Quan hệ phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác thi hành án dân sự ngày càng chặt chẽ

08/06/2017
Trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp của Viện kiểm sát nhân dân các cấp nói chung, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nói riêng, nhờ đó công tác thi hành án dân sự đã đạt được những kết quả quan trọng. Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và tăng cường công tác phối hợp trong thời gian tới, trên cơ sở Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự, sáng ngày 07/6/2017, Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có buổi làm việc về công tác thi hành án dân sự.

Tham dự buổi làm việc, về phía Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm - Phó Viện trưởng, lãnh đạo Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) và đại diện một số đơn vị liên quan thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, đại diện lãnh đạo Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, đại diện lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.
Tại buổi làm việc, hai bên đã đánh giá, ghi nhận những kết quả đạt được trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự và Viện kiểm sát nhân dân, nhất là giữa Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày càng chặt chẽ, góp phần quan trọng cho công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao trên nhiều các mặt công tác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Kết quả thi hành án dân sự 07 tháng đầu năm 2017 về việc tổng số thụ lý là 631.587 việc, tăng 37.096 việc (6,24% so với cùng kỳ năm 2016). Tổng số phải thi hành là 625.425 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành là 482.175 việc (77,10%). Kết quả: Thi hành xong[1] là 267.165 việc (tăng 15.652 việc so với cùng kỳ năm 2016), đạt tỉ lệ 55,41%. Số chuyển kỳ sau là 358.260 việc, trong đó số có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 215.010 việc. So với số việc có điều kiện thi hành năm 2016 chuyển sang năm 2017 (144.857 việc), tăng 70.153 việc (tăng 48,43%). Về tiền, tổng số thụ lý là 144.833 tỷ 439 triệu 017 nghìn đồng, tăng 24.795 tỷ 249 triệu 325 nghìn đồng (20,66% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó: số có điều kiện thi hành là 95.464 tỷ 869 triệu 458 nghìn đồng (68,20%). Kết quả: Thi hành xong[2] là 19.141 tỷ 493 triệu 515 nghìn đồng (tăng 7.757 tỷ 282 triệu 370 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2016); đạt tỉ lệ 20,05%. Số chuyển kỳ sau là 120.840 tỷ 470 triệu 073 nghìn đồng, trong đó số có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 76.323 tỷ 375 triệu 943 nghìn đồng. So với số có điều kiện thi hành năm 2016 chuyển sang năm 2017 (57.143 tỷ 231 triệu 420 nghìn đồng) tăng 19.180 tỷ 144 triệu 523 nghìn đồng (tăng 33,57%).
Trong công tác hoàn thiện thể chế, trong thời gian qua, với sự quan tâm, phối hợp tích cực của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thể chế về thi hành án dân sự đã cơ bản được hoàn thiện với việc ban hành Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014), 02 Nghị định[3], 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ[4], 07 Thông tư liên tịch[5], 8 Thông tư[6], qua đó tạo hành lang pháp lý ổn định, vững chắc triển khai hoạt động thi hành án dân sự trong thực tiễn. Hiện nay hai cơ quan đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng, hoàn thiện và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành quyết định của Tòa án giải quyết vụ việc phá sản theo Luật Phá sản năm 2015 (thời hạn hoàn thành Quý IV/2017).
Công tác hướng dẫn, chấn chỉnh nghiệp vụ, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tích cực tham gia các cuộc họp liên ngành cho ý kiến, qua đó đã thống nhất quan điểm, kịp thời giải quyết một số vụ việc phức tạp; đồng thời Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tổ chức thi hành một số vụ việc phức tạp. Về kiểm sát thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân đã công bố và gửi kết luận đến cơ quan thi hành án dân sự được kiểm sát và cơ quan chủ quản, qua đó đã giúp Tổng cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo khắc phục các sai phạm, rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành.
Về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự, 06 tháng đầu năm 2017 các cơ quan thi hành án dân sự đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đã xét miễn, giảm được 1.284 việc, tương ứng với số tiền 16 tỷ 866 triệu 361 nghìn đồng, qua đó góp phần đáng kể trong việc giảm lượng án tồn đọng không có điều kiện thi hành.
Đánh giá, chỉ đạo giải quyết việc thi hành các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự định kỳ rà soát, đánh giá, xác định các bản án tuyên không rõ, khó thi hành do cơ quan thi hành án dân sự cung cấp. Qua rà soát, 06 tháng đầu năm 2017 có 460 bản án, quyết định Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành tương ứng với 496 quyết định thi hành án với số tiền phải thi hành là 1.204 tỷ 261 triệu 455 nghìn  đồng.
Trong xây dựng Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về công tác thi hành án dân sự, thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTP-Viện kiểm sát nhân dân tối cao-TANDTC ngày 31/5/2016 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân địa phương đã tiến hành thống kê, gửi các biểu mẫu thống kê liên tịch về thi hành án dân sự về Trung ương. Kết quả thống kê liên tịch bước đầu đã đáp ứng yêu cầu thống nhất số liệu về thi hành án dân sự 7 tháng đầu năm (từ 01/10/2016 đến 30/4/2017), góp phần phản ánh thực chất hơn công tác thi hành án dân sự.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện khoản 2 Điều 44a, 100% các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành án của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Cổng, Trang thông tin điện tử thi hành án dân sự, qua đó, giúp người dân và đương sự giám sát tốt hơn việc phân loại án. Đặc biệt, từ ngày 01/6/2017 cơ quan thi hành án dân sự trên toàn quốc đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa và hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự. Ngày 19/5/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 692/QĐ-BTP công bố 03 thủ tục hành chính cấp trung ương và 12 thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, qua đó góp phần bảo đảm công khai, minh bạch, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp trong hoạt động thi hành án dân sự.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, kiểm sát thi hành án dân sự và thảo luận, thống nhất nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, kể cả những vấn đề chung và nhiều vụ việc thi hành án cụ thể.
Lê Tuấn
 
[1] Số thi hành xong về việc gồm: Thi hành xong, Đình chỉ thi hành án
[2] Số thi hành xong về tiền bao gồm: Thi hành xong, Đình chỉ thi hành án, Giảm thi hành án
[3] (1) Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự; (2) Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định cụ thể về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
[4] Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự.
[5] (1) TTLT số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 15/9/2015 hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước; (2) TTLT số 16/2015/TTLT-BTP-BQP ngày 19/11/2015 hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự; (3) TTLT số 17/2015/TTLT-BTC-BTP ngày 07/12/2015 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự; (4) TTLT số 05/2016/TTLT-BTP-BTC-BCA-TANDTC-Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 19/5/2016 hướng dẫn hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự; (5) TTLT số 06/2016/TTLT-BTP-TANDTC-Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 31/5/2016 hướng dẫn phối hợp liên ngành trong thống kê thi hành án dân sự; (6) TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BTP-BTC hướng dẫn bảo đảm tài chính trong thi hành án dân sự; (7) TTLT số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 01/8/2016 hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
[6] (1) Thông tư số 08/2015/TT-BTP sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự; (2) Thông tư số 09/2015/TT-BTP thay thế Thông tư số 17/2010/TT-BTP ngày 11/10/2010 của Bộ Tư pháp ban hành quy định phân cấp quản lý công chức, công chức lãnh đạo cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự; (3) Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính, biểu mẫu nghiệp vụ trong hoạt động thi hành án dân sự; (4) Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 hướng dẫn một số nội dung trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; (5) Thông tư số 216/TT-BTC ngày 10/11/2016 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự; (6) Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về quản lý kho vật chứng và tài sản tạm giữ trong hệ thống thi hành án dân sự; (7) Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự; (8) Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự.