Ký kết Quy chế giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Thanh tra Bộ Tư pháp để tiếp tục phối hợp hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự

01/08/2017
Nhân ngày đầu tháng Tám mùa Thu mát dịu 01/8/2017, Tổng cục Thi hành án dân sự và Thanh tra Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Thanh tra Bộ trong công tác thi hành án dân sự. Để có được buổi Lễ ký kết long trọng này là do có sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và sự tự rà soát, tổng hợp về kết quả triển khai thực hiện, những bất cập, hạn chế của Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị trong thời gian qua thể hiện bằng việc Thanh tra Bộ Tư pháp phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự có Báo cáo số 655/BC-TTR ngày 01/8/2016 đề xuất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp những nội dung cơ bản cho việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Thanh tra Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự.

Trên cơ sở đề xuất của Thanh tra Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1795/QĐ-BTP ngày 24/8/2016 về việc thành lập Tổ soạn thảo Quy chế phối hợp. Phát biểu tại buổi Lễ ký kết, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực thông tin quá trình soạn thảo, Tổ soạn thảo đã tổ chức họp thành viên và phân công nhiệm vụ xây dựng Quy chế cho các thành viên của Tổ. Sau khi xây dựng Dự thảo 1 Quy chế, để hoàn thiện Dự thảo, Tổ soạn thảo đã có các văn bản đề nghị Thanh tra Bộ, các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan nghiên cứu, góp ý vào Dự thảo. Quá trình tiếp thu các ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo, Tổ soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Thanh tra Bộ bằng nhiều hình thức như văn bản góp ý và trao đổi trực tiếp. Kết quả, Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Tổng cục đều có văn bản góp ý chính thức và nhiều lần trao đổi trực tiếp về nội dung Dự thảo. Ngoài ra Tổ soạn thảo còn nhận được văn bản góp ý của các Vụ Pháp luật Hình sự hành chính. Tổ soạn thảo đã có Báo cáo số 03/BC-TST ngày 08/3/2017 báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị thuộc Tổng cục, hoàn thiện Dự thảo 2 Quy chế, báo cáo Lãnh đạo Bộ ký ban hành. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, ngày 27/6/2017, Tổ soạn thảo đã có Công văn số 06/CV-TST đề nghị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nghiên cứu, góp ý vào Dự thảo. Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Tổ soạn thảo đã xây dựng Dự thảo 3 Quy chế báo cáo Lãnh đạo Bộ ký ban hành. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Thành Long tại Phiếu trình giải quyết công việc ngày 21/7/2017 về việc đề nghị cân nhắc việc để Thủ trưởng hai đơn vị Tổng cục Thi hành án dân sự và Thanh tra Bộ ký ban hành Quy chế, Tổ soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Quy chế.

Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Thanh tra Bộ Tư pháp có hiệu lực kể từ ngày ký, gồm 03 chương, với 16 Điều, thể hiện ở 02 phần chính là căn cứ ban hành Quy chế và các quy định phối hợp cụ thể có 03 phần (1) Những quy định chung, (2) Nội dung và trách nhiệm phối hợp, (3)Tổ chức thực hiện. Mục đích phối hợp giải quyết kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Thanh tra Bộ trong công tác thi hành án dân sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng trong Hệ thống thi hành án dân sự; tránh chồng chéo về địa bàn thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, khắc phục, xử lý những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong việc tổ chức thi hành án dân sự; việc sử dụng ngân sách; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, thực hiện chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động; khen thưởng, xử lý vi phạm trong Hệ thống thi hành án dân sự; hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Nguyên tắc phối hợp đảm bảo việc phối hợp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật về thanh tra và các quy định pháp luật có liên quan; việc phối hợp được thực hiện dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Thi hành án dân sự, Thanh tra Bộ; bảo đảm các hoạt động phối hợp được triển khai thực hiện thống nhất, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả; tránh chồng chéo, bỏ sót, không rõ trách nhiệm của các đơn vị trong các công tác phối hợp.
