Người đầu tiên.

30/07/2013
Tôi gọi như thế bời vì ông là người đầu tiên có tên trong Đội thi hành án của huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Ông là Phùng Văn Nhiệm - chấp hành viên nay đã nghỉ hưu. Nguyên là Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Phúc Thọ, khi có quyết định của Bộ Tư pháp thành lập Đội thi hành án trực thuộc Phòng tư pháp huyện ông được đứng tên đầu tiên trong danh sách và giữ cương vị Quyền Đội trưởng, người làm trợ lý cho ông lúc đó là ông Doãn Hồng Minh sau là chấp hành viên về hưu được hơn hai năm thi mất vì bệnh tim.

Thủa đầu nhiều gian nan, vất vả nhưng ông vẫn kiên định và gắn bó trọn đời mình cho ngành Thi hành án. Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập ngành 20/7/1993-20/7/2013 chúng tôi rất trân trọng mời ông tới dự và nói chuyện để ôn lại những ngày ông còn công tác và chỉ bảo kinh nghiệm cho cán bộ, công chức đang và tiếp tục theo nghiệp thi hành án. Được gặp lại đồng đội, gặp lại những người thân quen, ông hào hứng lắm. Theo lời ông kể thì: những năm đầu còn ở chung với Phòng tư pháp huyện, phụ thuộc nhiều yếu tố, cơ sở vất chất không có, tiền lương rất ít. Nhưng có điều là anh em rất tình cảm, đoàn kết, công việc thì không ai ngại khó ngại khổ, mọi người đều có tình thần trách nhiệm cao. Có điều ngày đó cũng có chỉ tiêu nhưng không nặng như bây giờ, đường xa, phương tiện đi lại không có nhưng án dễ thi hành hơn, số lượng án ít hơn. Bây giờ các chú, các anh chị có cơ sở vất chất khang trang hơn, phương tiện đầy đủ thuận lợi hơn nhưng có lẽ các chú, các anh chị vất vả hơn chúng tôi ngày xưa, vì nghe các chú nói mỗi chấp hành viên một năm mấy trăm hồ sơ trong đó hồ sơ khó thi hành nhiều, nhiều đối tượng chây ỳ, ngang ngược, công tác phối hợp chưa đủ để đảm bảo đạt được kết quả như mong muốn. Ông nói ‘Thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội nhưng lại mang tính thầm lặng đòi hỏi các chú phải kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ, có thể phải đưa ra nhiều phương án khác nhau mới giải quyết được một việc phức tạp. Bây giờ Nhà nước giao chỉ tiêu cao như vậy (89% về việc, 77% về tiền) các chú phải nêu cao tình thần trách nhiệm, cần cù, sáng tạo nhất là trú trọng công tác phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đã về nghỉ được năm năm rồi nhưng mỗi lần nói đến thi hành án tôi lại nhớ đến những kỷ niệm về một thời công tác, cảm giác tôi thấy lâng lâng. Hôm nay được gặp các chú, các anh chị, tôi chỉ mong các chú, các anh chị cố gắng vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều cán bộ, công chức làm việc tại Thi hành án Phúc Thọ rất tiến bộ và đã được phát triển, nay các chú cố gắng phát huy để ngày càng tiến bộ và phát triển hơn để ngành Thi hành án ngày càng phát triển.

Về nghỉ hưu, ông vẫn là trụ cột một gia đình, chăm lo cho sự phát triển của con cái, vẫn tận tụy, chịu khó tăng gia sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế cho gia đình. Ông vẫn thường gửi cho chúng tôi những quả bưởi, quả nhãn để đồng đội của ông được thưởng thức những sản phẩm cây nhà do chính bàn tay ông làm ra. Có lẽ từ những khó khăn, vất vả mà sinh ra những con người hiền hậu, chân thật như vậy, hay đây chính là bản chất của những người làm công tác thi hành án.

Lắng nghe những kinh nghiệm và chứng kiến con người chân thực như ông, toàn thể cán bộ, công chức dường như đã nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của công tác thi hành án dân sự, càng yêu ngành hơn và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho.

Văn Hồng Yên