Công tác thi hành án dân sự còn nhiều vướng mắc, bất cập.

13/08/2013
Công tác thi hành án dân sự những năm gần đây đã được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội rất quan tâm, những khó khăn, vướng mắc, bất cập cũng đã nhận được sự chia sẻ của nhiều cấp ngành Trung ương và địa phương. Hệ thống văn bản nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong hoạt động thi hành án dân sự từng bước được hoàn thiện. Tuy vậy, thực tế công tác thi hành án dân sự vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập cần được phối hợp thực hiện tốt hơn, hệ thống văn bản phải sớm được hoàn thiện, chỉnh sửa để đáp ứng các yêu cầu thực tế công tác. Dưới đây là một số tồn tại, vướng mắc, bất cập trong hoạt động thi hành án dân sự:


Án tuyên khó thi hành

Hiện nay một số Tòa án địa phương đã có những phán quyết gây nhiều khó khăn cho các hoạt động của chấp hành viên. Đối với một số vụ án hình sự, phần tội danh Tòa án áp dụng đối với các bị cáo có trường hợp khung hình phạt cao nhất, tử hình, tuy nhiên về hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với nhiều tội danh khác nhau mặc dù không có việc điều tra, xác minh điều kiện về tài sản của các bị cáo xong Tòa có những phán quyết gây tranh cãi và khó thực hiện cho hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự như: “Ngoài hình phạt tù trong vòng một năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật bị cáo còn phải nộp một khoản tiền phạt nhất định”, quyết định của bản án cũng không nêu cụ thể về mặt định lượng, thời gian mỗi lần nộp bao nhiêu; cá biệt có bản án, quyết định của Tòa án còn tuyên bị cáo phải chịu phạt một khoản tiền sau khi chấp hành xong hình phạt chính là hình phạt tù.

Trong khi đó Theo quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 36 của Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì “ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án”. Đồng thời, Điều 39 thông báo về thi hành án cũng quy định:

 "1. Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.

2. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án".

Luật thi hành án dân sự lại quy định về thời gian tự nguyện của người phải thi hành án là 15 ngày: “ Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án”. Hết thời hạn tự nguyện thi hành án nếu người phải thi hành án có tài sản mà không tự nguyện thi hành án, chấp hành viên có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án để thực hiện nghĩa vụ dân sự. Như vậy, việc phán quyết của cơ quan Tòa án như đã nêu ở trên, đối chiếu với các quy định của Luật thi hành án dân sự, chấp hành viên không thể tổ chức thi hành án theo quy định của Luật này bởi: Người phải thi hành án cho rằng nghĩa vụ thi hành án dân sự đã được bản án xác định thời hạn “trong vòng một năm”, họ có thể thực hiện nghĩa vụ đó là ngày đầu tiên, hoặc ngày cuối cùng trong vòng một năm kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người phải thi hành án cũng có thể nộp một khoản tiền tùy ý khi chưa hết thời hạn một năm. Vì vậy, chấp hành viên không thể tổ chức thi hành án ngay theo quy định.

Đối với các loại án về ma túy: Tòa án ngoài hình phạt tù còn áp dụng hình phạt tiền đối với các bị cáo với số tiền từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng trong quá trình điều tra, xét xử các cơ quan này chưa điều tra, xác minh về tài sản hay nguồn thu nhập của các bị cáo, nên hình phạt tiền thường không phù hợp thực tế, thiếu tính khả thi gây khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án. Do vậy những phán quyết của Tòa án chỉ tồn tại trên giấy, thực tế không thể thi hành được. Trong lúc nhiều cơ quan chức năng đang tìm các biện pháp tháo gỡ các loại việc thi hành án tồn đọng không thể thi hành được, nhằm giảm áp lực về công việc và các chi phí tài chính đối với các cơ quan Thi hành án dân sự thì những phán quyết như trên vô hình chung đã đi ngược lại chủ trương này. Điều kiện để tiến hành xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với người phải thi hành án không có tài sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay, quy định rất chặt chẽ, chính vì thế hậu quả của các phán quyết này đối với cơ quan Thi hành án dân sự và cả xã hội kéo dài thậm trí hàng chục năm.

