BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN NĂM 2023

24/10/2023



Thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án, năm 2023, trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, được sự ủng hộ, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác thi hành án đã đạt được những kết quả khả quan. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Báo cáo (Báo cáo số 544/BC-CP) của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2023, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tại Báo cáo này, Chính phủ đã đánh giá về công tác thi hành án dân sự (THADS) trong năm 2023, theo đó, số thụ lý mới về việc và giá trị tăng cao[1], thị trường bất động sản trầm lắng, trong khi phải thực hiện việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu, thách thức lớn cho toàn Hệ thống THADS. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, linh hoạt của Chính phủ, Bộ Tư pháp, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Hệ thống THADS, đến nay các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, kết quả về tiền đạt trên 89 nghìn 500 tỷ đồng (đạt 46,44%), tăng trên 14 nghìn tỷ đồng so với năm 2022 (trong đó, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng tăng trên 4.415 tỷ đồng). Tổ chức bộ máy các cơ quan THADS không ngừng được củng cố, kiện toàn; công tác quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ công chức, Chấp hành viên được đặc biệt chú trọng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là công tác tự kiểm tra được tăng cường nhằm chủ động kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện từ sớm, từ xa các vi phạm trong THADS để xử lý kịp thời; công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương ngày càng kịp thời, hiệu quả; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Hệ thống THADS từng bước được đảm bảo, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Công tác theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) ngày càng nền nếp, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh việc kiến nghị xử lý trách nhiệm; nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC đã có sự chuyển biến rõ nét. Nhờ đó, kết quả THAHC năm sau luôn cao hơn năm trước.
* Về công tác chỉ đạo, điều hành
Năm 2023, Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác THADS. Ngày 21/12/2022, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2023, Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành Tư pháp triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, thi hành án hành chính (THAHC) được Quốc hội giao; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (Chỉ thị số 04-CT/TW), nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chú trọng giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài.
Tiếp đó, ngày 06/01/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, trong đó yêu cầu: “Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về THADS, THAHC. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài”. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu về công tác THADS, hành chính[2]; Chương trình công tác trọng tâm trong lĩnh vực THADS, theo dõi THAHC năm 2023, Hệ thống THADS đã giao chỉ tiêu cụ thể đến từng Cục, Chi cục THADS và Chấp hành viên để kịp thời triển khai thực hiện. Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS, định, kết quả thi hành án được gửi đến Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo THADS các cấp để kịp thời nắm bắt tình hình, tiến độ và có biện pháp đôn đốc, chỉ đạo cơ quan THADS thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Trong năm 2023, Thường trực Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp để chỉ đạo các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đối với một số vụ việc khó khăn, phức tạp hoặc có giá trị lớn; chỉ đạo sát sao việc phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) trong công tác THADS nhằm bàn biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành một số vụ việc phức tạp. Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cũng đã tập trung triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp để phối hợp với ngành Tư pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch tổng kết 06 năm thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác THADS nhằm đánh giá kết quả đạt được của Chỉ thị này.
* Về kết quả THADS năm 2023
- Kết quả chung về việc, về tiền:
+ Về việc: Năm 2022 chuyển sang 299.096 việc. Thụ lý mới 636.950 việc, tăng 89.829 việc (16,42%) so với năm 2022.
Tổng số phải thi hành là 923.541 việc, trong đó, có điều kiện thi hành 691.593 việc, chiếm 74,88%; chưa có điều kiện (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) 216.073 việc, chiếm 23,40%. Hoãn, tạm đình chỉ 15.875 việc (0,017%).
Đã thi hành xong 575.667 việc, tăng 36.377 việc so với năm 2022; đạt tỉ lệ 83,24% (tăng 0,74% so với năm 2022). Số việc chuyển kỳ sau là 347.874 việc.
+ Về tiền: Năm 2022 chuyển sang 250.728 tỷ 712 triệu 627 nghìn đồng. Thụ lý mới 165.298 tỷ 439 triệu 573 nghìn đồng, tăng 34.832 tỷ 748 triệu 031 nghìn đồng (26,70%) so với năm 2022.
Tổng số phải thi hành là 392.017 tỷ 956 triệu 269 nghìn đồng. Trong đó, có điều kiện thi hành 192.712 tỷ 992 triệu 117 nghìn đồng, chiếm 49,16%; chưa có điều kiện (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) 166.761 tỷ 090 triệu 377 nghìn đồng, chiếm 42,54%. Hoãn, tạm đình chỉ 32.543 tỷ 873 triệu 802 nghìn đồng (8,3%).
Đã thi hành xong 89.505 tỷ 526 triệu 750 nghìn đồng, tăng 14.264 tỷ 897 triệu 800 nghìn đồng so với năm 2022; đạt tỉ lệ 46,44% (tăng 1,03% so với năm 2022). Số tiền chuyển kỳ sau 302.512 tỷ 429 triệu 520 nghìn đồng (Phụ lục 3).
- Kết quả thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng:
+ Số việc phải thi hành là 39.710 việc với 153.681 tỷ 889 triệu 60 nghìn đồng. Đã thi hành xong 4.963 việc, thi hành xong về tiền 21.264 tỷ 978 triệu 924 nghìn đồng.
- Kết quả công tác phối hợp, tổ chức thi hành phần trách nhiệm dân sự trong các bản án, quyết định hình sự đối với người phải thi hành án đang là phạm nhân tại các trại giam:  Tổng số việc, tiền thụ lý của người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam là 121.787 việc (tăng 1,53% so với năm 2022), tương ứng với số tiền 44.248 tỷ 486 triệu 823 nghìn đồng (giảm 31,3% so với năm 2022). Đã thi hành xong 61.262 việc, thu được số tiền 3.906 tỷ 948 triệu 056 nghìn đồng đạt tỷ lệ 71,9% về việc và 15,7% về tiền.
- Kết quả thi hành án đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng: Về việc: Tổng số phải thi hành 4.879 việc, tăng 906 việc (22,80%) so với năm 2022. Trong đó, có điều kiện thi hành 3.374 việc, chưa có điều kiện (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) 1.470 việc, chiếm 30,13%. Đã thi hành xong 2.264 việc, tăng 369 việc (19,47%) so với năm 2022, đạt tỉ lệ 67,10%.  Về tiền: Tổng số phải thi hành 97.261 tỷ 377 triệu 452 nghìn đồng, tăng 7.651 tỷ 404 triệu 618 nghìn đồng (8,54%) so với năm 2022. Trong đó, có điều kiện thi hành 49.631 tỷ 935 triệu 953 nghìn đồng, chưa có điều kiện 44.145 tỷ 551 triệu 825 nghìn đồng, chiếm 45,39%. Đã thi hành xong 20.405 tỷ 278 triệu 948 nghìn đồng, tăng 4.415 tỷ 686 triệu 733 nghìn đồng (27,62%) so với năm 2022, đạt tỉ lệ 41,11%.

- Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS
Trong năm, Bộ Tư pháp và các cơ quan THADS đã tiếp 7.633 lượt công dân. Trong đó, tại Bộ Tư pháp là 763 lượt và tại các cơ quan THADS địa phương là 6.870 lượt, tăng 429 lượt (5.95%) so với năm 2022. Năm 2023, Bộ Tư pháp không có đoàn khiếu nại, tố cáo đông người.  Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Đã tiếp nhận 12.752 đơn, bao gồm: 6.425 đơn khiếu nại, 3.458 đơn tố cáo (tăng 3.035 đơn so với năm 2022) và 2.869 phản ánh, kiến nghị. Qua phân loại, có 2.669 việc thuộc thẩm quyền. Đã giải quyết xong 2.590 việc/2.669 việc (2.033 việc khiếu nại và 557 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 97,04%; số việc đang tiếp tục giải quyết là 83 việc theo trình tự, thủ tục.
* Kết quả công tác THAHC
Năm 2023, tổng số bản án, quyết định về vụ án hành chính (gọi chung là bản án) có nội dung phải thi hành là 1.375 bản án (kỳ trước chuyển sang là 563 bản án), tăng 453 bản án so với năm 2022. Số bản án Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC là 571 bản án. Kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 582/1.375 bản án (tăng 153 bản án so với năm 2022), đang tiếp tục thi hành 776 bản án, chủ yếu là các bản án mới phát sinh trong năm 2022 và năm 2023. Các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 1.388 bản án (bao gồm 1.375 bản án chấp nhận yêu cầu khởi kiện và 13 quyết định buộc thi hành án đối với công dân). Đã ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án đối với 769 vụ việc; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 718 vụ việc; đăng tải công khai 553 quyết định buộc THAHC của Tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 135 vụ việc.

VĂN PHÒNG TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

 


[1] Tăng 16,42% về việc, 26,70% về tiền.

[2]Đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.


Các tin khác