Vĩnh Phúc: Khó thi hành án vì không xác định được nơi ở của đương sự

10/09/2012
Mặc dù đã áp dụng nhiều giải pháp quyết liệt để “giải phóng” lượng án tồn đọng, song công tác Thi hành án dân sự ở Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, theo Cục trưởng Nguyễn Đức Nghĩa nhiều vụ việc không xác định được nơi ở hiện tại  của đương sự nên dù muốn xét miễn, giảm cũng khó”.


Giao chỉ tiêu đến từng Chấp hành viên

Cho đến hết năm 2011, toàn ngành Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc còn đến 1530 việc chưa có điều kiện thi hành (chiếm 23,9%), với số chưa có điều kiện thu là gần 39 tỷ đồng (22,7%). Đây thực sự là mối lo ngại của toàn ngành, bởi lẽ với chỉ tiêu hàng năm Tổng cục giao, cần sự nỗ lực rất lớn của các cán bộ, Chấp hành viên thi hành án. Vì thế ngay từ đầu năm, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ cho từng đơn vị trong tỉnh và giao chỉ tiêu cho từng Chấp hành viên. Sau đó mỗi Chấp hành viên phải có kế hoạch của riêng mình nêu rõ thời hạn tổ chức thi hành án xong đối với từng việc thi hành án có điều kiện. Theo Cục trưởng Nguyễn Đức Nghĩa thì giao như vậy để nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, định kỳ theo dõi những ai đã hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh việc giao chỉ tiêu, Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh phúc đặc biệt quan tâm chú trọng đến công tác rà soát, phân loại án. Sau khi nhận hồ sơ, các Chấp hành viên phải kịp thời thông báo và xác minh điều kiện thi hành án. Trên cơ sở xác minh, hồ sơ được phân loại chính xác và có kế hoạch cụ thể để giải quyết từng vụ việc. Đối với án chưa có điều kiện, Chấp hành viên thực hiện đúng về trình tự, thủ tục và thời hạn xác minh, từ đó áp dụng các quy định của pháp luật để ra các quyết định hoãn, trả lại đơn yêu cầu. Còn đối với án có điều kiện, Chấp hành viên đã áp dụng đúng các trình tự, thủ tục từ thông báo, đôn đốc tổ chức thi hành để từ đó áp dụng các biện pháp cưỡng chế thích hợp. Qua đánh giá của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc, các quy trình, thủ tục này đã được Chấp hành viên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Vì thế, không có tình trạng biến án có thành không có điều kiện thi hành.

Ngoài ra, các biện pháp luân chuyển, điều động cán bộ, hướng dẫn nghiệp vụ...cũng được Cục Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện kịp thời, nhằm tăng cường lực lượng cho những đơn vị nhiều án, tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động nghiệp vụ. Nhờ áp dụng nhiều giải pháp, từ 01/10/2011 đến hết 15/8/2012, toàn ngành đã thi hành xong 3.582 việc, đạt tỷ lệ 85% (so với chỉ tiêu được giao, còn thiếu 3%), cao hơn 3% so với cùng kỳ năm 2011; đã thi hành được trên 63 tỷ đồng trong số tiền có điều kiện thi hành, cao  hơn 11,6 % so với cùng kỳ năm 2011.

Có tài sản lớn cũng...khó kê biên

Ngoài những việc chưa có điều kiện thi hành, với những vụ việc có điều kiện thì việc thi hành cũng không hề đơn giản. Theo Cục trưởng Nguyễn Đức Nghĩa, có nhiều vụ việc số tiền phải thi hành có giá trị lớn, việc thi hành án từ quá trình kê biên đến bán được tài sản phải diễn ra trong thời gian dài. Trong khi đó nhiều vụ việc đương sự đang chấp hành hình phạt tù dài hạn và chỉ có duy nhất là tài sản nhà đất, giá trị lớn hơn gấp nhiều lần nghĩa vụ phải thi hành án khó áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để đảm bảo thi hành do không có sự đồng tình của nhân dân và chính quyền cơ sở .

Hơn nữa, quy định bán đấu giá đến cùng hiện nay cũng đã gây khó khăn kéo dài, gây thiệt hại cho đương sự và việc giải quyết thi hành án. Theo ông Nghĩa, nguyên nhân của tình trạng này là do một số văn bản pháp luật liên quan giữa các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về công tác thi hành án dân sự chưa được kịp thời, đồng bộ, cộng với những khó khăn chung về tình hình kinh tế trong nước, trong khi số thụ lý mới tăng cao cả về giá trị và số lượng vụ việc và tính chất phức tạp đặc biệt là các án kinh tế; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác thi hành án dân sự trong tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu công tác...

Từ nay đến cuối năm, một trong những giải pháp mà Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện quyết liệt là tiến hành kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc, các chấp hành viên, để kịp thời chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao; đối với các vụ, việc có điều kiện thi hành, kết hợp giáo dục thuyết phục và cưỡng chế thi hành án để giải quyết dứt điểm (kiên quyết cưỡng chế đối với những vụ việc đương sự có điều kiện thi hành nhưng cố tình chống đối, trốn tránh trách nhiệm). Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, chủ động xây dựng kế hoạch giải quyết, báo cáo Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp để có hướng giải quyết dứt điểm.

                                                            Thu Hằng