Bàn về vấn đề ra quyết định thi hành án đối với khoản bồi thường cho Nhà nước

02/12/2013
Thực tế công tác thi hành án dân sự hiện nay, có nhiều Bản án, Quyết định của Tòa án tuyên đối với các bị cáo, ngoài hình phạt chính là hình phạt tù, bị cáo còn phải bồi thường cho Nhà nước một khoản tiền, tùy mức độ gây thiệt hại của từng trường hợp cụ thể. Đối với các địa bàn Miền núi, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số sống du canh, du cư, đốt nương làm dãy, dù vô tình hay hữu ý đã gây thiệt hại cho Nhà nước về tài nguyên rừng và phải bồi thường thiệt hại do mình gây nên đối với Nhà nước. Các trường hợp này, rất nhiều cơ quan Thi hành án dân sự gặp lúng túng trong việc ra Quyết định thi hành án, bởi vì không xác định rõ được các trường hợp này thuộc diện Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chủ động ra Quyết định hay ra Quyết định theo đơn yêu cầu.


Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, áp dụng tương tự như đối với các trường hợp thu cho ngân sách Nhà nước, quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật thi hành án dân sự để chủ động ra quyết định thi hành án.

Đối với các trường hợp này, ngay trong giai đoạn xét xử, đại diện bên bị hại là Nhà nước cũng không cử đại diện để yêu cầu bồi thường thiệt hại, mà Tòa án dựa trên thực tế thiệt hại sảy ra quyết định mức bồi thường đối với Nhà nước. Do vậy, đến giai đoạn thi hành án dân sự đại diện cho bên bị hại là Nhà nước sẽ không có cá nhân, tổ chức đứng ra để yêu cầu thi hành án vì thế Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải chủ động ra Quyết định thi hành án.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự không có căn cứ để chủ động ra Quyết định thi hành án, bởi Khoản 1 Điều 36 Luật thi hành án dân sự liệt kê các trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, không có khoản bồi thường:

Trở lại các quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 và Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 về vấn đề ra quyết định thi hành án, nhận thấy sự tiến bộ, hoàn thiện của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 so với Pháp lệnh thi hành án dân sự 1993, có nhiều điểm phù hợp với đặc trưng của quan hệ dân sự đó là bình đẳng, tự nguyện, thỏa thuận, Nhà nước không can thiệp sâu vào các quan hệ dân sự.

Theo quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh thi hành án dân sự 1993 thì đối với khoản bồi thường thiệt hại cho Nhà nước vẫn thuộc diện Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án: cụ thể “Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được bản sao bản án, quyết định chuyển giao của Tòa án, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án chủ động ra quyết định thi hành bản án, quyết định về trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa, tiền phạt, tịch thu tài sản và án phí; các quyết định khẩn cấp tạm thời để bảo đảm lợi ích cấp thiết của đương sự, bảo đảm cho việc xét xử và thi hành án”.

Tuy nhiên đến Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 và Luật thi hành án dân sự năm 2008 các khoản bồi thường cho Nhà nước đã không còn thuộc diện Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án như Pháp lệnh 1993. Theo quy định tại Điều 36 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì:

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây:

a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;

b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;

d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;

đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

2. Ngoài các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.

Như vậy không phải ngẫu nhiên từ Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, đến Luật thi hành án dân sự 2008 các nhà làm luật đã không quy định các khoản bồi thường cho Nhà nước vào diện Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, chủ động ra quyết định thi hành án. Mà đó thực sự là một bước tiến của các cơ quan lập pháp bởi: Nhà nước thực chất cũng là một chủ thể (mặc dù là chủ thể đặc biệt), khác với các quan hệ hình sự, hành chính, trong quan hệ dân sự mọi chủ thể đều bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và Nhà nước không phải là một ngoại lệ, Luật bồi thường nhà nước đã minh chứng điều này, ngay cả khi các cơ quan tổ chức của Nhà nước gây thiệt hại đối với cá nhân, các cơ quan, tổ chức khác cũng phải thực hiện việc bồi thường. Nhà nước (chủ thể đặc biệt) không can thiệp sâu vào các quan hệ dân sự, các quan hệ này thuộc đối tượng điều chỉnh của quan hệ Luật dân sự. Trở lại vấn đề bồi thường, bản chất của bồi thường là do bên gây thiệt hại đã làm tổn thất về vật chất hoặc tinh thần đối với bên bị hại, căn cứ vào thiệt hại thực tế sảy ra và các quy định của pháp luật, bên bị hại có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường cho mình để bù đắp những tổn thất do họ gây ra, không giống như các khoản tiền phạt, tịch thu, truy thu cũng là các khoản thu nộp ngân sách song các khoản thu này có ý nghĩa khác với khoản thu bồi thường Nhà nước. Tiền phạt mục đích chính để giáo dục, răn đe, tịch thu có thể là tiền, tang vật phương tiện phạm tội, truy thu là các khoản thu có thể do thu lời bất chính, phạm tội mà có, các khoản thu này mang nặng tính quyền lực Nhà nước, còn đối với khoản bồi thường mang đặc trưng của quan hệ dân sự, bên gây thiệt hại có thể thỏa thuận với bên bị hại về vấn đề bồi thường.

Đối với vấn đề bồi thường cho Nhà nước trong trường hợp đốt rừng, phá nương làm dãy gây nên như đã nêu ở trên. Quan điểm thứ hai cho rằng xuất phát từ nhận thức khái niệm về Nhà nước một cách chung chung, chưa cụ thể hóa được chủ thể đại diện cho Nhà nước trong trường hợp bị thiệt hại này là cơ quan, tổ chức nào tham gia quan hệ pháp luật, do vậy trong quá trình xét xử không có đại diện bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại vì thế đến giai đoạn thi hành án dân sự, chủ thể tham gia quan hệ thi hành án dân sự cũng không có đại diện yêu cầu thi hành án. Trong các trường hợp như vậy cơ quan Thi hành án dân sự phải yêu cầu Tòa án xác định rõ đại diện của chủ thể bị thiệt hại là cơ quan, cá nhân, tổ chức nào tham gia các quan hệ pháp luật, có như thế mới đảm bảo việc ra quyết định thi hành án đúng căn cứ pháp luật.

Trần Ngọc Bản

Cục THADS tỉnh Điện Biên