Định giá tài sản để thu phí thi hành án – Bất cập trong các quy định của pháp luật.

07/11/2012


Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2010/DSST, ngày 24/10/2010 của Tòa án nhân dân huyện H tuyên buộc bà Nguyễn Thị A có trách nhiệm chuyển giao cho ông Đỗ Văn B diện tích đất 80 m2 tại địa bàn thị trấn K, huyện H. Trong bản án đã xác định giá trị quyền sử dụng diện tích đất trên tại thời điểm giải quyết vụ việc là 800 triệu đồng để làm cơ sở tính án phí dân sự đối với bà Nguyễn Thị A.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Đỗ Văn B có đơn yêu cầu thi hành án. Trong quá trình chuẩn bị tổ chức chuyển giao quyền sử dụng đất cho ông Đỗ Văn B. Chấp hành viên xác định, tại thời điểm này, giá tại thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên là khoảng 1,2 tỷ đồng và tiến hành các thủ tục cần thiết để định giá. Đến đây, việc định giá có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 58 và khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP, ngày 22/9/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án đã quy định rất rõ ràng:

" 3. Nếu quyết định của Tòa án không tuyên giá trị tài sản hoặc có tuyên nhưng không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường tại thời điểm thu phí thì cơ quan thu phí tổ chức định giá tài sản để xác định phí thi hành án phải nộp của người được thi hành án. Chi phí định giá do cơ quan thi hành án chi trả từ nguồn phí thi hành án được để lại."

Theo quan điểm này thì cơ quan thu phí (Cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành vụ việc) mà cụ thể là Chấp hành viên đang tổ chức thi hành vụ việc có trách nhiệm tiến hành định giá tài sản để xác định phí thi hành án.

Về trình tự, thủ tục để xác định giá, Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại  khoản 2 Điều 15 Nghị định số 58 và hướng dẫn tại văn bản số 2970/TCTHA-NV1, ngày 12/10/2010 của Tổng Cục Thi hành án dân sự về việc hướng dẫn nghiệp vụ một số vấn đề về định giá tài sản trong thi hành án dân sự.

Có thể tóm lược lại là việc xác định giá của tài sản lúc này thuộc thẩm quyền của Chấp hành viên sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan Tài chính và cơ quan chuyên môn. Từ đó xác định giá trị của tài sản làm cơ sở thu phí thi hành án dân sự. Việc xác định giá tài sản để thu phí thi hành án không được áp dụng quy định về định giá tài sản kê biên để thi hành án tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự.

Quan điểm thứ hai, để thực hiện việc xác định giá tài sản làm cơ sở thu phí thi hành án trong trường hợp này, Chấp hành viên cần thực hiện theo trình tự chung quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể và đúng quy định là tiến hành việc ký Hợp đồng với tổ chức có chức năng thẩm định giá trên địa bàn nơi có tài sản định giá. Nếu trường hợp không ký được hợp đồng, khi đó Chấp hành viên mới thực hiện việc tự xác định giá theo trình tự, thủ tục đã nêu ở trên.

Trong thời gian vừa qua, đã có một số ý kiến trao đổi cho rằng khi xác định giá tài sản làm cơ sở để thu phí thi hành án phải thực hiện theo quan điểm thứ nhất, tức là Chấp hành viên chỉ cần tự xác định giá sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan Tài chính cùng cấp và các cơ quan chuyên môn cần thiết là đảm bảo, không cần phải ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá.

Thực trạng hiện nay, về vấn đề định giá tài sản để thu phí thi hành án, pháp luật chỉ dừng lại ở các quy định như trên mà không có thêm bất kỳ hướng dẫn nào, vì vậy việc áp dụng không có tính thống nhất. Có nơi áp dụng theo quan điểm thứ nhất, cũng có nơi thực hiện theo quan điểm thứ hai.

Trong phạm vi bài viết này, cá nhân tôi không đánh giá quan điểm nào là đúng hay sai mà chỉ phân tích những thuận lợi, bất cập trong quá trình thực hiện theo từng quan điểm để thấy rõ việc thực hiện theo quan điểm nào là hợp lý và giảm thiểu trình tự, thủ tục vốn đã rất rườm rà trong Thi hành án dân sự hiện nay. Cụ thể:

+ Thực hiện theo quan điểm thứ nhất, Chấp hành viên sau khi tham khảo ý kiến của phòng Tài chính huyện H, cơ quan Tài nguyên - môi trường và đại diện Ủy ban nhân dân thị trấn K sẽ đưa ra mức giá đối với quyền sử dụng đất 80 m2. Giả sử giá được xác định là 1 tỷ đồng. Khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 58, mức phí ông Đỗ Văn B phải nộp là 1 tỷ đồng x 3 % = 30 triệu đồng.

Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 33 và điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 144, Chấp hành viên đã thông báo bằng văn bản cho ông Đỗ Văn B nắm được số phí phải nộp. Đến ngày tổ chức giao tài sản cho ông B, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án đã ban hành quyết định thu phí đối với ông Đỗ Văn B theo nội dung đã thông báo trước đó, nhưng ông B không tự nguyện nộp. Chấp hành viên tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 144:

" 4. Nếu giao tài sản mà người được thi hành án chưa nộp phí thi hành án, cơ quan thu phí có thể kê biên, phong tỏa tài sản được thi hành án và ấn định thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày giao trả tài sản để người được thi hành án nộp phí thi hành án. Quá thời hạn trên, người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì cơ quan thu phí có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án, bao gồm cả việc bán đấu giá tài sản đã giao cho người được thi hành án để bảo đảm thu hồi tiền phí thi hành án. Chi phí định giá, bán đấu giá tài sản do người được thi hành án chi trả."

Hết thời gian 15 ngày được ấn định, ông B vẫn không tự nguyện nộp tiền phí thi hành án. Chấp hành viên đã thực hiện việc kê biên quyền sử dụng đất đã giao cho ông B để thu hồi tiền phí thi hành án. Cũng tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 144 quy định:

" ... Việc định giá, định giá lại tài sản và bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền phí thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án."

Như vậy, sau khi tiến hành kê biên, Chấp hành viên phải tiến hành các thủ tục định giá theo như trình tự áp dụng đối với việc định giá tài sản kê biên để thi hành án (được quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự). Cụ thể là tiến hành ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá. Trung tâm có chức năng thẩm định giá đã ban hành Chứng thư thẩm định giá, theo đó, diện tích đất 80 m2 được định giá là 900 triệu đồng.

Đến đây, có thể thấy cùng một tài sản (quyền sử dụng diện tích đất 80 m2) nhưng lại được xác định hai mức giá khác nhau, Chấp hành viên xác định là 1 tỷ đồng, tổ chức thẩm định giá lại xác định là 900 triệu đồng. Có nghĩa là, theo quy định của pháp luật, tài sản được đưa ra bán đấu giá với mức giá khởi điểm khác so với mức giá làm cơ sở xác định nghĩa vụ nộp phí thi hành án của ông Đỗ Văn B. Điều này rất dễ phát sinh khiếu nại từ phía đương sự (Do ông Đỗ Văn B sẽ phải chịu chi phí định giá để phục vụ việc bán đấu giá tài sản nhằm thu hồi tiền phí thi hành án)

+ Thực hiện theo quan điểm thứ hai, Chấp hành viên tiến hành ký Hợp đồng với tổ chức có chức năng thẩm định giá trên địa bàn tỉnh nơi có tài sản định giá để xác định giá trị tài sản làm cơ sở xác định mức phí ông Đỗ Văn B phải nộp. Chứng thư thẩm định giá có thể ghi rõ mục đích của việc định giá là " để làm cơ sở thu phí thi hành án và đưa ra bán đấu giá tài sản nếu người có nghĩa vụ nộp phí không tự nguyện thực hiện".

Thực hiện theo phương án này, không xảy ra tình trạng bất đồng về giá đối với cùng một tài sản như đã nêu ở trên. Đồng thời, khi đó, chi phí cho việc xác định giá cũng sẽ chỉ tính một lần và do cơ quan Thi hành án dân sự chi trả từ nguồn phí được để lại theo quy định của pháp luật. Điều này vừa giảm bớt thủ tục hành chính trong Thi hành án dân sự, vừa tránh được thiệt hại đối với ông Đỗ Văn B, từ đó hạn chế được khiếu nại phát sinh.

Xuất phát từ tình huống thực tiễn nêu trên, có thể thấy thực trạng các quy định của pháp luật về Thi hành án dân sự hiện nay còn rất hạn chế, mang tính chung chung. Điều này đang là một rào cản lớn đối với Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời cũng làm giảm chất lượng hoạt động Thi hành án dân sự hiện nay. Xin trao đổi cùng đồng chí, đồng nghiệp để có cách thực hiện thống nhất!

Lương Thanh Tùng

Chi cục THADS huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương