Tổng cục Thi hành án dân sự làm việc trực tuyến về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính

28/02/2017
Sáng ngày 25/02/2017, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến giữa Tổng cục Thi hành án dân sự với các cơ quan thi hành án dân sự 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Về công tác thi hành án hành chính
Trình bày chuyên đề về nhiệm vụ, trình tự, thủ tục theo dõi thi hành án hành chính tại các cơ quan thi hành án dân sự, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và giải pháp khắc phục, đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Giang, Quyền Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 3 cho biết: Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016 giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và giao Hệ thống thi hành án dân sự chức năng theo dõi thi hành án hành chính. Trong quá trình tổ chức thực hiện cho thấy, thi hành án hành chính là công tác phức tạp, nhạy cảm, nhất là khi cơ quan là người phải thi hành án cố tình không chấp hành án, do bên phải thi hành án thường là cơ quan nhà nước hoặc cá nhân đại diện cho cơ quan nhà nước, còn người được thi hành án thường là tổ chức, cá nhân, công dân đã khởi kiện cơ quan nhà nước ra Tòa án, trong khi pháp luật về thi hành án hành chính chưa có một cơ chế đủ mạnh và khả thi bảo đảm cho việc thực thi các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính trên thực tế. 
Sau 08 tháng triển khai, mặc dù Bộ Tư pháp đã có Kế hoạch, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có công văn triển khai cụ thể đến các cơ quan thi hành án dân sự ngay từ tháng 8/2016, song cho đến nay nhận thức của phần lớn các cơ quan thi hành án dân sự, nhất là Người đứng đầu chưa đầy đủ, chưa trách nhiệm đối với công tác thi hành án hành chính dẫn đến việc chỉ đạo không sát hoặc buông lỏng quản lý đối với công tác theo dõi thi hành án hành chính. Ngoài ra, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân sự được giao làm nhiệm vụ thi hành án hành chính còn tương đối hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan, đơn vị hữu quan, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đôi khi còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án hành chính.
Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết những vụ việc phức tạp, kéo dài
Đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo nhận định: Thời gian qua, công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ngày 06/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự, trong đó chỉ đạo thực hiện tốt phương châm “hướng về cơ sở”; nâng cao hiệu quả, chất lượng, kỹ năng dân vận trong công tác thi hành án và tiếp công dân; đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài. Qua theo dõi, đánh giá cho thấy công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự những năm vừa qua cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết các vụ việc được nâng cao. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế, thậm chí yếu kém.
Số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Tổng cục Thi hành án dân sự và Bộ Tư pháp còn nhiều. Theo thống kê tại Tổng cục năm 2016 và đầu năm 2017 (tính đến ngày 17/2/2017): Có 49/63 địa bàn có công dân đến Địa điểm tiếp công dân trong năm 2016-2017 để khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự; Tổng cục đã tiếp nhận và xử lý 5895 đơn, thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh, kiến nghị, trong đó các địa phương có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Bắc Ninh, Tây Ninh, Gia Lai. Số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp, yêu cầu được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp còn nhiều, từ tháng 04/2015 đến tháng 2/2017, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tiếp tổng cộng 47 lượt công dân đến Địa điểm Tiếp công dân của Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự (tương ứng với 38 vụ việc). Qua theo dõi, tổng hợp Tổng cục nhận thấy các hạn chế, yếu kém trong công tác này tập trung ở một số địa phương như Tây Ninh, Kiên Giang, Gia Lai, Bình Định, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh. 
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng thẳng thắn thừa nhận, đánh giá những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp khắc phục. Hội nghị cũng được nghe báo cáo phân tích, đánh giá kết quả thi hành án dân sự 4 tháng đầu năm 2017; quán triệt các nội dung của Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự và một số nội dung cơ bản của Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án và chuyên đề về một số vấn đề cơ bản cần lưu ý đối với công tác bồi thường nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
Kết luận buổi làm việc, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành nhấn mạnh: Trong giai đoạn hiện nay, công tác thi hành án dân sự đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các Bộ, ngành. Đây là cơ hội lớn để hệ thống thi hành án dân sự hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra và có những bước phát triển trong thời gian tới.
Để thực hiện mục tiêu này, Tổng cục chủ trương tập trung tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong những lĩnh vực còn khó khăn vướng mắc, yếu kém, thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng - Nhà nước, lãnh đạo Bộ Tư pháp. Cụ thể: Trong lĩnh vực thi hành án hành chính, Tổng cục trưởng yêu cầu các địa phương cần nâng cao nhận thức về công tác này, làm đúng chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định. Cần lưu ý đặc trưng của thi hành án hành chính là “tự thi hành”, cơ quan thi hành án dân sự tham gia vào quá trình này với vai trò là cơ quan theo dõi thi hành án hành chính chứ không thực hiện tổ chức thi hành. Nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự là cần tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện tốt công tác thi hành án hành chính trên địa bàn. Triển khai và chỉ đạo triển khai đi vào nền nếp, thực chất các nội dung theo dõi thi hành án hành chính theo đúng các quy định của pháp luật và định kỳ 06 tháng, hàng năm phải báo cáo tình hình thi hành đối với các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc thẩm quyền, đánh giá được những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó có hướng đề xuất các giải pháp tháo gỡ một cách căn cơ.
Đối với công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, Tổng cục trưởng yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, không được nể nang khi giải quyết các sai phạm. Đặc biệt, cần phải gắn trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, kể cả người làm công tác quản lý trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo để đánh giá và có biện pháp xử lý phù hợp. Khẩn trương chỉ đạo rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài và các vụ việc Lãnh đạo Bộ tiếp công dân; Xây dựng kế hoạch rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài thuộc địa bàn, có phương án thực hiện, đặt ra tiến độ giải quyết xong đối với từng vụ việc.
Tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung của Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến toàn thể công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị và nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thực hiện Chỉ thị.
Vũ Tuấn