Xem lại việc đặc xá ông Liên Khui Thìn và vai trò của việc thực hiện nghĩa vụ dân sự trong công tác đặc xá

28/09/2011
Vừa qua, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thi hành án phần dân sự vụ Epco – Minh Phụng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 09/09/2011. Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến về các góc độ khác nhau của việc thi hành án phần dân sự đối với vụ án kinh điển này, trong đó có ý kiến cho rằng ông Liên Khui Thìn được đặc xá là không xứng đáng với tội trạng đã gây ra và không phù hợp (1) vì còn chưa bồi thường thiệt hại số tiền lên đến 481 tỉ đồng (2). Bên cạnh đó, qua tổng kết Báo cáo kết quả thi hành án dân sự phục vụ công tác đặc xá năm 2011 của các địa phương cho thấy, việc thực hiện nghĩa vụ dân sự trong vụ án hình sự hiện chưa được xem là một yếu tố quan trọng khi lập danh sách đề nghị đặc xá. Từ những vấn đề nêu trên, bài viết sẽ xem lại việc đặc xá Liên Khui Thìn và vai trò của việc thực hiện nghĩa vụ dân sự trong vụ án hình sự đối với công tác đặc xá.


1. Quy định của pháp luật về các điều kiện để xét đặc xá

Để điều chỉnh công tác đặc xá, hiện nay chúng ta đã có Luật Đặc xá năm 2007, Nghị định số 76/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/07/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đặc xá. Ngoài ra, mỗi đợt đặc xá của từng năm đều có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và trên cơ sở đó, Hội đồng tư vấn đặc xá trung ương đưa ra hướng dẫn cụ thể.

Điều 10 Luật Đặc xá 2007 quy định về điều kiện được đề nghị đặc xá, theo đó, người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá phải là đối tượng có quá trình cải tạo tốt; đã chấp hành hình phạt tù trong một khoảng thời gian nhất định; và chấp hành xong một số nghĩa vụ nếu phạm tội về tham nhũng hoặc một số tội khác (do Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá). Ngoài ra, điều này cũng quy định những trường hợp được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù ngắn hơn theo quy định vì những lý do đặc biệt. Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy, pháp luật hiện hành chủ yếu quan tâm đến quá trình cải tạo của phạm nhân trong khi chấp hành hình phạt tù và một số yếu tố khác để xem xét việc đặc xá cho họ, mà chưa có điều khoản nào quy định việc thi hành phần dân sự trong bản án hình sự là điều kiện để xét đặc xá.

Liên quan đến nghĩa vụ dân sự, khoản 3 Điều 13 Luật Đặc xá 2007 quy định: người được đặc xá có nghĩa vụ chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác sau khi được đặc xá. Để đảm bảo cho điều khoản này có tính ràng buộc cao hơn, Luật Đặc xá 2007 tiếp tục quy định người được đặc xá có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết (Điều 20 khoản 2 điểm b). Do đó, có thể hiểu, việc thi hành án phần dân sự trong bản án hình sự không bắt buộc người phải chấp hành án phạt tù thực hiện đầy đủ, toàn bộ trong thời gian thụ hình và trước khi được đặc xá (trừ tội tham nhũng), mà có thể được “gia hạn” thêm một thời gian sau khi được đặc xá.

2. Liên Khui Thìn được đặc xá khi chưa bồi thường thiệt hại đầy đủ cho các ngân hàng - đúng hay sai?

Trở lại việc Liên Khui Thìn được đặc xá nêu trên, ông Thìn được đặc xá vào dịp 2/9 năm 2009, sau 12 năm chấp hành án tù. Xem xét việc ông Thìn được đặc xá có đúng hay không theo Luật Đặc xá 2007 và Hướng dẫn  số 129/HĐTVĐX của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương năm 2009, chúng ta thấy:

Thứ nhất, ông Thìn đã có quá trình cải tạo tốt, góp nhiều công sức trong việc xây dựng môi trường trại giam; tích cực thi hành án dân sự (3) nên thỏa mãn cơ bản các điều kiện theo điểm a) khoản 1 Điều 10 Luật Đặc xá 2007;

Thứ hai, mặc dù mới thụ hình được 12 năm và chỉ mới 56 tuổi (khi được đặc xá) nhưng do ốm đau, phải liên tục điều trị (bị suy tim và cao huyết áp) (4) nên ông Thìn thuộc trường hợp giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù theo điểm c) khoản 2 Điều 10 Luật Đặc xá 2007 và điểm e) Mục II.2 Hướng dẫn số 129/HĐTVĐX (thời gian chấp hành hình phạt tù tối thiểu là 12 năm);

Thứ ba, do tội danh của Liên Khui Thìn là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên ông Thìn không thuộc trường hợp phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác theo điểm c) khoản 1 Điều 10 Luật Đặc xá 2007 và điểm c) Mục II.1 Hướng dẫn số 129/HĐTVĐX. Ông Thìn đã phải cam kết tiếp tục chấp hành hình phạt bổ sung là bồi thường dân sự 481 tỉ đồng còn lại.

Như vậy, từ những phân tích trên đây, có thể khẳng định rằng việc đặc xá Liên Khui Thìn vào đợt đặc xá 2/9 năm 2009 là hoàn toàn có cơ sở và không trái với các quy định của Luật, Quyết định của Chủ tịch nước cũng như hướng dẫn cụ thể của Hội đồng tư vấn đặc xá trung ương vào đợt đặc xá dịp 2/9 năm 2009. Phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho các Ngân hàng sẽ được “gia hạn” cho ông Thìn và được thực hiện sau khi ông được tại ngoại.

