Kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án đã chuyển quyền sở hữu kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm

15/11/2011
Điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của việc tổ chức thi hành án dân sự. Thực tiễn công tác thi hành án cho thấy phần lớn điều kiện thi hành án ở đây chính là tài sản của người phải thi hành án để đảm bảo việc thi hành nghĩa vụ trả tiền được quy định trong bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, các căn cứ pháp lý để xác định tài sản có thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hay không là đặc biệt quan trọng, các căn cứ này phải thỏa mãn các quy định của Bộ luật Dân sự về quyền sở hữu, sử dụng của một cá nhân hay tổ chức.


Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế xử lý tài sản chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ thể hiện tài sản đó là tài sản của người phải thi hành án, có thể họ đang trực tiếp quản lý sử dụng hay do người thứ ba quản lý sử dụng nhưng về mặt pháp lý tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án. Điều này giải thích tại sao khi xử lý tài sản của người phải thi hành án mà có tranh chấp hoặc tài sản thuộc sở hữu chung thì Chấp hành viên phải thông báo cho các bên liên quan biết quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết để xác định quyền sở hữu của các bên. Việc này giúp xác định lại một cách chính xác tài sản bị kê biên là của người phải thi hành án và tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của những người có liên quan. Quyết định của Tòa án là căn cứ pháp lý cao nhất trong trường hợp có tranh chấp giúp Chấp hành viên yên tâm hơn trong việc xử lý tài sản để thi hành án.

Tuy nhiên, hiện nay có một quy định mà việc áp dụng nó vào thực tế còn có những vướng mắc trong việc xác định chủ sở hữu tài sản. Do đó, việc tiến hành kê biên gặp nhiều trở ngại. Điều chúng tôi muốn bàn đến ở đây là quy định tại khoản 1, Điều 6, Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự:

Khoản 1 trên quy định như sau: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án”. 

Biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản được áp dụng khi người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ trả tiền và mặc dù người này có điều kiện thi hành (có tài sản) nhưng không tự nguyện thi hành. Để tiến hành kê biên tài sản, Chấp hành viên hoặc người được thi hành án phải tiến hành xác minh tài sản của người phải thi hành án và khi có căn cứ cho thấy người phải thi hành án có tài sản nhưng họ không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên mới tiến hành kê biên để thi hành án, vì theo quy định thì chỉ được kê biên tài sản thuộc sở hữu của người phải thi hành án.

Khi xác định quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 14, chúng ta có thể chia thành hai nhóm hành vi:

Nhóm thứ nhất gồm các hành vi: bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho của người phải thi hành án cho người khác kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm.

Nhóm thứ hai gồm các hành vi: thế chấp, bảo lãnh và cầm cố tài sản cho người khác kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm.

Nhóm thứ nhất là nhóm những hành vi nhằm chuyển quyền sở hữu tài sản sang cho người khác. Nhóm thứ hai là nhóm các hành vi chưa dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác, theo quy định của pháp luật thì người phải thi hành án vẫn đang là chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản đó. Cho nên, việc kê biên xử lý tài sản mà người phải thi hành án đã thực hiện các hành vi ở nhóm thứ hai được tiến hành theo các quy định hiện hành của pháp luật về thi hành án dân sự mà không có vướng mắc trong việc xác định chủ sở hữu tài sản. Vì vậy, việc xác định chủ sở hữu để tiến hành kê biên, xử lý tài sản chỉ phát sinh vướng mắc đối với nhóm thứ nhất gồm các hành vi bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho của người phải thi hành áncho người khác kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm.

