Một là: Về việc xác định trại giam của đương sự
Một trong những khó khăn lớn và thường xuyên gặp phải của cơ quan THADS khi thi hành án đối với phạm nhân là việc xác định trại giam của đương sự. Khi Chấp hành viên giải quyết việc thi hành án, ngoài các thông tin trong bản án và khai thác từ gia đình, chính quyền địa phương thì không có nguồn thông tin nào cho biết được địa chỉ trại giam của đương sự nếu như cơ quan THADS không nhận được thông báo của trại giam nơi phạm nhân thụ hình.
Mặc dù Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải THADS và trả tiền, giấy tờ cho người được THADS là phạm nhân (Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC) đã quy định giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự, công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm họ, tên, địa chỉ của phạm nhân là người phải THADS hoặc phạm nhân là người được thi hành án theo bản án hình sự, trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày tiếp nhận phạm nhân vào trại giam, tuy nhiên, việc thực hiện quy định trên ở một số nơi vẫn còn chưa nghiêm túc
Khi tổ chức thi hành án, Chấp hành viên thường phải tự tìm hiểu và xác định trại giam nơi người được thi hành án chấp hành hình phạt tù. Hành trình xác định trại giam của đương sự đôi khi rất gian nan, làm mất nhiều thời gian của chấp hành viên, giảm hiệu quả thi hành án.
Mặt khác, cách thông báo theo phương pháp truyền thống cũng chưa thật sự phát huy hiệu quả, chưa phù hợp với thời đại hiện nay, nhất là khi các ứng dụng về công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và phổ biến. Do đó cần quy định mở rộng hình thức thông báo theo các phương tiện khác nhau như điện thoại, thư điện tử, bản fax… Hoặc xây dựng một phần mềm cơ sở dữ liệu theo dõi phạm nhân liên thông giữa cơ quan THADS và Trại giam, để giảm bớt các thủ tục hành chính cũng như thuận lợi cho nhiều công tác phối hợp khác giữa hai cơ quan này.
Hai là: Về thủ tục trả lại tiền, tài sản, giấy tờ cho phạm nhân
Thủ tục trả lại tiền, tài sản, giấy tờ cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam được quy định cụ thể tại Điều 126, 129 Luật Luật THADS; Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật còn gặp một số khó khăn.
Khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC quy định, trường hợp phạm nhân là người được THADS có đơn đề nghị được nhận tiền, giấy tờ tại trại giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện thì trại giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan THADS biết; trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan THADS có trách nhiệm gửi tiền, giấy tờ cho giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện để tiến hành việc trả tiền, giấy tờ cho phạm nhân là người được thi hành án dân sự theo quyết định trả tiền, giấy tờ. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tiền, giấy tờ do cơ quan THADS, chấp hành viên gửi đến, trại giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện tiến hành trả tiền, giấy tờ cho phạm nhân là người được THADS theo quyết định trả tiền, giấy tờ.
Chi phí cho việc gửi tiền, tài sản do người được thi hành án chịu. Khi giao tiền, tài sản cho đương sự, giám thị trại giam lập biên bản và gửi cho cơ quan THADS.
Như vậy, đối với các trường hợp đương sự ở xa, không thể đến nhận tiền, giấy tờ trực tiếp tại cơ quan THADS thì có thể làm đơn xin nhận tiền, giấy tờ tại trại giam. Tuy nhiên, nhiều phạm nhân có trình độ hiểu biết hạn chế, cá biệt hoặc không biết chữ, việc quy định phạm nhân có đơn xin nhận tiền, giấy tờ trong trại giam trên thực tế là rất khó thực hiện, lại thêm quy định: Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan THADS biết trong khi cơ quan này phải thực hiện rất nhiều công việc khác, dẫn đến công tác phối hợp trong trường hợp này gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, để trả tiền, giấy tờ cho phạm nhân, chấp hành viên phải thực hiện rất nhiều tác nghiệp khác nhau, từ thông báo quyết định thi hành án và Thông báo về việc nhận tiền, tài sản, giấy tờ, đến soạn thảo Công văn để nghị phối hợp, hoặc hướng dẫn đương sự thực hiện việc ủy quyền….việc này cũng phát sinh nhiều thủ tục hành chính, đôi khi gây tốn kém thời gian và công sức của Chấp hành viên, làm giảm hiệu quả thi hành án.
