Tiếp tục tăng cường giải pháp thực hiện hiệu quả công tác giải quyết bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự

08/04/2024


Trong thời gian vừa qua, trên cơ sở kết quả theo dõi công tác bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự nhận thấy: nhìn chung việc giải quyết các vụ việc bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính đã được các cơ quan thi hành án dân sự địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, do đó, kết quả giải quyết bồi thường nhà nước năm 2023 tăng 66,7% so với cùng kỳ năm 2022. Quá trình giải quyết, các cơ quan thi hành án dân sự cũng đã chủ động kiểm soát tình hình, tăng cường đối thoại, thoả thuận nên nhiều trường hợp đương sự rút yêu cầu bồi thường nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trên cơ sở số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy hoạt động thi hành án dân sự đang phải đối mặt nguy cơ gia tăng các vụ việc bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính với số tiền lớn. Để hạn chế thấp nhất các vụ việc có nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đồng thời giải quyết dứt điểm vụ việc đã phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích của đương sự, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thi hành án dân sự đã triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
1. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Bồi thường nhà nước trong các công tác: (1) Rà soát, nắm bắt thông tin, lập danh mục các vụ việc bồi thường nhà nước phát sinh, (2) Phối hợp giải quyết, tháo gỡ đối với những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài trong hoạt động thi hành án dân sự tại địa phương để có phương án giải quyết dứt điểm, (3) Hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước đối với cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong hoạt động thi hành án dân sự, (4) Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước, (5) Theo dõi, đôn đốc công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, (6) Giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong hoạt động thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, (7) Hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Thông tư số 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước, (8) Kiểm tra công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, (9) Tham gia xác minh thiệt hại, thương lượng đối với các vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tổng cục thi hành án dân sự theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết.
2. Tăng cường chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ gắn với công tác bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính (Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Công văn số 1020/TCTHADS-NV3 ngày 19/03/2024 về việc chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong hệ thống thi hành án dân sự), trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: (1) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm hạn chế phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính theo đúng nội dung chỉ đạo tại Công văn số 2713/TCTHADS-NV3 ngày 28/7/2023 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự, (2) Đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chấp hành nghiêm việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước theo triệu tập của Tòa án, tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung; cử người tham gia hiệu quả tại Tòa án, chỉ đạo và hỗ trợ các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc trong việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước theo triệu tập của Tòa án theo đúng nội dung chỉ đạo tại Công văn số 2211/TCTHADS-NV3 ngày 27/7/2020 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường, (3) Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo cụ thể đối với từng vụ việc phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước theo đúng nội dung chỉ đạo tại Công văn số 3679/TCTHADS-NV3 ngày 04/11/2021 của Tổng cục Thi hành án dân sự về công tác báo cáo bồi thường nhà nước trong hệ thống thi hành án dân sự, (4) Xem xét, xử lý nghiêm minh, kịp thời ngay khi phát hiện các vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án dẫn đến phải thực hiện hoặc nguy cơ phải thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tránh tình trạng để quá thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ công chức. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ, trước pháp luật về kết quả xử lý cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền. Trường hợp đã xem xét xử lý cán bộ, công chức mà qua quá trình theo dõi, kiểm tra, kiểm sát,…của cơ quan có thẩm quyền phát hiện việc xử lý không đúng, có sai phạm trong quá trình xử lý thì sẽ xem xét trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, (5) Đối với những vụ việc yêu cầu bồi thường của đương sự đã có quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại cần nghiêm túc, khẩn trương rà soát, lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự tại Công văn số 1994/TCTHADS-NV3 ngày 06/6/2018 về việc hướng dẫn thống nhất áp dụng các quy định pháp luật để thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo bản án, quyết định của Tòa án và Công văn số 4308/TCTHADS-NV3 ngày 13/11/2023 về việc triển khai Kế hoạch thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với công tác bồi thường nhà nước, (6) Đối với các vụ việc bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính đã được cấp kinh phí đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại, thực hiện trách nhiệm hoàn trả theo đúng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án, (7) Đối với các khoản tiền bồi thường nhà nước đã được cấp kinh phí mà người được bồi thường không nhận, đề nghị thực hiện theo đúng chỉ đạo của Tổng cục tại Công văn số 1142/TCTHADS-NV3 ngày 08/4/2021 về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự.
Với việc triển khai đầy đủ, kịp thời, trong đó chú trọng vào thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án, giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước, lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí, thực hiện việc chi trả, hoàn trả…, đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Bồi thường nhà nước một cách bài bản, chặt chẽ, được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết dứt điểm những vụ việc có khó khăn, vướng mắc, phức tạp kéo dài, hạn chế các vi phạm làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, từ đó giảm thiểu số việc và tiền phải bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự năm 2024.
VNV3