Thực tế quyền sở hữu tài sản của một người có thể được chứng minh bằng văn bản (đối với bất động sản và một số động sản theo quy định của pháp luật) hoặc bằng việc thể hiện đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu trên thực tế (đối với động sản). Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 14 thì tài sản của người phải thi hành án đã chuyển quyền sở hữu sang cho người khác kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm vẫn bị kê biên để thi hành án. Trong khi hiện nay chưa có một căn cứ pháp lý nào cho thấy giao dịch dân sự của người có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án là giao dịch dân sự vô hiệu. Nghĩa là dù tài sản đã đứng tên người khác một cách hợp pháp vẫn bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Vì vậy, khi áp dụng quy định này vào giải quyết việc thi hành án đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc:

Thứ nhất: quy định trên không phân biệt việc chuyển quyền sở hữu là hợp pháp hay không hợp pháp mà chỉ căn cứ vào thời điểm thực hiện giao dịch kể từ khi có bản án, quyết định sơ thẩm. Do đó, nếu là một giao dịch hợp pháp, người phải thi hành án đã chuyển quyền sở hữu cho người khác thông qua một hợp đồng công chứng hoặc một hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật, thì tài sản đó không còn thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Như vậy, để kê biên được thì phải hủy bỏ giao dịch trên vì chúng ta không thể kê biên xử lý tài sản không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Có thể nói, hiện nay chúng ta chưa có một căn cứ pháp lý cụ thể nào để hủy bỏ giao dịch giữa người phải thi hành án với người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản được thực hiện kể từ khi có bản án, quyết định sơ thẩm. Vì như đã nêu trên hiện nay pháp luật chưa quy định việc có bản án, quyết định sơ thẩm là một căn cứ để hạn chế quyền tài sản đối với chủ sở hữu (người phải THA), trừ trường hợp tài sản đó là đối tượng tranh chấp trong vụ án hoặc đã bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc là đã bị cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Do vậy, mặc dù đã có bản án, quyết định sơ thẩm nhưng người phải thi hành án vẫn có thể chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác một cách hợp pháp nếu không thuộc các trường hợp nêu trên. Khi đó việc hủy bỏ các giao dịch này là rất khó khăn, nếu không có căn cứ rõ ràng cho thấy đây là giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo nhằm lẫn tránh nghĩa vụ với người thứ ba theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự.

Thứ hai: nếu Chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên xử lý tài sản theo quy định và hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thực tế, việc đương sự khởi kiện tại Tòa án là rất khó xảy ra, vì giữa người bán và người mua không có tranh chấp về tài sản. Hơn nữa, nếu giao dịch này nhằm lẫn tránh nghĩa vụ trả nợ thì người phải thi hành án sẽ cố tình không thừa nhận tài sản là của mình, còn người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản từ người phải thi hành án sẽ khiếu nại Cơ quan thi hành án đối với quyết định kê biên hoặc ngăn chặn (nếu có) của Chấp hành viên, vì Chấp hành viên đã kê biên tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của họ. Còn nếu khi hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án. Như vậy, khi tài sản được phát mãi bán đấu giá để thi hành án, thì việc chuyền quyền sở hữu cho người trúng đấu giá sẽ được thực hiện theo quy định nào, khi mà giao dịch giữa người phải thi hành án với người mua vẫn còn hiệu lực?

Thứ ba, việc quy định “không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án” có nghĩa rằng khi người phải thi hành án sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó không bị kê biên để thi hành án. Theo chúng tôi quy định này rất dễ bị đương sự lợi dụng để tẩu tán tài sản một cách “hợp pháp”. Vì họ có thể thỏa thuận với nhau để bán tài sản với một giá rất thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ, gây thiệt hại cho người được thi hành án và điều quan trọng hơn là nó làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Những vướng mắc trên không phải mới phát sinh khi có Thông tư 14, mà thực tế nó đã có từ trước đây. Bởi vì những quy định trên chính là sự kế thừa của Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT-BTP-VKSNDTC của Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ngày 26 tháng 2 năm 2001 hướng dẫn thực hiện một số quy định pháp luật về thi hành án dân sự (Thông tư 12). Cụ thể tại điểm a khoản 1 Mục IV Thông tư 12 quy định về kê biên tài sản như sau: “Đối với các trường hợp sau khi có bản án, quyết định của Toà án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, thì Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản đó và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ giao dịch đó. Người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện yêu cầu Toà án huỷ bỏ giao dịch đó”.