Hình thức, cách thức thực hiện phối hợp linh hoạt nhưng rõ ràng, khi cần trao đổi ý kiến hoặc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ việc triển khai nhiệm vụ theo quy định thì đơn vị yêu cầu có văn bản trao đổi ý kiến hoặc đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu; trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, đơn vị được đề nghị có trách nhiệm trao đổi ý kiến, cung cấp thông tin, tài liệu cho đơn vị có yêu cầu và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin cung cấp; trường hợp không thực hiện được thì phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do; việc trao đổi ý kiến có thể thực hiện bằng hình thức văn bản hoặc trao đổi trực tiếp. Khi tổ chức các đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ có liên quan, đơn vị chủ trì có văn bản đề nghị cử công chức tham gia phối hợp; đơn vị được yêu cầu có trách nhiệm xem xét và có văn bản trả lời về việc cử công chức tham gia theo đúng thành phần và thời hạn đề nghị; công chức được cử tham gia có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Đoàn công tác và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ với lãnh đạo đơn vị mình. Khi tổ chức các cuộc họp có liên quan, đơn vị chủ trì có văn bản đề nghị cử công chức tham gia họp và gửi trước thông tin, tài liệu về nội dung cuộc họp ít nhất 03 ngày làm việc; đơn vị được yêu cầu có trách nhiệm xem xét, cử công chức tham gia họp theo đúng thành phần đề nghị; công chức được cử tham gia họp có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ với lãnh đạo đơn vị mình. Trước khi báo cáo Lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đơn vị chủ trì tổ chức cuộc họp hoặc gửi văn bản đến đơn vị phối hợp để trao đổi, thống nhất quan điểm, làm rõ các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Trường hợp chưa thống nhất quan điểm thì ghi rõ ý kiến của các đơn vị trong báo cáo để Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định. Trường hợp cần thiết thì đơn vị chủ trì tổ chức lấy ý kiến chuyên gia tư vấn, tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn có liên quan trước khi trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định. Thực hiện các hình thức phối hợp khác theo quy định của pháp luật.
Nội dung và trách nhiệm phối hợp cụ thể, rõ ràng. Trong việc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch và các văn bản khác thì khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch và các văn bản khác liên quan về công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự; công tác thanh tra trong Hệ thống thi hành án dân sự, đơn vị chủ trì có văn bản đề nghị đơn vị phối hợp thông qua các hình thức cử công chức có am hiểu về chuyên môn liên quan đến lĩnh vực của văn bản quy phạm pháp luật được nghiên cứu, xây dựng tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tham gia ý kiến, phản biện vào dự thảo văn bản. Đơn vị được đề nghị có trách nhiệm cử công chức, tham gia ý kiến, phản biện theo yêu cầu của đơn vị chủ trì xây dựng văn bản. Khi xây dựng Kế hoạch thanh tra, Kế hoạch công tác hàng năm, đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch có văn bản đề nghị đơn vị phối hợp góp ý Dự thảo Kế hoạch. Đơn vị được đề nghị có trách nhiệm góp ý bằng văn bản đảm bảo đúng nội dung thời hạn yêu cầu, tránh trùng lặp địa phương, đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra.
Trong công tác tiếp công dân thì việc tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự được thực hiện theo Quy chế tiếp công dân của Bộ Tư pháp. Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm cử công chức thường trực tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự; trường hợp nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cơ quan thi hành án dân sự giải quyết hết thẩm quyền hoặc đã được Tổng cục Thi hành án dân sự giải quyết thì Thanh tra Bộ tiếp công dân.

Phối hợp, tham mưu Lãnh đạo Bộ tiếp công dân phân định trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo đã được Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Lãnh đạo Thanh tra Bộ tiếp, chỉ đạo giải quyết theo quy định nhưng công dân không nhất trí với kết quả giải quyết, đề nghị Lãnh đạo Bộ tiếp, thì Lãnh đạo Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Lãnh đạo Tổng cục tham mưu Lãnh đạo Bộ tiếp công dân. Định kỳ hàng tháng, Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự lập danh sách các vụ việc, xây dựng kế hoạch, tổ chức buổi tiếp công dân của Lãnh đạo Bộ. Cơ quan chủ trì giải quyết vụ việc có trách nhiệm phối hợp với đơn vị có liên quan chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, mời thành phần cùng dự buổi tiếp công dân.
Chánh Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tổng hợp tình hình thực hiện việc tiếp công dân; đề xuất xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Phối hợp trong giải quyết các vụ việc Lãnh đạo Bộ tiếp công dân, vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài thì Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ giải quyết các vụ việc Lãnh đạo Bộ tiếp công dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự tham mưu giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Bộ trưởng. Trường hợp cần thiết, Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ thành lập Tổ rà soát, tham mưu giải quyết các vụ việc Lãnh đạo Bộ tiếp công dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Tổ rà soát có trách nhiệm tham mưu chỉ đạo, thường xuyên theo dõi, cập nhật tiến độ giải quyết đối với từng vụ việc; kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả giải quyết.
Định kỳ hàng quý, Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì rà soát và chỉ đạo rà soát lập danh sách; cập nhật tiến độ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trong thi hành án dân sự, báo cáo Lãnh đạo Bộ. Thanh tra Bộ có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát, lập danh sách, cập nhật tiến độ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trong thi hành án dân sự thuộc trách nhiệm tham mưu giải quyết của Thanh tra Bộ, gửi kết quả về Tổng cục Thi hành án dân sự trước ngày 10 tháng đầu tiên của quý tiếp theo.
Trong việc tiếp nhận, theo dõi kết quả xử lý đơn, Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh của công dân, trường hợp đơn của công dân chưa được cơ quan Thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự giải quyết theo thẩm quyền, Thanh tra Bộ có trách nhiệm chuyển đơn đến Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, giải quyết, trừ trường hợp Lãnh đạo Bộ chỉ đạo hoặc cần phải thanh tra đột xuất. Trong trường hợp cần thiết, Chánh Thanh tra Bộ có văn bản đề nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc xử lý, giải quyết đối với khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh và thông báo kết quả đến Chánh Thanh tra Bộ.  Trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm tham mưu giải quyết của Chánh Thanh tra Bộ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân, Tổng cục Thi hành án dân sự phải chuyển đơn cho Thanh tra Bộ.
Trong việc tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ có trách nhiệm chủ trì tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng quy định tại khoản 4 Điều 142, Điều 157 Luật Thi hành án dân sự. Trường hợp khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành, tố cáo tiếp đối với Kết luận nội dung tố cáo có hiệu lực thi hành và việc giải quyết đúng pháp luật, đơn của công dân không có tình tiết mới thì Chánh Thanh tra Bộ ban hành văn bản thông báo cho đương sự về việc không xem xét giải quyết. Trường hợp quyết định, hành vi bị khiếu nại là trái pháp luật nhưng quyết định giải quyết khiếu nại cho rằng quyết định, hành vi đó là đúng pháp luật, hoặc việc giải quyết khiếu nại đã vi phạm quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết khiếu nại, hoặc có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản kết quả giải quyết khiếu nại thì Chánh Thanh tra Bộ tham mưu Bộ trưởng xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự. Trường hợp kết luận nội dung tố cáo không đúng pháp luật thì Chánh Thanh tra Bộ tham mưu Bộ trưởng giải quyết lại theo quy định của Luật Tố cáo. Quá trình giải quyết nội dung khiếu nại, tố cáo nếu có căn cứ cho rằng khiếu nại, tố cáo của đương sự là có cơ sở thì Thanh tra Bộ chủ trì báo cáo Lãnh đạo Bộ và xử lý theo quy định tại khoản 3 của Điều này. Trường hợp vụ việc có tình tiết mới, chưa rõ ràng, phức tạp và có nhiều quan điểm khác nhau thì Thanh tra Bộ phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự để thống nhất quan điểm. Căn cứ kết luận của Lãnh đạo Bộ về nội dung khiếu nại, tố cáo, trường hợp khiếu nại, tố cáo của đương sự là có cơ sở thì Chánh Thanh tra Bộ tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản yêu cầu người đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo thu hồi, sửa đổi, hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo hoặc đề xuất Lãnh đạo Bộ xem xét lại quyết định, kết luận đó; trường hợp khiếu nại của đương sự là không có cơ sở thì Chánh Thanh tra Bộ tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản thông báo cho người có đơn khiếu nại, tố cáo biết.
