Lào Cai: Thực hiện tốt công tác phối hợp trong thi hành án dân sự

15/07/2013
Việc phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức, ban ngành liên quan trong thi hành án dân sự là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Do tính chất đặc thù của công tác thi hành án nói chung, thi hành án dân sự ở Lào Cai nói riêng đều liên quan trực tiếp đến quyền về tài sản và nhân thân của các bên đương sự (người phải thi hành án và người được thi hành án). Trong tác nghiệp, cơ quan Thi hành án dân sự phải tiến hành rất nhiều thủ tục như: Tống đạt các văn bản giấy tờ về thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, áp dụng các biện pháp đảm bảo, các biện pháp cưỡng chế thi hành án v.v...


Để thực hiện đầy đủ các tác nghiệp trên, lãnh đạo, chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai luôn coi trọng và duy trì thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp trên cơ sở Luật thi hành án Dân sự và các quy định của pháp luật liên quan và quy chế liên ngành. Sự phối hợp với các cơ quan trong Khối Nội chính, các cơ quan chuyên môn trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhiều năm qua được các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện hiệu quả.

Để làm tốt công tác bảo vệ, giữ gìn trật tự an ninh, xử lý các hành vi vi phạm trong thi hành án dân sự; Thực hiện các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là hỗ trợ cưỡng chế có huy động lực lượng; Công tác giáo dục người đang chấp hành án hình sự thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Toà án; Cung cấp các thông tin, gửi thông báo giấy tờ về thi hành án dân sự liên quan về người phải thi hành nghĩa vụ về dân sự đang chấp hành án hình sự; Thu tiền thi hành án; Nơi cư trú của người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù, được đặc xá, được miễn chấp hành hình phạt tù…, cơ quan Thi hành án dân sự đã phối hợp với cơ quan Công an và Trại tạm giam thực hiện thường việc trao đổi thông tin hai chiều để tạo điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện nhiệm vụ chung và thúc đẩy việc chấp hành thực hiện nghĩa vụ dân sự của phạm nhân nói chung, người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù nói riêng đạt hiệu quả.

Hiệu quả công tác thi hành án dân sự còn liên quan nhiều đến hiệu lực của bản án, quyết định đã tuyên cũng như ý thức pháp luật của người dân nói chung, người phải thi hành án nói riêng, như vậy cơ quan Thi hành án luôn coi trọng công tác phối hợp với Tòa án – Viện kiểm sát các cấp trong việc tiếp nhận bản án, quyết định; Giải thích bản án, quyết định; Trả lời kiến nghị khi cơ quan Thi hành án có yêu cầu; Xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án; Giải quyết yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự về xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp tài sản phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự; Công tác kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong thi hành án nhằm hỗ trợ cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc thụ lý, xác minh, phân loại hồ sơ; Xử lý tiêu huỷ vật chứng; Giải quyết khiếu nại – tố cáo; Cưỡng chế thi hành án và các thủ tục liên quan khác.

Ngoài ra để thực hiện các nghiệp vụ liên quan, hoàn thiện hồ sơ thi hành án, cơ quan Thi hành án, chấp hành viên còn thực hiện công tác phối hợp các cơ quan chuyên môn trong việc chuyển giao vật chứng, tài sản tịch thu sung công; Xử lý tiêu hủy tang vật; Xác định giá đối với tài sản kê biên tạm giữ để đảm bảo thi hành án; Cung cấp kịp thời thông tin, số liệu về tài khoản, các khoản thu nhập của người phải thi hành án; Thực hiện, kịp thời yêu cầu của chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền trong tài khoản, giải toả việc phong toả tài khoản, phong toả tài sản, khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án; Tạm dừng hoặc dừng việc thực hiện các yêu cầu liên quan đến các giao dịch đối với tài sản của người phải thi hành án đăng ký tại cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm; Thực hiện kịp thời việc đăng ký quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho người mua được tài sản, người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án; Thường xuyên thực hiện việc phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp để tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án ở địa phương; Tham gia vào việc xác minh điều kiện thi hành án, công tác cưỡng chế tại địa phương; Cung cấp địa chỉ, tài liệu, điều kiện về thu nhập, tài sản của người phải thi hành án là công dân, tổ chức thuộc phạm vi địa phương mình quản lý và các việc khác theo quy định của pháp luật.

Có được mối quan hệ phối hợp như trên, cũng phải nói đến việc tập thể lãnh đạo Cục thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai luôn thực hiện tốt các giải pháp như: Tranh thủ sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, đặc biệt là Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh và cấp ủy Chi bộ trong việc phối hợp liên ngành trong thi hành án; Kết hợp với sự nỗ lực thực hiện của toàn thể cán bộ, công chức thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai và sự phối hợp có hiệu quả của nhiều cơ quan, ban ngành đoàn thể  liên quan. Công tác thi hành án dân sự Lào Cai đã tạo được sự chuyển biến rõ nét thông qua kết quả giải quyết án hàng năm của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh, khẳng định được vai trò, vị thế của  công tác thi hành án dân sự đối với đời sống xã hội.

Lục Xuân Diu

Cục THADS Lào Cai