Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án

25/12/2023


Thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động hiện thực hóa các bản án, quyết định về dân sự, hành chính đã có hiệu lực đi vào cuộc sống, gắn với hoạt động thực thi quyền lực công của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Hoạt động THADS có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đương sự (bao gồm cả người được và người phải thi hành án) và phần lớn liên quan đến yếu tố kinh tế (thi hành nghĩa vụ về tiền, tài sản). Do đó, việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước về THADS có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Theo đó, có một số vấn đề cần lưu ý liên quan trực tiếp đến hoạt động THADS, cụ thể như sau:
1. Một số khái niệm:
Hoạt động tố tụng, thi hành án gồm: Việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, việc phá sản; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại toà án; thi hành bản án, quyết định của toà án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, hành chính, dân sự, phá sản, xử lý vi phạm hành chính và thi hành án.
Hoạt động khác có liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án (hoạt động khác có liên quan) gồm: Giám định, định giá tài sản, đấu thầu, đấu giá; công chứng, chứng thực; phiên dịch, dịch thuật; bào chữa, trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; hoà giải, đối thoại tại toà án; thừa phát lại, phối hợp cưỡng chế thi hành án, xét đặc xá; tương trợ tư pháp và hợp tác quốc tế khác; giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác.
Quyền lực trong hoạt động tố tụng, thi hành án là thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tố tụng, thi hành án là hành vi của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm trái công vụ (làm không đúng nhiệm vụ, công vụ được giao) trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan.
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tố tụng, thi hành án là hành vi của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác đã sử dụng chức vụ, quyền hạn để làm những việc vượt quá phạm vi chức vụ, quyền hạn được giao.
Lạm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án là hành vi của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn được giao, làm trái công vụ trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan.
Tham nhũng trong hoạt động tố tụng, thi hành án là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền vì vụ lợi.
Tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án là hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ, các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, thực hiện không đúng chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án là việc sử dụng các cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nguyên tắc, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Người có quan hệ gia đình bao gồm vợ (chồng); bố, mẹ đẻ, bố, mẹ nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng; bố, mẹ đẻ, bố, mẹ nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng của vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng).
Người thân thích bao gồm người có quan hệ gia đình; ông, bà nội, ông, bà ngoại; cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.
2. Những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án
Theo Quy định số 132, có 28 hành vi được xác định là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án bao gồm một số hành vi, cụ thể như:
Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nhiệm vụ, công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; Bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Can thiệp, cản trở, tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng và các cơ quan chức năng, hoạt động giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới che giấu, không báo cáo, báo cáo sai sự thật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến sai lệch kết quả thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Cố ý không tiếp nhận, giải quyết hoặc tiếp nhận, giải quyết không đúng quy định của pháp luật đối với việc khởi kiện giải quyết vụ án hành chính, vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự, việc phá sản, thi hành án; Che giấu, làm sai lệch, sót, lọt hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, tiêu huỷ chứng cứ, vật chứng trái pháp luật.
Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, miễn, giảm trách nhiệm dân sự, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án trái pháp luật.
Trì hoãn hoặc kéo dài thời gian định giá tài sản không đúng quy định của pháp luật; cố ý né tránh, kéo dài thời gian cung cấp tài liệu theo yêu cầu định giá hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật; kết luận định giá tài sản không đúng sự thật hoặc từ chối kết luận định giá tài sản trái pháp luật.
Lợi dụng quyền yêu cầu định giá tài sản, quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu, quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, quyền yêu cầu giải thích bản án để kéo dài quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, thi hành án vì vụ lợi.
Cố ý thi hành án trái nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc không ra quyết định thi hành án, trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án trái pháp luật; quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp khẩn cấp tạm thời, cưỡng chế thi hành án, câu kết, thông đồng với đơn vị thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để hạn chế người mua, dìm giá, hạ giá tài sản thi hành án trái pháp luật.
