Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự ở Lào Cai.

02/07/2013
Thi hành án dân sự là công việc phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người có liên quan. Việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án sẽ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ về tài sản của các bên đương sự.


Là một tỉnh miền núi biên giới có số lượng vụ việc phải thi hành án dân sự hàng năm không lớn so với một số tỉnh thành miền xuôi, tuy nhiên trong những năm gần đây, số lượng việc phải thi hành ở Lào Cai tăng khá nhanh (từ 1993 - 2003: phải thi hành 12.370 việc; từ 2004 - 2008: phải thi hành 9.146 việc; từ 2009 - 2012: phải thi hành 10.524 việc) và có nhiều vụ việc phức tạp, tập trung ở một số huyện, thành phố như: thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát… Do tính chất công việc phức tạp như vậy đã làm nảy sinh những khiếu nại tố cáo bức xúc, kéo dài của công dân về lĩnh vực thi hành án. Trong quá trình tổ chức thi hành án cho thấy, nhiều đương sự có điều kiện thi hành án nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành án, thậm chí có trường hợp còn chống đối quyết liệt, nhiều trường hợp không hiểu biết về trình tự thủ tục thi hành án hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân làm đơn khiếu nại, tố cáo không đúng qui định của pháp luật, nhằm để trì hoãn việc thi hành án. Nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại hết thẩm quyền nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gửi đơn đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, thậm chí có trường hợp còn tổ chức tụ tập đông người, kéo đến các cơ quan Trung ương gây rối trật tự, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Để thực hiện tốt quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai đã được thành lập Phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tiếp tham mưu cho Lãnh đạo Cục trong việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, đề nghị phản ánh của công dân; chỉ đạo và theo dõi các đơn thư chuyển cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết, đảm bảo mọi đề nghị phản ánh cũng như khiếu nại, tố cáo của công dân đều được giải quyết kịp thời; triển khai thực hiện nghiêm túc việc xây dựng Quy chế tiếp công dân; lịch tiếp công dân của lãnh đạo; công khai quy trình thủ tục thi hành án, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự; nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 1420/QĐ-GQKNTC ngày 01/01/2010 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ở cấp tỉnh và 9 đơn vị cấp huyện, đã công khai “đường dây nóng” để tạo điều kiện cho tổ chức và công dân phản ánh kịp thời những nội dung cần kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động của cơ quan Thi hành án trong phạm vi toàn tỉnh, vì vậy trong những năm qua công tác giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án dân sự ở Lào Cai đã được giải quyết kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Hồ sơ khiếu nại, tố cáo đã được lập riêng và lưu giữ đầy đủ các loại tài liệu phát sinh trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo. Từ năm 1993 đến tháng 6 năm 2013 toàn tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận và giải quyết 189 đơn thư (gồm 103 đơn khiếu nại, 09 đơn tố cáo, 77 đơn đề nghị phản ánh), trong quá trình giải quyết đã phân loại có 98 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, 91 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Đã giải quyết dứt điểm, kịp thời các đơn thư, đạt tỷ lệ 100%.

Trong quá trình giải quyết cơ quan Thi hành án dân sự luôn chú trọng tiến độ, thời hạn, chất lượng giải quyết, tăng cường đối thoại, giải thích, thuyết phục, xác minh từng nội dung cụ thể xem xét vụ việc khách quan, đúng người đúng việc, tập hợp đầy đủ các thông tin, diễn biến của vụ việc, kể cả tâm tư nguyện vọng của đương sự, qua đó căn cứ vào qui định của pháp luật ra quyết định giải quyết phù hợp. Chính vì vậy trong những năm gần đây, việc khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự đã giảm đi đáng kể, hạn chế số lượng đơn thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Đặc biệt, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đồng thời quán triệt những nội dung cơ bản của quy định về “chuẩn mực đạo đức chấp hành viên” đến toàn thể cán bộ công chức trong ngành nên đã góp phần hạn chế việc phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, qua việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo về thi hành án ở Lào Cai cũng cho thấy bên cạnh các đơn thư khiếu nại tố cáo đúng với thực tế sự việc thì còn có một số trường hợp đương sự lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để cố tình chây ỳ, trì hoãn và chống đối việc thi hành án, khiếu nại tràn lan, vượt cấp, tố cáo sai sự thật, vì thế đã phần nào làm mất thời gian, công sức và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan thi hành án.

Nguyên nhân của việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng do lượng việc thi hành án hàng năm phát sinh ngày càng nhiều, số lượng việc thi hành án còn tồn đọng chuyển qua năm sau nhiều; ở một số nơi Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương thiếu quan tâm trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; các cơ quan hữu quan thiếu sự phối hợp, có nhiều vụ việc còn đùn đẩy, né tránh làm cho việc thi hành án dân sự ở từng lúc, từng nơi gặp nhiều trở ngại, thậm chí có trường hợp để giải quyết được cần phải tổ chức họp liên ngành, họp Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự nhiều lần, kéo dài thời gian nên đã gây ra sự chậm trễ trong việc thi hành án dẫn đến khiếu nại, tố cáo của đương sự; Nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã được tổ chức thi hành án xong, lại bị Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên kháng nghị yêu cầu xét xử lại, nhiều trường hợp kéo dài nhiều năm liền nhưng vụ án vẫn chưa được xét xử xong hoặc kết quả xét xử lại trái ngược nhau (vụ Bàn Thanh Trường - thành phố Lào Cai, vụ Hà Huy Hùng - huyện Mường Khương); Chưa phối hợp thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản, để đảm bảo thi hành án (vụ Trần Thị Cẩm Linh -thành phố Lào Cai); Nhiều trường hợp bản án, quyết định của toà án tuyên không rõ ràng, không có tính khả thi, có sai lầm hoặc sai sót về số liệu nhưng cơ quan Thi hành án dân sự yêu cầu không được Tòa án kịp thời giải thích (vụ La Văn Hát - huyện Văn Bàn). Nhiều vụ việc đã tổ chức kê biên, định giá, bán đấu giá nhưng phải tổ chức lại nhiều lần do không có người mua tài sản. Những vấn đề nói trên phần nào gây bức xúc cho đương sự dẫn đến khiếu nại. Có nhiều trường hợp người phải thi hành án lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo làm đơn khiếu nại, tố cáo sai sự thật (vụ Nguyễn Anh Ngọc - thành phố Lào Cai, vụ Nguyễn Thị Loan - huyện Bát Xát) hoặc gây rối, cản trở, trốn tránh việc thi hành án khiến cho bản án kéo dài, chưa thể thi hành được. Ngoài ra có một số ít cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc chưa tích cực học tập để nâng cao trình độ nhận thức, năng lực chuyên môn, chưa nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật về thi hành án, trong tác nghiệp còn cẩu thả, tùy tiện dẫn đến sai sót, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo của đương sự...

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cần:

- Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác giải quyết thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

- Làm tốt công tác tuyên truyền việc chấp hành pháp luật, nhất là pháp luật về thi hành án trong nhân dân.

- Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ thi hành án cho cán bộ công chức trong ngành, thực hiện nghiêm túc quy trình thủ tục thi hành án và Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo ban hành kèm theo Quyết định 1420 của Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự.

- Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra giám sát về thi hành án trong phạm vi toàn tỉnh để công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực thi hành án ở Lào Cai đạt kết quả cao hơn nữa, nhằm góp phần xây dựng ngành Thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Tạ Thị Lan Anh

Cục THADS tỉnh Lào Cai