Xử lý hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ theo Quy định số 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới

27/11/2023


Ngày 11 tháng 7 năm 2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (sau đây gọi tắt là Quy định số 114-QĐ/TW) thay thế cho Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”
Theo Điều 3, 4, 5 Quy định số 114-QĐ/TW thì hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có 03 nhóm chính với 19 hành vi, cụ thể như sau:
* Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn:
(1) Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.
(2) Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.
 (3) Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.
 (4) Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy định số 114-QĐ/TW  đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định.
 (5) Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.
 (6) Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
 (7) Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.
(8) Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.
* Hành vi chạy chức, chạy quyền:
(1) Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
(2) Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi.
(3) Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm,... nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.
(4) Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
(5) Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân.
(6) Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để đặt ra yêu cầu vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
* Các hành vi tiêu cực khác
(1) Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự.
(2) Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.
(3) Làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ.
(4) Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực.
(5) Trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ.

Xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (vi phạm một hoặc nhiều trong số 19 hành vi kể trên) sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 14 Quy định số 114-QĐ/TW. Cụ thể, cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý sau:
- Bị khiển trách thì sau thời hạn ít nhất 12 tháng kể từ ngày quyết định khiển trách có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
- Bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm. Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
- Bị cách chức thì sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày quyết định cách chức có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
- Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
- Đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có kết luận vi phạm thì chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định.
Như vậy, cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời, cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý nhẹ nhất là khiển trách và nặng nhất là khai trừ ra khỏi Đảng, buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài ra còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới
Ngay từ những năm đầu của chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên lượng về sự xuất hiện của nguy cơ tham nhũng. Người khẳng định: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta” “tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Vì vậy, ngày 27 tháng 11 năm 1946, Sắc lệnh số 223 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được gan hành đã quy định tội đưa và nhận hối lộ bị phạt khổ sai từ 05 - 20 năm; sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình. Những quy định này được thực thi hết sức nghiêm minh, bất kể người đó là ai, ở cương vị, hoàn cảnh nào cũng không có sự khoan nhượng. Những biện pháp ấy không chỉ phù hợp với hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ mà cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị bởi tính thời sự của nó.
Thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để khắc phục khó khăn và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; đề cao sự gương mẫu, trung thực, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như: Kết luận số 12-KL/TW ngày 06 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về bảo về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,v.v…
Hai là, tiếp tục xây dựng hoàn thiện, đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là văn bản hướng dẫn thống nhất cho hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập; thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước,v.v… Xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch tiếp tục thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, chuẩn bị các điều kiện pháp lý khi Việt Nam bước vào chu kỳ tiếp theo, đó là trách nhiệm thu hồi tài sản, thu nhập khi chủ thể bị kiểm soát không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản.
Ba là, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bốn là, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi gian dối trong kê khai, tẩu tán tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là cơ quan thanh tra nước, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ở các cấp, các ngành, các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.
Năm là, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí - truyền thông và nhân dân trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tóm lại, nhận thức là một quá trình, nhưng từ nhận thức biến thành hành động thực tiễn đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị, có hành lang pháp lý, có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”,“Nhất hô bá ứng”,“Trên dưới đồng lòng”,“Dọc ngang thông suốt” (Trích lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023). Điều đó mới bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trần Thị Thanh Trang - Vụ TCCB