Tại sao một quy định còn có điểm bất cập hạn chế lại được kế thừa?

Theo chúng tôi quy định trên mặc dù hiện tại còn bất cập, tuy nhiên nếu khắc phục được những bất cập đó thì nó lại có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Một là, quy định trên có thể hạn chế rất nhiều việc tẩu tán tài sản để trốn tranh nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án. Đây là một hành vi đã trở nên tương đối phổ biến đối với những người phải thi hành án không có ý thức chấp hành pháp luật. Thông thường ngay từ khi bắt đầu vụ kiện họ đã tìm mọi cách để tẩu tán tài sản của mình như bán, chuyển nhượng, tặng, cho hoặc nhờ người khác đứng tên để trốn tránh nghĩa vụ mà họ có thể sẽ phải chịu khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, đến khi người được thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành thì họ không còn tài sản để đảm bảo việc thi hành án.

Thứ hai, quy định trên góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, buộc người phải thi hành án phải chấp hành bản án, quyết định của Tòa án nếu họ có tài sản, vì nếu họ có cố tình chuyển quyền sở hữu khi đã có bản án, quyết định sơ thẩm thì tài sản đó vẫn bị kê biên xử lý để đảm bảo nghĩa vụ trả tiền cho người được thi hành án. Còn đối với những người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản sẽ phải cảnh giác hơn trong các giao dịch của mình, họ phải tìm hiểu rõ đối tác trước khi thực hiện việc mua bán. Như vậy quy định trên còn có ý nghĩa làm lành mạnh hóa các giao dịch dân sự.

Như vậy, mục đích của quy định tài sản thực hiện việc chuyển quyền sở hữu kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm vẫn bị kê biên xử lý để thi hành án là một trong những quy định nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành bản án, quyết định trên thực tế, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Do vậy, theo chúng tôi sự tồn tại của quy định trên là cần thiết. Vấn đề còn lại là chúng ta phải làm sao tháo gỡ những hạn chế, bất cập hiện tại để quy định này mang lại ý nghĩa thực tiễn.

Những vướng mắc từ quy định trên, thực tế đã có nhiều người đề cập đến và cũng đã đưa ra một số giải pháp khác nhau:

Một số ý kiến cho rằng cần quy định thẩm quyền cho Chấp hành viên hoặc Tòa án hủy bỏ giao dịch của người phải thi hành án thực hiện kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm. Tuy nhiên, theo chúng tôi việc quy định thẩm quyền đó là điều không khả thi. Vì để hủy bỏ hay công nhận một giao dịch dân sự thì phải căn cứ vào Bộ luật dân sự và các luật có liên quan như Luật nhà ở, Luật đất đai, Luật công chứng …Theo quy định của pháp luật hiện nay, một giao dịch dân sự hợp pháp đã có hiệu lực thì không có căn cứ pháp lý để hủy bỏ nó trừ trường hợp có căn cứ cho thấy giao dịch đó thuộc một trong các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu. Cho nên, dù có quy định thẩm quyền hủy bỏ giao dịch đó cũng không thể giải quyết được vấn đề.

Một số khác lại cho rằng nên sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự theo hướng quy định Chấp hành viên hoặc người được thi hành án có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết, vì hiện nay mặc dù Luật thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn đã quy định Chấp hành viên, người được thi hành án có quyền yêu cầu, khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu trong khối tài sản chung hoặc tài sản có tranh chấp khi kê biên nhưng Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 chưa quy định rõ vấn đề này do đó hầu hết các Tòa án vẫn chưa thụ lý giải quyết. Rõ ràng quy định này là điều hết sức cần thiết để giải quyết các vướng mắc liên quan đến tranh chấp tài sản trong quá trình tổ chức thi hành án mà hiện nay rất nhiều cơ quan thi hành án dân sự gặp phải. Nhưng có phải khi có những sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự theo hướng trên thì những vướng mắc tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 14  sẽ được giải quyết hay không?