Cố ý vi phạm các quy định về niêm phong, mở niêm phong, kê biên tài sản, phong toả tài khoản, về thu giữ, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ, tài sản thi hành án.
Cản trở trái pháp luật hoạt động của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của người được thi hành án, đương sự, người chấp hành án, người phải thi hành án theo quy định của pháp luật.
Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người chấp hành án, người phải thi hành án, bị hại, người được thi hành án, đương sự hoặc người thân thích của họ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; Lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác; chỉ đạo hoặc cung cấp, tiết lộ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án, vụ việc trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền để chiếm đoạt tài sản; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn hoặc giả mạo trong công tác để trục lợi trong hoạt động thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền để áp đặt, hợp thức hoá các hành vi, quyết định trái pháp luật của mình hoặc để giải quyết việc cá nhân mình trong hoạt động thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Nhận quà (lợi ích vật chất, phi vật chất) dưới mọi hình thức để làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tặng quà (trực tiếp hoặc gián tiếp dưới mọi hình thức) để tác động, gây ảnh hưởng đến người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan làm sai lệch kết quả giải quyết nguồn tin về thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Cố ý để người có quan hệ gia đình và người thân thích khác lợi dụng vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi hoặc tham gia bào chữa, tư vấn pháp lý trong vụ án, vụ việc mà mình chỉ đạo giải quyết hoặc trực tiếp giải quyết.
Cố ý không giải quyết, không thực hiện hoặc giải quyết, thực hiện không đúng quy định hoặc cản trở việc giải quyết đối với các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu trong hoạt động thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; Tiết lộ thông tin, đe doạ, trả thù, trù dập người kiến nghị, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án và các hoạt động khác có liên quan thuộc phạm vi được giao quản lý, phụ trách.
Đe doạ, trả thù, trù dập, mua chuộc người tố giác tội phạm, người tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực liên quan đến bản thân mình hoặc người có quan hệ gia đình trong quá trình giải quyết việc thi hành án.
Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng trái pháp luật các thông tin, tài liệu thu thập được từ các biện pháp nghiệp vụ.
Các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực khác trong hoạt động thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Quy định về việc xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyềntham nhũng, tiêu cực
Theo quy định số 132 thì tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cụ thể:
Những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực chưa có quy định xử lý thì căn cứ vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và quy định của các tổ chức đoàn thể để xử lý cho phù hợp.
Trường hợp đã xử lý kỷ luật, nhưng xét thấy cần thiết thì cấp có thẩm quyền phải kiên quyết điều chuyển người vi phạm khỏi vị trí công tác đang đảm nhiệm, thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, không bố trí công tác liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; thu hồi, không bổ nhiệm lại các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và các chức danh, chức vụ trong các cơ quan, tổ chức có hoạt động khác có liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án.
Trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm giữ lại để xử lý nội bộ.
Bên cạnh đó, Quy định số 132 cũng quy định rõ việc xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực, cụ thể:
- Đối với tổ chức: Cấp uỷ, tổ chức đảng để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo thì xử lý theo quy định của Đảng.
- Đối với lãnh đạo cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị: Người đứng đầu, thành viên cấp uỷ, tổ chức đảng, thành viên tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, phạm vi công việc mình được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách thì xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trong đó, tình tiết xem xét tăng trách nhiệm, đó là trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực mà không áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hoặc không kịp thời báo cáo theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, Quy định 132 cũng quy định nhưng trường hợp được xem xét loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm, cụ thể: Được xem xét loại trừ trách nhiệm trong trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; được xem xét miễn, giảm trách nhiệm trong trường hợp chủ động phát hiện và đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực; hoặc trong trường hợp có căn cứ chứng minh bản thân không đồng ý với nghị quyết, quyết định, kết luận, mệnh lệnh trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước của tập thể, hoặc của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị; được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin thôi giữ chức vụ, từ chức, xin nghỉ công tác trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hoàng Thu Thủy - Vụ NV1