Về thủ tục ủy quyền của phạm nhân, khoản 1 Điều 129 Luật THADS, khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC quy định trường hợp phạm nhân là người được THADS ủy quyền cho người khác nhận thay tiền, giấy tờ thì giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có trách nhiệm xác nhận vào giấy ủy quyền và gửi giấy ủy quyền cho người được ủy quyền; người được ủy quyền nhận tiền chịu trách nhiệm gửi giấy ủy quyền đó cho cơ quan THADS, cơ quan THADS có trách nhiệm trả tiền, giấy tờ cho người được ủy quyền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xác nhận giấy ủy quyền này mất khá nhiều thời gian và không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện, một số trại giam còn yêu cầu thân nhân của phạm nhân phải có xác nhận của chính quyền địa phương mới xác nhận giấy ủy quyền, hoặc đòi hỏi những giấy tờ khác nhau, khiến người được ủy quyền gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải đi lại rất nhiều lần mới có thể xin được giấy ủy quyền tại trại giam.
Một số tài sản do cơ quan thi hành án nhờ trại giam chuyển giao cho phạm nhân, trại giam đã lập biên bản bàn giao, nhưng do phạm nhân là người đang thi hành án phạt tù, nên không được giữ những tài sản này mà phải gửi lưu ký, từ đó nảy sinh nhiều phức tạp, khó khăn trong việc quản lý, bảo quản tài sản của phạm nhân trong một thời gian dài. Những tài sản lớn, cồng kềnh thường không có nơi để lưu ký nên cơ sở giam giữ thường không tiếp nhận.
Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC chỉ quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ có giá hoặc giấy tờ khác (gọi chung là giấy tờ) của phạm nhân là người phải thi hành án hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp tại trại giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện để thi hành án dân sự; trả tiền, giấy tờ cho phạm nhân là người được thi hành án dân sự tại trại giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, trong khi đó, số lượng các việc thi hành án trả lại các tài sản khác cho phạm nhân là rất lớn, do đó cần xem xét bổ sung các quy định về việc phối hợp giữa trại giam, cơ sở giam giữ với cơ quan THADS trong việc trả lại đối với những tài sản khác để thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật.
Ba là: Việc thu tiền, giấy tờ do phạm nhân tự nguyện nộp tại trại giam.
Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC cơ bản đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc phối hợp giữa cơ quan THADS và trại giam trong thu tiền của người phải thi hành án là phạm nhân. Nhiều trường hợp, nhờ sự tác động của trại giam, cơ quan THADS đã thu được tiền do đương sự tự nguyện nộp, không cần phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, một số vấn đề liên quan đến công tác xử lý tiền mà trại giam đã thu được vẫn chưa thực sự hiệu quả, nhịp nhàng giữa cơ quan THADS với cơ sở giam giữ, cụ thể như: các thủ tục thông báo đương sự nộp tiền nhưng không phản hồi; tiền chưa chuyển cho cơ quan THADS hoặc chuyển nhưng không xử lý được do không đủ hồ sơ…Do đó, trong thời gian tới, cần có những quy định cụ thể hơn về việc phối hợp giữa trại giam và cơ quan THADS trong việc đôn đốc, tổ chức thi hành án đối với người phải thi hành án là phạm nhân, cách thức xử lý các khoản tiền này đối với từng trường hợp cụ thể để nâng cao hơn nữa hiệu quả tổ chức thi hành án.
Bốn là: Trong phối hợp xét miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; đặc xá; tha tù trước thời hạn.