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật tố tụng dân sự đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 3 năm 2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012. Một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng, có ý nghĩa đối với công tác thi hành án dân sự đó là Luật đã sửa đổi một số quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong các vụ việc, vụ án về dân sự, theo đó thì một số tranh chấp, yêu cầu trong lĩnh vực thi hành án dân sự sẽ được Tòa án thụ lý giải quyết.

Cụ thể: Tại khoản 10, 11 Điều 25 quy định những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được sửa đổi, bổ sung như sau:

“10. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

11. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.”

Khoản 7 Điều 26 quy định những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được sửa đổi, bổ sung như sau:

“7. Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.

Như vậy, kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực thì việc khởi kiện, thì những yêu cầu và tranh chấp trên sẽ được Tòa án thụ lý giải quyết. Đây là một thông tin đáng mừng cho ngành thi hành án dân sự, vì việc Tòa án thụ lý giải quyết bằng một bản án, quyết định sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết dứt điểm những tranh chấp liên quan đến tài sản bị xử lý kê biên mà trong thực tế không phải ít và là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong việc tổ chức thi hành án nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

Tuy nhiên, những sửa đổi bổ sung của Bộ luật tố tụng dân sự có thể giải quyết được vấn đề mà Thông tư 14 đặt ra hay không? Chúng ta thử tìm hiểu qua việc giải quyết một ví dụ cụ thể sau:

Bản án dân sự sơ thẩm tuyên buộc vợ chồng ông D và bà T phải trả cho bà H số tiền 1,2 tỷ đồng. Sau khi có bản án sơ thẩm ông D kháng cáo vì cho rằng khoản nợ trên là nợ riêng của bà T chứ ông không có liên quan. Đơn kháng cáo của ông D được Tòa cấp phúc thẩm thụ lý giải quyết, chấp nhận kháng cáo của ông D sửa một phần bản án sơ thẩm buộc bà T phải trả cho bà H số tiền 1,2 tỷ đồng . Trong quá trình Tòa phúc thẩm giải quyết vụ việc thì vợ chồng ông D bà T bán căn nhà đang ở số X cho bà N bằng một hợp đồng công chứng. Sau khi có bản án phúc thẩm bà H làm đơn yêu cầu thi hành án đồng thời cung cấp thông tin cho biết bà T có căn nhà X hiện vợ chồng bà T đang ở. Cơ quan thi hành án đã thụ lý hồ sơ và ra quyết định thi hành án buộc bà T phải trả cho bà H số tiền 1,2 tỷ đồng. Qua xác minh cơ quan thi hành àn phát hiện bà N đang làm thủ tục đăng bộ tại Phòng tài nguyên môi trường, Vì thế Chấp hành viên đã ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với tài sản trên. Bà N đã làm đơn khiếu nại quyết định của Chấp hành viên vì cho rằng tài sản này đã thuộc sở hữu hợp pháp của bà.

Giả định rằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự đã có hiệu lực và chúng ta có thể áp dụng để phân tích, giải quyết vụ việc trên.

Trước hết căn cứ vào khoản 1 Điều 6 Thông tư 14 chúng ta thấy có đủ căn cứ để tiến hành kê biên tài sản của vợ chồng bà T, vì việc mua bán diễn ra sau khi có bản án sơ thẩm. Hơn nữa, bà N vẫn chưa hoàn tất thủ tục đăng bộ đối với quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Tuy nhiên, trước khi kê biên Chấp hành viên phải thông báo cho các bên biết quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp này có thể xảy ra một số tình huống sau: bà N sẽ yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng giữa bà và vợ chồng ông D bà T, còn bà H hoặc Chấp hành viên sẽ yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản hoặc yêu cầu tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu và yêu cầu xác định phần sở hữu, sử dụng của ông D và bà T trong khối tài sản chung để thi hành án vì đây là khoản nợ riêng của bà T. Căn cứ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự Tòa án sẽ thụ lý giải quyết khi có các yêu cầu này (hiện nay vẫn chưa có quy định, hướng dẫn về tư cách nguyên đơn của Chấp hành viên và người được thi hành án trong vụ án dân sự). Bây giờ vấn đề chúng ta quan tâm là Tòa án sẽ giải quyết những yêu cầu trên như thế nào?