Đối với những bản án, quyết định của Tòa án tuyên khó hoặc không rõ cơ quan Thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu Tòa án giải thích, làm rõ, việc trả lời của Tòa còn chậm, thậm trí không được trả lời.

Đối với một số vụ án về hôn nhân và gia đình phần về phân chia tài sản, việc Tòa quyết định cho người này hoặc người kia được hưởng tài sản nếu trong quá trình xác định giá trị tài sản, không sát với giá thực tế cũng cản trở quá trình tác nghiệp của chấp hành viên, bởi nếu việc xác định giá trị tài sản thấp hơn giá thực tế các đương sự đều mong muốn được nhận tài sản, ngược lại giá trị tài sản xác định cao hơn giá thị trường các đương sự xu hướng muốn được nhận tiền chênh lệch tài sản vì thế chỉ một tính toán sai lầm của cơ quan xét xử cũng ảnh hưởng không tốt đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của chấp hành viên.

Đối với các loại tài sản của người phải thi hành án là tài sản chung, đặc biệt đối với các đồng bào dân tộc miền núi tài sản của hộ gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của người phải thi hành án gặp rất nhiều khó khăn, họ luôn tìm cách che dấu khối tài sản của mình nhằm trốn tránh các nghĩa vụ thi hành án. Do vậy khi chấp hành viên tổ chức thi hành những vụ việc này thường nhận được sự phản ứng quyết liệt từ các đồng sở hữu.

Về điều kiện, trình tự thủ tục, phối hợp liên ngành trong việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với người phải thi hành án hiện nay còn rườm rà, bất cập.

Điều kiện xét miễn, giảm đối với người phải thi hành án theo quy định tại Điều 26 Nghị định 58/2009 thì người phải thi hành nghĩa vụ đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đã thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành, nhưng giá trị không được thấp hơn mức án phí không có giá ngạch thì được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự. Như vậy đối với các trường hợp người phải thi hành án thuộc diện không rõ địa chỉ, để xác định địa chỉ cư trú của người phải thi hành án đã rất khó, điều kiện thu 1/20 không thể thực hiện được. Hiện tại cũng chưa có cơ chế để thực hiện việc miễn giảm đối các đối tượng này và các loại việc diện này hiện còn tồn khá phổ biến.

Điều kiện về thời gian để xét miễn theo quy định tại Điều 61 Luật thi hành án dân sự cũng tồn tại những bất cập. Theo quy định “10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 5.000.000 đồng” mới đủ điều kiện xét miễn. Rất nhiều việc thi hành án tiền thu nộp ngân sách chỉ từ 300.000 đến dưới 1000.000 đồng hiện tồn ở các cơ quan Thi hành án vẫn phải chờ hàng chục năm mới đủ điều kiện xét miễn. Các loại việc này chấp hành viên định kỳ vần phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, phần lớn các đối tượng này là đối tượng nghiện ma túy, không nghề nghiệp, không tài sản các chi phí cho hoạt động xác minh cũng ảnh hưởng tới nguồn ngân sách của Nhà nước và các hoạt động cần thiết khác của chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự.

Thủ tục xét miễn, giảm: Theo quy định của pháp Luật Thi hành án dân sự, các văn bản trong hồ sơ như: như biên bản xác minh, xác nhận của trại giam nơi phạm nhân thụ hình, xác nhận của chính quyền địa phương nơi người phải thi hành án cư trú, các cơ quan Viện Kiểm sát, Tòa án đều yêu cầu hồ sơ đề nghị phải là bản gốc, trong khi đó những văn bản này không phải văn bản của cơ quan Thi hành án dân sự ban hành, nên đã gây nhiều khó khăn cho chấp hành viên trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm.

Mặc dù các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương hàng tháng, hàng quý đã thường xuyên tổ chức các Hội nghị giao ban liên ngành giữa cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, Công an và Tòa án để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong các hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự. Tuy vậy, việc chỉ đạo thực hiện của các cơ quan tố tụng có lúc, có nơi chưa sát sao, kịp thời và những vướng mắc vẫn thường xuyên phát sinh hàng ngày, hàng giờ vì thế công tác thi hành án dân sự rất cần sự quan tâm phối hợp của các cơ quan liên ngành tố tụng, sự chia sẻ từ các ban ngành Trung ương và địa phương.

Trần Ngọc Bản

Cục thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên