Thăm Di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc: Khắc ghi công ơn

28/06/2016
Kết thúc chuyến công tác dài ngày với địa điểm cuối cùng là thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, nhân ngày cuối tuần 25/6/2016, Chi bộ Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự gồm đồng chí Bí thư Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Nguyễn Thị Thu Hà và 04 đảng viên đã có cuộc hành trình tri ân về nguồn tại Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Đến thăm Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc do Mỹ-ngụy xây dựng với gần 500 nhà giam với hơn 40 ngàn chiến sỹ cách mạng bị giam giữ, sau khi thành kính thắp nén hương tri ân, các đảng viên Chi bộ đã cùng với dòng người-với các lứa tuổi, tâm trạng, công việc, vị trí khác nhau, những người thuộc thế hệ được sống trong hòa bình, no đủ-vào viếng thăm khu Di tích. Lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy những tư liệu, hình ảnh, hiện vật, di vật gắn liền với lịch sử còn lưu giữ tại Nhà trưng bày, những nhục hình tàn bạo mà bộ máy quản giáo nhà tù sử dụng hòng khuất phục những chiến sỹ cách mạng của ta, tất cả các thành viên trong đoàn không tránh khỏi bàng hoàng về sự dã man của quân thù và vô cùng khâm phục ý chí kiên cường, mạnh mẽ, bất khuất cùng tinh thần yêu nước nồng nàn của các chiến sỹ cách mạng. Tất cả các hình ảnh, di vật đã tố cáo một sự thật nhà tù Phú Quốc là tội ác vô cùng dã man của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược, đồng thời minh chứng cho tinh thần bất khuất đấu tranh kiên cường của thế hệ cha anh lớp trước.
Các thành viên trong đoàn đã rất cảm động, nhiều người không cầm được nước mắt khi thấy các hình ảnh và nghe thuyết minh về 45 hình thức tra tấn tù binh rất dã man tại nhà tù Phú Quốc đã áp dụng đối với các chiến sĩ cách mạng nhằm phát hiện tổ chức, người lãnh đạo (đòn: "Đóng kim": dùng những cây kim chích đã cũ, đóng từ từ vào 10 đầu ngón tay; đòn  "Lộn vỉ sắt": các tấm vỉ sắt loại có lỗ tròn và đầy mấu để mắc vào nhau và lật ngửa bắt người tù chỉ còn chiếc quần đùi cắm đầu xuống vỉ sắt lộn ra sau, sau vài lần là lưng người tù tóe máu, đầu bị bứt tóc, da tróc tơi tả; chiêu "Đục răng" và "Bẻ răng": kê đục vào sát chân răng của người tù, dùng búa đóng làm răng gẫy văng ra, tóe máu; phạt đánh "Roi cá đuối": giám thị dùng những chiếc đuôi cá đuối dài phơi khô để đánh vào da thịt trần quấn lấy thân nạn nhân rồi giật ra, làm da thịt bị đứt theo, sau đó còn lấy muối ớt xát vào da thịt nạn nhân hết sức đau đớn; đòn "Đóng đinh": những chiếc đinh 3 phân đóng vào các ngón tay làm xương ngón tay của người tù bị vỡ nát hoặc đinh 7, 8 phân hoặc cả tấc đóng vào thân người tù ở các vùng cổ chân, khớp vai, mắt cá, ống quyển, thậm chí là đóng vào đầu, có người bị đóng đinh đến chết, khi bốc mộ vẫn còn đinh găm trong hài cốt. Chúng còn sử dụng đòn "Gõ thùng": cho người tù vào thùng phuy đổ đầy nước khiến tù nhân bị hộc máu vì sức ép của nước, lấy thùng phuy úp lên tù nhân đang ngồi xổm rồi gõ vào thùng làm người tù bị đau đầu, bị điếc vì tiếng gõ mạnh và sức ép của không khí. Dã man hơn nữa là lấy bao bố trùm lên người tù rồi ném vào chảo nước sôi luộc đến chết; dùng bóng đèn công suất lớn để sát mặt người tù trong thời gian dài cho nổ con ngươi; dùng lửa đốt miệng hoặc bộ phận sinh dục của người tù đến cháy; giam giữ người tù trong chuồng cọp trong tối hoặc ngoài trời:Chuồng cọp được làm bằng sắt, hình dáng kiểu contenơ loại nhỏ, có chiều rộng 1,87 m, dài 2,58 m, cao 2,07 m để khi giam cửa khoá kín không còn ánh sáng, đêm lạnh ngày nóng, khi thả ra tù nhân sẽ không còn thấy đường, sức khoẻ và tinh thần giảm sút nghiêm trọng. Chuồng cọp còn để ngoài trời, làm toàn bằng dây kẽm gai, có thể nhốt 1 người hoặc  loại nhốt 3-5 người, nằm dưới đất cát, trên dây kẽm gai hoặc chỉ ngồi lom khom chứ không nằm hay đứng được hoặc chỉ đứng lom khom mà không đứng thẳng hay ngồi xuống được, muốn ngồi phải ngồi trên kẽm gai. Tù nhân khi bị nhốt vào đây chỉ cho mặc quần cụt phơi nắng, phơi sương, phơi mưa suốt ngày đêm, được ăn một phần cơm rất ít với muối hoặc lạc, mỗi ngày được 1 hoặc 2 ca nước uống, tiêu tiểu tại chỗ, không được ra ngoài, những đêm lạnh cóng thì bị dội nước để cho “giải khát” hay rửa chuồng, những ngày nóng nực thì bị dội nước muối hay bị đốt lửa bên ngoài để cho “cọp nhớ những trận cháy rừng”. Bị giam trong chuồng cọp vài ngày là da bị lột, lên da non rồi lại bị cháy và lột tiếp, đau đớn vô cùng…). Hậu quả, hơn 4000 tù binh đã bị sát hại trong 5 năm tồn tại của trại giam (1967-1973).