Thông thường, cơ quan THADS sẽ cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án cho phạm nhân để có căn cứ được miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; đặc xá; tha tù trước thời hạn cho phạm nhân. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các cơ quan THADS và các trại giam, trại tạm giam có lúc, có nơi, có việc chưa kịp thời, chưa chặt chẽ, nhất là trong giải quyết một số trường hợp còn vướng mắc như: Đương sự thỏa thuận thanh toán nghĩa vụ cho nhau theo bản án, quyết định của Tòa án không thông qua cơ quan THADS; thân nhân của người phải thi hành án không cung cấp bản án dẫn đến không thể xác nhận được…. Mặt khác, việc phạm nhân vào trại, ra trại, chuyển trại, thậm chí chết cũng làm cho việc xác định số liệu liên quan đến phần dân sự tại trại giam, trại tạm giam khó khăn, số liệu báo cáo thường kỳ chưa sát thực hoặc không cập nhật kịp thời, hoặc chênh lệch số liệu giữa cơ quan THADS và cơ quan Thi hành án Hình sự. Việc không kịp thời xác định tình trạng của người phải thi hành án cũng dẫn đến những bất cập trong việc phối hợp xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả cơ chế phối hợp giữa cơ quan THADS và trại giam, cần thực hiện một số giải pháp, cụ thể như sau:
Một là: Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan THADS và trại giam trong tổ chức thi hành án. Các hoạt động phối hợp cụ thể và thủ tục thực hiện các tác nghiệp khi tổ chức thi hành án đối với phạm nhân. Có thể bổ sung các quy định mang tính đặc thù trong việc thi hành án đối với phạm nhân, trên cơ sở giảm bớt các thủ tục hành chính, để thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức thi hành án, cụ thể như: Về thủ tục trả lại tiền, tài sản cho phạm nhân cần có những quy định đơn giản hơn, nhất là đối với các tài sản có giá trị nhỏ. Về việc giấy ủy quyền có xác nhận của trại giam (khoản 1 Điều 129 Luật THADS) chỉ nên áp dụng đối với trường hợp tài sản có giá trị lớn, đối với các tài sản có giá trị nhỏ hoặc các loại giấy tờ thì không nên áp dụng quy định này vì trong thực tiễn, việc xin xác nhận của trại giam vào đơn xin nhận tài sản hoặc giấy ủy quyền cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, đối với các trường hợp tài sản có giá trị nhỏ, người thân của phạm nhân có thể xin xác nhận của chính quyền địa phương về nhân thân để đến nhận tài sản tại cơ quan thi hành án, điều này sẽ đơn giản bớt thủ tục và tạo thuận lợi cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp.
Đồng thời cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định trong Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC cho phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tiễn hiện nay, do các văn bản pháp luật về THADS đã có nhiều thay đổi, bổ sung mới.
Hai là: Xây dựng và hệ thống hóa cơ sở dữ liệu điện tử giữa cơ quan THADS và trại giam, có thể xem xét xây dựng một phần mềm liên thông giữa cơ quan THADS và hệ thống trại giam để hỗ trợ việc tra cứu thông tin của người phải thi hành án là phạm nhân. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho cả cơ quan THADS và cơ quan Thi hành án hình sự trong việc theo dõi thông tin về việc chấp hành hình phạt tù cũng như hoàn thành nghĩa vụ dân sự của các đương sự là phạm nhân, giảm bớt các thủ tục hành chính còn rườm rà trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan như hiện nay.
Ba là: Cần tiếp tục xây dựng các quy chế phối hợp giữa cơ quan THADS và trại giam trong nhiều công việc khác liên quan đến tổ chức thi hành án đối với đương sự là phạm nhân, cụ thể như về thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, xử lý tài sản lưu ký tại trại giam để thi hành án…. Góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành án đối với loại việc này.
ThS. Hoàng Thanh Hoa, Học viện Tư pháp