Giảm mạnh án dân sự tồn đọng, cách làm của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh

24/08/2012
Công tác thi hành án dân sự là công việc có nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp một phần do người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án, song cũng không ít người dù có điều kiện thi hành án nhưng họ chây ì, khất lần, dây dưa không tự giác thi hành án, một số đối tượng còn lăng mạ, chống đối người thi hành công vụ. Song vượt lên tất cả trở ngại, trong nhiều năm qua, cán bộ, công chức Cục thi hành án dân sự Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được ngành giao phó, tỷ lệ thi hành án dân sự hàng năm đạt từ 85% đến 90% số việc có điều kiện thi hành án dân sự, vượt chỉ tiêu của Bộ Tư Pháp giao và được đánh giá là đơn vị có những chuyển biến tích cực, có nhiều giải pháp, biện pháp và đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi hành án dân sự, góp phần không nhỏ bảo vệ sự nghiêm minh pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện công bằng xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.


Mặc dù vậy, tính đến thời điểm tháng 6 năm 2011, tỷ lệ án chưa có điều kiện thi hành ở Quảng Ninh còn quá cao so với mặt bằng chung của cả nước chiếm tới 61%, trong khi đó toàn quốc là 40% và số vụ phải cưỡng chế còn nhiều. Chấp hành nghiêm chỉnh kết luận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư tỉnh ủy về việc giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự tồn đọng. Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh và các huyện thị xã, thành phố của Quảng Ninh được củng cố kiện toàn theo quy chế hoạt động của Luật thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 14/2011 ngày 11/7/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đồng thời được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo đối với công tác thi hành án dân sự, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đánh giá thực trạng và bàn các giải pháp, biện pháp giải quyết tồn đọng án dân sự. Cục thi hành án dân sự là cơ quan Thường trực và Tham mưu của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh đã xây dựng kế hoạch công tác của ngành, bố trí lại cán bộ lãnh đạo, chấp hành viên ở các Chi cục, tăng cường cán bộ cho các địa phương trọng điểm, có nhiều án dân sự tồn đọng, giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn, các Chi cục thi hành án dân sự trong toàn tỉnh, xây dựng quy chế làm việc, gắn trách nhiệm với việc thực hiện nhiệm vụ đến từng bộ phận, cá nhân, đồng thời tổ chức các đợt cao điểm, rà soát phân loại các vụ án có điều kiện cũng như chưa có điều kiện thi hành để có biện pháp cụ thể, thành lập các tổ công tác giải quyết việc thi hành án dân sự còn tồn đọng. Cơ quan thi hành án dân sự cả hai cấp tỉnh và huyện, thị xã, thành phố tập trung toàn bộ lực lượng cùng chính quyền cơ sở, trực tiếp là cán bộ tư pháp xã, phường, cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố đi xác minh, đôn đốc thi hành án dân sự tại nhà các đương sự. Cục thi hành án dân sự tỉnh ký Quy chế làm việc, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong công tác thi hành án  dân sự, và phối hợp chặt chẽ các cơ quan, tổ chức hữu quan, các đoàn thể Mặt trận tổ quốc. Hội cựu chiến binh. Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên và các ngành trong khối Nội chính tăng cường công tác giáo dục, thuyết phục và thống nhất ý kiến giải quyết các vụ việc có vướng mắc, khó khăn về vật chứng và trả lại tài sản đảm bảo lợi ích hợp pháp của công dân. Nhờ những nỗ lực trên, hơn một năm qua, kể từ tháng 6 năm 2011 đến nay, cơ quan thi hành án cả hai cấp, đã đôn đốc thi hành án tại nhà  9.740 trường hợp, đã vận động, giáo dục, thuyết phục 364 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án và gia đình nộp thay cho đương sự, tập hợp hồ sơ xét, miễn, giảm 456 việc tổng số tiền 1.066.570.000đ. Những vụ việc phức tạp và những việc phải tổ chức cưỡng chế, các Ban thi hành án dân sự đã tập trung chỉ đạo, có sự phối hợp với các ngành chức năng thực hiện đạt kết quả tốt. Toàn tỉnh đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự đối với 38 việc, trong đó có 06 việc sau khi ra quyết định cưỡng chế đương sự đã tự nguyện chấp hành thi hành án; 26 việc không phải huy động lực lượng, chỉ còn 06 việc phải tổ chức huy động lực lượng cưỡng chế. Trong đó cơ quan Công an luôn đảm bảo lực lượng, hỗ trợ bảo vệ các vụ cưỡng chế có hiệu quả, đồng thời các cơ quan thi hành án dân sự đã phối hợp với Trại tạm giam Công an tỉnh xác minh, hướng dẫn, giải thích pháp luật để các đối tượng chấp hành thi hành án dân sự xong là một trong những điều kiện để xét giảm án phạt tù, đặc xá, trước thời gian đã có tác động tích cực đến các đối tượng và gia đình họ tự nguyện thi hành án ngay sau khi án có hiệu lực, đã góp phần giải quyết nhiều vụ án tồn đọng. Nhờ vậy, đến nay Quảng Ninh đã thi hành xong 8.973 việc trong tổng số 10.782 việc có điều kiện thi hành, đạt 83,2%, và thi hành xong về tiền là 162 tỷ  687 triệu đồng, trong tổng trên 244 tỷ đồng có điều kiện thi hành án, đạt 66,5%. Số án tồn đọng chưa có điều kiện thi hành án đã giảm 5.317 việc chiếm 61% số việc phải thi hành xuống còn 2.869 việc, chiếm 39% số việc phải thi hành. Đây là kết quả cao của công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc thi hành án dân sự tồn đọng.

Phát huy kết quả đã đạt được, cán bộ, công chức Cục thi hành án dân sự Quảng Ninh, tiếp tục thực hiện cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch về đạo đức, chuyên sâu về nghiệp  vụ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, giải quyết đúng thời hạn, đúng pháp luật trong thi hành án dân sự./.

 

Nguyễn Sơn Hải