Kỳ lạ thay, đau đớn thể xác là thế, hy sinh là thế, nhưng càng bị kẻ địch tra tấn tàn bạo bao nhiêu thì càng làm bừng lên khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân bấy nhiêu. Với ý chí kiên cường, dũng cảm mưu trí, các chiến sỹ cách mạng đã đối phó với chúng bằng nhiều hình thức đấu tranh từ thấp đến cao, phân hoá hàng ngũ địch, diệt ác ôn. Đặc biệt bằng sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, với tinh thần bất khuất trước kẻ thù, các cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã tổ chức đào hầm để vượt ngục. Mặc dù luôn đề cao cảnh giác, giám sát mọi cử động của người tù, nhưng lính Mỹ - ngụy không ngờ những vật dụng sinh hoạt bình thường (cái thìa, nắp hộp…) đã được các chiến sĩ cách mạng sử dụng như cái cuốc, cái xẻng, kiên trì đào đất đá sỏi cứng trong 6 tháng trời, mở rộng thành đường hầm dài hàng chục mét. Kết quả, đêm 20/01/1969, một cuộc vượt ngục với 21 người đã thoát về với cách mạng thành công. Ngoài ra còn nhiều hình thức vượt ngục khác như bí mật vượt rào, đánh lính áp giải khi ra ngoài làm việc khổ sai để cướp đường chạy trốn... Qua 42 cuộc vượt ngục, gần một trăm người hy sinh hoặc bị bắt trở lại, nhưng đã có hơn 200 người thoát được ra ngoài, tiếp tục hoạt động cách mạng. Tính đến tháng 10/2008, ở nhà lao Cây Dừa đã tìm được tổng cộng 1.028 bộ hài cốt liệt sỹ, có mộ chôn tập thể hàng trăm bộ hài cốt do quá trình bị địch bắt giam, tù đày tra tấn đến chết ở đâu thì vùi xác tại đó. Hầu hết đều là liệt sỹ chưa làm rõ được họ tên, tuổi, quê quán, ngày hy sinh. Theo một số tư liệu lịch sử, hiện nay, dưới lòng đất vùng nhà lao Cây Dừa còn có gần 3.000 bộ hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy.
Đến với Di tích Nhà tù Phú Quốc chỉ trong khoảnh khắc nhưng hình ảnh lưu lại mãi trong các thành viên đoàn về sự anh dũng, kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, dù phải chịu đựng sự tra tấn dã man, hy sinh cả tính mạng, song các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên định lập trường cách mạng dưới sự dìu dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chuyến hành trình về nguồn đầy ý nghĩa sâu sắc nhằm tưởng nhớ và tri ân đến các anh hùng, liệt sỹ - những người đã hy sinh để bảo vệ cho nền độc lập của dân tộc, là câu chuyện sống động và sâu sắc về tình yêu Tổ quốc của thế hệ đi trước, góp phần tái hiện lại những trang sử hào hùng của dân tộc trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam. Thông qua chuyến công tác về nguồn lần này, mỗi cán bộ, Đảng viên nói chung và Chi bộ Vụ Nghiệp vụ 1 nói riêng nhận thức sâu sắc hơn nữa về sự hy sinh, công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước; ý nghĩa nền hòa bình độc lập dân tộc, ổn định của đất nước; từ đó phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường giáo dục thế hệ trẻ trong ngành về truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần bất khuất, kiên cường trước sự tàn ác của quân thù; hun đúc lòng yêu quê hương, đất nước; đồng thời, cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng gia đình chính sách, những người có công với cách mạng.
Thắp một nén nhang thành kính trong niềm cảm xúc, yêu thương, kính trọng và khâm phục vô bờ của chúng tôi, của thế hệ hôm nay, mỗi thành viên trong đoàn đều tích lũy cho mình những trải nghiệm riêng về những năm tháng đấu tranh hào hùng của Dân tộc và thầm hứa sẽ cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc, thông qua công việc mà Đảng và Nhà nước đã giao cho để xứng đáng với những gì mà ông cha ta cũng như bao lớp người và các chiến sĩ đã ngã xuống hy sinh cho Tổ Quốc, cho chúng ta có ngày hôm nay.
Chị bộ Vụ Nghiệp vụ 1