Có ý kiến cho rằng việc giải quyết của Tòa án, thì cơ quan thi hành án không cần phải quan tâm, mà chỉ quan tâm tới việc sẽ có một bản án, quyết định đối với vụ việc mình đang giải quyết, là căn cứ để tiếp tục tổ chức việc thi hành án giải quyết dứt điểm việc thi hành án. Chúng tôi không phản đối ý kiến này. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi muốn bàn đến cách giải quyết vụ việc của Tòa án ở đây là để thấy được mối quan hệ giữa kết quả giải quyết của Tòa án với những quy định tại Thông tư 14 có ý nghĩa gì hay không.

Theo những yêu cầu như đã nêu, chúng ta dễ dàng nhận thấy vấn đề Tòa án cần giải quyết trong vụ việc trên chính là việc xác định giá trị pháp lý của hợp đồng công chứng giữa vợ chồng ông D và bà T với bà N. Như vậy Tòa án sẽ căn cứ vào Bộ luật dân sự, Luật công chứng, Luật nhà ở, Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn để giải quyết. Giả định rằng:

Về hình thức, nội dung của giao dịch phù hợp với quy định của pháp luật. Về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với căn nhà, căn cứ vào khoản 5 Điều 93 Luật nhà ở thì căn nhà trên đã thuộc quyền sở hữu của bà N kể từ khi ký hợp đồng công chứng. Đối với quyền sử dụng đất mặc dù chưa hoàn tất thủ tục đăng bộ, tuy nhiên theo quan điểm của đa số cho rằng thủ tục này chỉ là thủ tục đăng ký quyền sử dụng chứ không phải là căn cứ để xác định thời điểm chuyển giao quyền sử dụng. Hơn nữa, đây là Hợp đồng mua bán nhà ở, cho nên đối tượng chính của hợp đồng này là nhà ở do vậy Luật nhà ở sẽ được ưu tiên áp dụng (tại khoản 1 Điều 3 Luật nhà ở quy định: Trường hợp có sự khác nhau của Luật này với pháp luật có liên quan về sở hữu nhà ở, phát triển, quản lý việc sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở thì áp dụng quy định của Luật này). Từ những nhận định trên có thể thấy rất nhiều khả năng Tòa án sẽ công nhận hợp đồng công chứng giữa vợ chồng ông D và bà T với bà N, trừ trường hợp có căn cứ cho thấy giao dịch này là vô hiệu theo một trong các trường hợp quy định tại Chương VI Bộ luật dân sự.

Như đã phân tích thì yêu cầu, tranh chấp mà đương sự hoặc Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết trong trường hợp trên dẫn đến kết quả là Tòa án sẽ ra một bản án hoặc quyết định công nhận hoặc không công nhận đối với hợp đồng giữa vợ chồng ông D,bà T với bà N.

Nếu Tòa án tuyên công nhận hợp đồng này. Như vậy, đồng nghĩa với việc Chấp hành viên đã ra quyết định ngăn chặn và tiến hành việc kê biên tài sản là sai, còn việc khiếu nại của bà N sẽ phải được chấp nhận vì bà đã có trong tay hợp đồng công chứng và bản án của Tòa án công nhận quyền sở hữu, sử dụng của bà. Do đó, nếu bà N có thiệt hại xảy ra và yêu cầu bồi thường thì ai phải chịu? Trong khi Chấp hành viên thực hiện đúng theo hướng dẫn của Thông tư 14.

Trường hợp Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu. Với tình huống trên cùng với các quy định hiện hành của pháp luật có thể nói trường hợp này rất khó xảy ra và nếu có xảy ra thì hợp đồng trên phải rơi vào một trong các trường hợp giao dịch vô hiệu chứ Tòa án không thể căn cứ vào Thông tư 14 (về thời điểm giao dịch kể từ khi có bản án, quyết định sơ thẩm) để hủy bỏ hợp đồng công chứng giữa các bên.

