Trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác thi hành án dân sự trên địa thành phố Hà Nội có nhiều thuận lợi với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, của Tổng cục Thi hành án dân sự, lãnh đạo thành phố Hà Nội và sự phối hợp của các Sở, ngành liên quan. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn, số việc và số lượng tiền thụ lý mới đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2014, việc thực hiện chỉ tiêu được giao theo Nghị quyết của Quốc hội là hết sức nặng nề. Tập thể cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã bám sát Kế hoạch công tác năm 2015, triển khai đồng bộ và kịp thời các công việc theo kế hoạch đã đề ra, bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Báo cáo Kết quả công tác thi hành dân sự 6 tháng đầu năm 2015, nhiệm vụ, giải pháp công tác 6 tháng cuối năm 2015 do đồng chí Phó Cục trưởng Dương Minh Công trình bày tại Hội nghị cho thấy kết quả thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2015:
- Về việc: tổng số thụ lý là 24.933 việc, tăng 1.444 việc (6%) so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, số cũ chuyển sang là 11.344 việc, số thụ lý mới là 13.589 việc, giảm 58 việc (0,4%) so với năm 2014. Kết quả xác minh, phân loại, có: 17.165 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 69%), tăng 523 việc (3%) so với cùng kỳ năm 2014; 7.768 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 31%). Trong số việc có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 9.241 việc, đạt tỷ lệ 54%, giảm 506 việc, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm 2014 (so với chỉ tiêu được giao năm 2015, còn thiếu 35%). Tổng số việc phải giải quyết chuyển kỳ sau là 15.692 việc, tăng 1.950 việc (14%) so với số việc năm 2014 chuyển sang.
- Về tiền: tổng số thụ lý là 8.691.043.242.000 đồng, tăng 2.787.286.677.000 đồng (47%) so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, số cũ chuyển sang là 3.414.793.400.000 đồng, số thụ lý mới là 5.276.249.842.000 đồng, tăng 1.613.264.040.000 đồng (44%) so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả xác minh, phân loại, có: 7.634.534.503.000 đồng có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 88%), tăng 2.345.941.052.000 đồng (44%) so với cùng kỳ năm 2014; 1.056.508.739.000 đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 12%). Trong số có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 1.488.573.740.000 đồng, đạt tỷ lệ 19%, tăng 608.900.200.000 đồng, cao hơn 2% so với cùng kỳ năm 2014 (so với chỉ tiêu được giao năm 2015, còn thiếu 59%). Tổng số tiền còn phải giải quyết chuyển kỳ sau là 7.202.469.503.000 đồng, tăng 2.178.386.477.000 đồng (43%) so với số tiền năm 2014 chuyển sang.
Lãnh đạo các đơn vị tham dự họp đã tập trung tham luận, đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án của đơn vị mình. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn nhiều, các đơn vị đều phản ánh số việc kinh doanh thương mại tiếp tục tăng, số tiền phải thi hành rất lớn. Lãnh đạo các đơn vị đều biểu thị quyết tâm chính trị cao trong việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Cục trưởng Lê Quang Tiến yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã trực thuộc và Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Lãnh đạo Cục tập trung chỉ đạo với sự nỗ lực và quyết tâm cao nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự trong 06 tháng cuối năm. Nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế, thường xuyên rà soát, thống kê, phân loại chính xác việc có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành. Xây dựng kế hoạch tổ chức các đợt thi hành án dân sự cao điểm, đợt thi hành án dân sự tập trung nhằm đẩy nhanh tiến độ thi hành án, giảm mạnh lượng án tồn đọng, các vụ việc có khiếu nại, tố cáo phức tạp, tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra và tự kiểm tra; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong đơn vị, xác định năm 2015 tiếp tục là năm kỷ luật, kỷ cương. Tích cực thi hành án các vụ việc có liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng. Thực hiện kế hoạch điều động Chấp hành viên sơ cấp mới được bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác của chấp hành viên lâu năm, luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Thi hành án dân sự. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Lê Xuân Tùng