày 05/10 hàng năm.
Do đó, để chuẩn bị cho việc thống kê, báo cáo về công tác thi hành án hành chính có hiệu quả, cơ quan THADS trước hết cần tham mưu Ủy ban nhân dân có văn bản chung gửi các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp dưới có trách nhiệm thống kê, báo cáo về công tác thi hành án hành chính theo định kỳ 06 tháng, 10 tháng và hằng năm hoặc đột xuất và gửi kết quả về cơ quan THADS. Đồng thời, tại mỗi kỳ của báo cáo, cơ quan THADS chủ động hoặc tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân có văn bản đôn đốc, đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp dưới thống kê, báo cáo về công tác thi hành án hành chính, kịp thời gửi cơ quan THADS để tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Ủy ban nhân dân theo quy định. Trường hợp có sở, ban, ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp dưới chậm báo cáo hoặc số liệu chưa chính xác, thiếu thống nhất thì cơ quan THADS kịp thời đôn đốc, trao đổi, báo cáo cấp có thẩm quyền hướng xử lý. Đồng thời, quá trình tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thống kê tình hình và kết quả thi hành án hành chính, cơ quan THADS cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về số liệu thống kê kết thi hành án hành chính, rà soát, đối chiếu, bảo đảm chính xác và thống nhất về số liệu báo cáo giữa các cơ quan, phản ánh đúng thực trạng công tác thi hành án hành chính trên địa bàn. Khi dự thảo báo cáo được trình Ủy ban nhân dân xem xét, ký ban hành, cơ quan THADS cần chủ động đôn đốc, thường xuyên liên hệ, kịp thời hoàn thiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (nếu có), bảo đảm báo cáo được ban hành kịp thời, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu./.
Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục THADS.
 

[1] Điều 313 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.