Phối hợp thanh tra trong Hệ thống thi hành án dân sự thì Thanh tra Bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc sử dụng ngân sách; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, thực hiện chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động trong Hệ thống thi hành án dân sự; công tác phòng, chống tham nhũng. Định kỳ hàng năm, Thanh tra Bộ xây dựng kế hoạch thanh tra theo yêu cầu định hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp. Trường hợp phát hiện cơ quan Thi hành án dân sự có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng giao, thì Chánh Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Lãnh đạo Bộ đề xuất tiến hành thanh tra đột xuất.
Tổng cục Thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự là đối tượng thanh tra có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra theo quy định. Khi triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, nếu thấy cần thiết Thanh tra Bộ có văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan thuộc Bộ Tư pháp phối hợp hoặc cử cán bộ, công chức tham gia. Trước khi báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thanh tra và ban hành kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ gửi dự thảo kết luận thanh tra cho Tổng cục Thi hành án dân sự và đối tượng thanh tra theo kế hoạch. Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm giải trình hoặc chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương giải trình bằng văn bản các nội dung được thanh tra.
Trong thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan tiếp nhận, giải quyết đơn yêu cầu bồi thường, đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân về công tác bồi thường của Nhà nước trong thi hành án dân sự.. Trường hợp các văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành xác định hành vi trái pháp luật, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thì Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, Cục Bồi thường nhà nước xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự; xác minh thiệt hại và xác định mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi vi gây thiệt hại để làm căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường.

Phối hợp trong công tác tổng hợp, báo cáo, thống kê và phòng, chống tham nhũng thì khi cần cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác tổng hợp, báo cáo, thống kê theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền liên quan đến công tác thi hành án dân sự, đơn vị được giao chủ trì xây dựng báo cáo, thống kê, tổng hợp có văn bản đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, đơn vị được đề nghị có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho đơn vị có yêu cầu và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin cung cấp. Trường hợp không thực hiện được thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tham mưu Lãnh đạo Bộ xây dựng báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống tham nhũng. Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm phối hợp xây dựng báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Trong công tác theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, Thanh tra Bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự tổng hợp, thống kê các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự đã được Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo và kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ. Thanh tra Bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra; định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm báo cáo kết quả Lãnh đạo Bộ. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, các đơn vị trực thuộc Tổng cục chấp hành nghiêm chỉnh kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; áp dụng các biện pháp khắc phục sai phạm trong công tác quản lý (nếu có); kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật (nếu cần). Cơ quan Thi hành án dân sự là đối tượng thanh tra có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý trách nhiệm cho Thanh tra Bộ theo đúng quy định pháp luật.
Trong công tác tổ chức cán bộ và thi đua, khen thưởng, khi thực hiện thủ tục đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức cán bộ, công chức giữ các chức danh lãnh đạo trong Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự có văn bản tham khảo ý kiến của Thanh tra Bộ. Đối với các đề xuất của Tổng cục, Thanh tra Bộ có trách nhiệm xem xét và có văn bản trả lời theo đúng thời hạn yêu cầu. Khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền quyết định, trao tặng của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho tập thể, cá nhân trong Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự có văn bản tham khảo ý kiến của Thanh tra Bộ. Đối với các đề xuất của Tổng cục, Thanh tra Bộ có trách nhiệm xem xét và có văn bản trả lời theo đúng thời hạn yêu cầu.
Chứng kiến đồng chí Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và đồng chí Nguyễn Hồng Diện, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp ký kết Quy chế có đại diện của các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Thanh tra Bộ Tư pháp và nhiều cơ quan báo chí. Buỗi Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Thanh tra Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự đã diễn ra nghiêm túc và trang trọng, trên cơ sở đó các đơn vị triển khai thực hiện Quy chế.
Thanh Hà Lê