Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh – 20 năm một chặng đường xây dựng và phát triển

18/07/2013
Với tất cả sự khiêm nhường và thận trọng là bản tính riêng có của người làm công tác thi hành án dân sự, Cán bộ công chức thi hành án dân sự quận Tân Bình có quyền khẳng định: Hai mươi năm qua, cơ quan Thi hành án dân sự quận Tân Bình luôn đồng thuận, đoàn kết, cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại. Từ trụ sở làm việc, cơ sở vật chất nghèo nàn, thể chế, chính sách còn nhiều bất cập, đời sống thiếu thốn, nguồn nhân lực thiếu và yếu để vươn lên từng bước xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Chặng đường 20 năm so với chiều dài, bề dày lịch sử cách mạng của đất nước, của ngành Tư pháp là chưa dài, nhưng cũng đủ ghi lại nhiều dấu ấn về sự đóng góp nhiệt tình, hiệu quả của lớp lớp cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự quận Tân Bình với sự nghiệp xây dựng ngành Tư pháp trong đó có các cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng.

Thật vậy. Năm 1993 có ý nghĩa đặc biệt, nó là thời điểm đặt dấu mốc lịch sử cho ngành Thi hành án dân sự nói chung và cơ quan Thi hành án dân sự quận Tân Bình nói riêng khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội Khoá IX về việc bàn giao công tác thi hành án từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ.

Tiếp đó, Ngày 02/6/1993, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 266/TTg về triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự. Đến hết tháng 6/1993 thì việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân quận Tân Bình đã được thực hiện xong. Cơ quan Thi hành án dân sự quận Tân Bình Chính thức đi vào hoạt động độc lập với tòa án.

Với tính chất của thể chế song trùng trực thuộc, cùng với nhận thức: hoạt động thi hành án dân sự không thể hoàn thành nếu tách rời khỏi hệ thống chính trị cơ sở. Từ ngày thành lập đến nay, Cơ quan Thi hành án dân sự quận Tân Bình luôn nhận được sự quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, mang tính nhất quán, xuyên suốt của Đảng bộ, Chính quyền quận; sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả từ các ban ngành đoàn thể, Ủy ban nhân dân 15 phường, cơ quan tổ chức hữu quan trong và ngoài quận Tân Bình.

Bên cạnh đó, sự quan tâm theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức cán bộ của Sở Tư pháp; Cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh là nhân tố quan trọng tạo nên diện mạo cơ quan Thi hành án dân sự quận Tân Bình ngày nay.

Cán bộ là gốc, quyết định sự thành công hay thất bại của công việc và sự vững mạnh của một tổ chức.

Từ nhận thức đó. Hai mươi năm qua cũng là hai mươi năm chứng kiến quá trình phát triển của từng con người và toàn cơ quan Thi hành án dân sự quận Tân Bình. Như một đứa trẻ bước những bước chập chững non nớt, có khi vấp ngã. Cho đến ngày nay, tự tin đứng vững, bước đi mạnh mẽ và khẳng định vị trí không thể thay thế trong ngành Thi hành án dân sự, bằng chính đôi chân của mình.

Có được sức mạnh đó, chính là do ý chí và nghị lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ được tôi luyện trong tri thức pháp luật và hoạt động thực tiễn. Những khó khăn thách thức buổi đầu là hòn đá thử vàng để định tính trong mỗi cá nhân bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức của người cán bộ tư pháp, am tường hệ thống pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy phục vụ nhân dân. Luôn được soi rọi, làm mới bản thân mình bằng sự nỗ lực học tập là làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Trong tổ chức thi hành án dân sự. Hiệu quả công việc, hay nói cách khác, bản án, quyết định của Tòa án nhất định được thi hành trên thực tế là thước đo giá trị, nói lên tất cả.

Được Đảng, Nhà nước, xã hội đánh giá là hoạt động hết sức khó khăn, phức tạp. Hai mươi năm qua, cùng sự nghiệp đổi mới, nền kinh tế theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng. Quận Tân Bình lại là của ngõ Quốc tế cả đường hàng không và đường bộ. Vì vậy, số lượng vụ việc phải tổ chức thi hành ngày càng tăng, tính chất tranh chấp, xung đột lợi ích ngày càng đa dạng, phức tạp. Tính đến thời điểm hiện nay, cơ quan đã thụ lý tổ chức thi hành trên 65 nghìn vụ việc với tổng số tiền phải thu cho Nhà nước, cá nhân, tổ chức gần 1.000 tỷ đồng.

Quá trình tổ chức thi hành án dân sự không được phép sai lầm. Bởi lẽ sai phạm trong hoạt động thi hành án là không thể khắc phục, hậu quả để lại rất nặng nề, tổn thất không những gây thiệt hại cho đương sự về vật chất, tình thần mà còn gây tổn thất cán bộ thi hành án. Chính vì lý do có tính sống còn đó mỗi cán bộ, công chức thi trong cơ quan thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng áp dụng pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống pháp lý và thực tiễn trong toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án. Bảo đảm chính xác, hiệu quả trong từng thao tác nghiệp vụ.

Bình đẳng trước pháp luật là đòi hỏi trong nhận thức và trong công việc của người tổ chức thi hành án dân sự. Tuy nhiên, mỗi hồ sơ là một số phận khác nhau. Vì vậy, những năm qua, lãnh đạo cơ quan luôn định hướng cho chấp hành viên tập trung, nỗ lực trong tổ chức thi hành vụ việc mà người được thi hành án thuộc nhóm yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội. Coi đó cũng là một cách theo đuổi mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và thể hiện tính nhân đạo của pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động quản lý điều hành được tập thể lãnh đạo cơ quan vận dụng khoa học theo đặc thù lưỡng tính: Tố tụng – Hành chính của thể chế thi hành án dân sự hiện hành. Đó là tính tương đối độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật của hoạt động tố tụng  và tính chất mệnh lệnh, phục tùng lãnh đạo của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Thông qua hệ thống nội quy, quy chế chặt chẽ và hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên, kết hợp mở rộng, thực hành dân chủ cơ quan.

Từ một đơn vị trắng về hệ thống chính trị, sinh hoạt ghép với khối văn phòng Ủy ban nhân dân quận, không gắn với nhiệm vụ chuyên môn, vì vậy hiệu quả hoạt động các mặt không cao. Sau khi tách quận và kiện toàn đội ngũ. Lãnh đạo cơ quan đã tham mưu Quận ủy, các tổ chức chính trị thành lập Chi bộ sơ sở; tổ chức Công đoàn; Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và gần đây nhất Hội cựu chiến bình được hình thành, tạo nên hệ thống chính trị hoàn chỉnh, thống nhất, góp phần lãnh đạo toàn diện hoạt động cơ quan. Qua đó phát huy hiệu quả tích cực trong công tác lãnh đạo, vận động đoàn viên, hội viên nỗ lực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, làm nhiều việc có ý nghĩa xã hội cao như gây quỹ “Xây nhà tình thương”. Trong 3 năm đã xây dựng được 3 căn nhà và hỗ trợ vật dụng thiết yếu, với tổng trị giá gần 150 triệu đồng. Đồng thời khẳng định vị trí là một thành viên có trách nhiệm trong tiến trình xây dựng, phát triển của địa phương.

Hai mươi năm phấn đấu, trưởng thành. Tập thể cơ quan Thi hành án dân sự quận Tân Bình và cán bộ, công chức vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, Bộ Tư pháp và Cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhưng với mỗi Cán bộ công chức cơ quan, phần thưởng cao quý nhất là khi thi hành hiệu quả một vụ việc, đem lại cho người được thi hành án niềm tin vào tính công bằng của pháp luật,  ánh sáng công lý được chiếu rọi, từ đó tiếp thêm cho cán bộ công chức làm công tác thi hành án dân sự nghị lực, niềm tin yêu công việc tuy rất gian khó, nặng nề nhưng ý nghĩa chính trị - xã hội rất cao cả mà Đảng và Nhà nước tin giao.

Ngô Văn Hạnh