Sớm xây dựng Tạp chí điện tử thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp

24/11/2023


Ngày 27/9/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2286/QĐ-BTP phê duyệt Kế hoạch triển khai Quyết định số 19/2023/QĐ-TTg ngày 02/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), trong đó có Tạp chí điện tử THADS).
Hiện, Tổng cục THADS đang thực hiện việc xây dựng Đề án tổ chức và hoạt động của Tạp chí điện tử THADS trực thuộc Tổng cục THADS.

THADS, Thi hành án hành chính (THAHC) là hoạt động cuối cùng trong quy trình tố tụng, là hoạt động bảo đảm công lý được thực thi trên thực tế. Đây là hoạt động đem lại quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân, góp phần khai thông nguồn vốn, hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh; đồng thời, là công việc rất khó khăn, phức tạp, luôn chịu sự tác động của các bên, sự chống đối, chây ỳ của người phải thi hành án, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghề nghiệp. Trong khi đó dư luận xã hội đến nay vẫn chưa thật sự đánh giá một cách đúng mức, khách quan, toàn diện, kịp thời về các hoạt động THADS và THAHC; chưa có công cụ phản ánh và định hướng dư luận xã hội; phê phán, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong thực thi pháp luật THADS; phản bác lại  thông tin không chính thống, tin giả, tác động xấu đến công tác quản lý Nhà nước nói chung, công tác THADS, THAHC nói riêng.
Để đáp ứng sự phát triển của xã hội, nhu cầu của độc giả, thực hiện các yêu cầu, mục tiêu, cần phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục THADS đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc và người dân; phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm hay, điển hình tiên tiến trong quá trình tổ chức THADS, THAHC, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Hệ thống THADS và của địa phương, bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các Tạp chí điện tử cũng có bước phát triển nhanh chóng và đã thực sự trở thành một trong những kênh thông tin được nhiều bạn đọc quan tâm.
Với những ưu điểm trên, Tạp chí điện tử có rất nhiều ưu thế so với Tạp chí in  truyền thống do việc truy cập dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng. Tốc độ đưa tin kịp thời; khả năng tương tác giữa độc giả và tòa soạn cao; thông tin đa dạng bao gồm tin dạng văn bản, tin ảnh, tin bằng video, phim tư liệu…, hình thức thể hiện phong phú như Infographics, Podcast, Megastory, Multimedia… có sức lan tỏa nhanh và dễ dàng tiếp cận của Tạp chí điện tử có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với bạn đọc, lượng truy cập Tạp chí điện tử sẽ ngày càng nhiều hơn, khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Trước bối cảnh đó, hầu hết các Tạp chí đều có Tạp chí điện tử song song với Tạp chí giấy như: Tạp chí Cộng sản; Tạp chí Kiểm sát; Tạp chí Tòa án nhân dân... để phát huy sức mạnh của công nghệ hiện nay đến đông đảo bạn đọc. Qua đó, nhằm truyền tải thông tin phong phú, đa dạng, kịp thời phản ánh hoạt động của ngành, định hướng dư luận nhanh và hiệu quả những vấn đề thuộc phạm vi quản lý ngành.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp báo báo chí cách mạng Việt Nam, ban hành nhiều văn bản, quy định về định hướng, quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển, đa dạng hoá các loại hình báo chí nói chung và báo chí điện tử nói riêng cụ thể như: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó: đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; Luật Báo chí năm 2016; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Thông tư số 41/TT-BTTTT ngày 24/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san...
Từ cơ sở thực tiễn và cơ sở chính trị, pháp lý nêu trên, Tổng cục THADS nhận thấy, việc thành lập Tạp chí điện tử THADS trực thuộc Tổng cục THADS là cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thông tin của công chức, viên chức hệ thống THADS và đông đảo nhân dân. Tạp chí khi được thành lập là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục THADS, có chức năng giúp Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS quản lý cổng thông tin của Tổng cục THADS; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp thông tin, định hướng dư luận, nâng cao hiểu biết, nhận thức về công tác THADS, THAHC; là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, nhằm làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn về chính sách, pháp luật và nghiệp vụ. Qua đó, kiến nghị xây dựng và thực thi có hiệu quả công tác THADS, THAHC và các vấn đề có liên quan đến công tác quản lý THADS, THAHC trong nước; thực hiện công bố thông tin trong lĩnh vực quản lý nhà nước về THADS, THAHC theo quy định của pháp luật.
Quỳnh Trần, Vụ Tổ chức cán bộ