3. Hệ quả của việc chưa thi hành xong nghĩa vụ dân sự vẫn được đặc xá

Qua việc phân tích trường hợp Liên Khui Thìn, một ví dụ điển hình về việc được đặc xá, có thể khẳng định rằng việc thi hành nghĩa vụ dân sự không phải là yếu tố quan trọng để xem xét đặc xá. Điểm tích cực của quy định này là Đảng, Nhà nước ta đã rất khoan hồng, nhân đạo đối với người phạm tội. Được trở lại cuộc sống bình thường, những đối tượng được đặc xá sẽ không những có cơ hội sớm làm lại cuộc đời, mà còn có điều kiện lao động, làm việc, có thu nhập để thực hiện phần nghĩa vụ dân sự còn thiếu. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật được nhìn nhận từ Báo cáo kết quả thi hành án phục vụ công tác đặc xá năm 2011 của các cơ quan thi hành án dân sự lại cho thấy điểm tiêu cực như sau:

Một là, trong việc xét miễn, giảm hình phạt tù - một công tác làm cơ sở để xét đặc xá - đã có trường hợp thân nhân của người bị kết án thực hiện rất tốt phần trách nhiệm dân sự thì không được xét miễn, giảm hình phạt tù; ngược lại có nhiều trường hợp thân nhân người bị kết án không hợp tác, chống đối việc thi hành phần dân sự, lại được xét miễn hoặc giảm hình phạt tù, gây dự luận không tốt, ảnh hưởng lớn đến công tác thi hành án dân sự trong bản án hình sự (theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau);

Hai là, một số đối tượng được xét miễn giảm nhưng vẫn chưa chấp hành xong nghĩa vụ thi hành án dân sự, đến khi được hòa nhập thì chây ỳ không chấp hành; những trường hợp cam kết nộp dần sau khi được đặc xá về địa phương thì trốn tránh thực hiện nghĩa vụ (theo phản ánh của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đăk Nông, Yên Bái). Đó là chưa kể những trường hợp mà phần nghĩa vụ dân sự còn lại rất lớn, không có điều kiện thi hành toàn bộ, thì khó có thể đảm bảo các đối tượng được đặc xá nghiêm chỉnh chấp hành cam kết.

Để xảy ra tình trạng như trên, có hai nguyên nhân cơ bản. Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, các cơ quan Thi hành án dân sự không được Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam mời tham gia vào việc xét miễn giảm hình phạt tù cho phạm nhân. Trình tự lập danh sách người được đề nghị đặc xá theo Điều 7 Nghị định số 76/2008/NĐ-CP cũng không đề cập đến việc phải có sự tham gia của đại diện cơ quan Thi hành án dân sự. Do đó, khi xem xét từng trường hợp cụ thể, Hội đồng xét đề nghị đặc xá và các cơ quan hữu quan đã không tính đến việc phạm nhân có tích cực chấp  hành nghĩa vụ dân sự hay không. Mặt khác, từ phía các đối tượng được đặc xá, có rất nhiều vấn đề cần xem xét như ý thức chấp hành các cam kết khi được đặc xá, điều kiện sau khi tái hòa nhập cộng đồng và giá trị phần tài sản còn phải thi hành nhiều hay ít.

4.  Kiến nghị

Để đảm bảo chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta được áp dụng đúng người, đúng việc; cũng như hạn chế những mặt tiêu cực của “hậu đặc xá”, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:

- Bổ sung kết quả thi hành nghĩa vụ dân sự của người bị kết án tù vào những tiêu chuẩn, điều kiện để được hưởng chính sách đặc xá. Theo đó, cần xem xét thái độ và mức độ thi hành nghĩa vụ dân sự của đối tượng và thân nhân khi xét đặc xá. Để hỗ trợ cho quy định này, cơ quan Thi hành án dân sự cần làm tốt công tác rà soát, xác minh điều kiện tài sản của đối tượng phải thi hành án dân sự và thân nhân của họ, xem xét khả năng thực hiện cam kết thi hành án dân sự của phạm nhân sau khi được đặc xá.

Bên cạnh đó, cơ quan Thi hành án dân sự cần phối hợp chặt chẽ với trại giam, trại tạm giam trong công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách đặc xá của Nhà nước, gắn liền với việc thi hành nghĩa vụ dân sự. Đối với trường hợp người bị kết án tù không có điều kiện thi hành và gia đình cũng không có khả năng nộp thay nhưng đủ điều kiện xét miễn, giảm thi hành án thì lập thủ tục miễn, giảm thi hành án và chuyển giao hồ sơ cho Viện Kiểm sát, Tòa án cùng cấp xem xét miễn giảm để bảo đảm quyền lợi của người bị kết án phạt tù (Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm tốt công tác này);

- Hội đồng xét đề nghị đặc xá của các trại giam, trại tạm giam trước khi trình danh sách và hồ sơ lên cấp trên cần lấy ý kiến nhận xét và xác nhận kết quả thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh về đối tượng được đề nghị đặc xá;

- Thực hiện tốt Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; đảm bảo sự giám sát, hỗ trợ từ phía cộng đồng để đối tượng được đặc xá dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường và thực hiện tốt phần nghĩa vụ dân sự còn lại ./.

Nguyễn Thị Ngân

 Chú thích

(1) Bài học quản lý tài chính từ vụ Epco – Minh Phụng.

Nguồn: Trang thông tin Công tác Thi hành án dân sự - đăng ngày 12/09/2011

http://moj.gov.vn/ThiHanhAn/Lists/TinBoTuPhap/View_Detail.aspx?ItemID=196&CSRT=11070953988283139952

(2), (3), (4) Từng bị tuyên tử hình, Liên Khui Thìn được đặc xá

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2009/09/3ba130a3/ - ngày 02/09/2009.