Từ việc phân tích qua một ví dụ cụ thể trên để thấy rằng việc mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với các yêu cầu, tranh chấp trong lĩnh vực thi hành án dân sự của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự là một bước tiến quan trọng, khi có hiệu lực thi hành nó sẽ giúp cơ quan thi hành án giải quyết được rất nhiều những vụ việc mà hiện nay vẫn đang trong tình trạng giậm chân tại chỗ.

Tuy nhiên, theo chúng tôi việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án như trên vẫn không thể giải quyết hết được những vướng mắc phát sinh từ quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 14, ngược lại nó còn có thể đẩy Chấp hành viên, cơ quan thi hành án vào tình thế bất lợi như đã nêu trong tình huống Tòa án công nhận giá trị pháp lý của hợp đồng công chứng. Nhưng điều quan trọng hơn là ý nghĩa thực tiễn của quy định tại khoản 1 Điều 6 thông tư trên vẫn không đạt được.

Biện pháp nào để tháo gỡ vướng mắc và phát huy được ý nghĩa thực tiễn của quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 14

Như đã trình bày, việc mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với các yêu cầu, tranh chấp trong lĩnh vực thi hành án dân sự của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây chưa phải là điều kiện đủ để tháo gỡ vướng mắc mà chúng ta đang gặp phải. Vì vậy, theo chúng tôi để tháo gỡ vướng mắc và phát huy được ý nghĩa của quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 14. Trước hết chúng ta cần hiểu đúng tình thần và ý nghĩa của quy định này như đã trình bày ở phần trước. Đồng thời, qua phân tích các vướng mắc ở trên cho thấy vấn đề quan trọng nhất để giải quyết những vướng mắc đó là cần có một căn cứ pháp lý rõ ràng để hủy bỏ giao dịch (kể cả giao dịch hợp pháp và giao dịch không hợp pháp phát sinh từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm) giữa người phải thi hành án với người khác, nếu giao dịch đó không nhằm mục đích để thi hành án. Như vậy thì Chấp hành viên mới có cơ sở để tiến hành kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án.

Do đó, theo chúng tôi để giải quyết vấn đề trên, thì cần phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự theo hướng bổ sung thêm căn cứ “Giao dịch dân sự vô hiệu do người phải thi hành nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng chưa thi hành xong”

Điều luật có thể được quy định như sau:

Giao dịch dân sự của người phải thi hành nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng chưa thi hành xong, thực hiện kể từ khi có bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án mà không phải để thi hành phần nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên, thì trong thời hiệu yêu cầu thi hành án hoặc trong quá trình giải quyết việc thi hành án, chấp hành viên, người được thi hành án hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch đó vô hiệu.”

Điều luật này là căn cứ pháp lý để Tòa án hủy bỏ các giao dịch dân sự quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 14. Đồng thời cũng là cơ sở để Chấp hành viên tiến hành kê biên xử lý tài sản mà không gặp phải những vấn đề vướng mắc như hiện nay. Lúc này, việc giải quyết của Tòa án không phải trọng tâm là xem xét giá trị pháp lý của giao dịch nữa, mà chủ yếu là giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy giao dịch dân sự vô hiệu.

Về ý nghĩa thực tiễn, điều luật bổ sung này sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế việc tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án bằng các giao dịch dân sự và điều quan trọng là nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người được thi hành án.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy đây là một vấn đề tương đối phức tạp, vì bổ sung căn cứ trên sẽ ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định của Tòa án, mà chế định về quyền sở hữu lại có liên quan đến nhiều văn bản pháp luật khác nhau và nhiều cơ quan khác nhau. Vì thế, cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu để có thể sửa đổi bổ sung một cách đồng bộ thống nhất giữa các văn bản pháp luật thì mới đạt được hiệu quả như mong đợi.

Hồ Quân Chính