Sign In

Một số vấn đề về quyền hạn của chấp hành viên

20/04/2017

Thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động nhằm đảm bảo các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án và các quyết định khác được thi hành theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên được trao những quyền hạn nhất định để thực thi nhiệm vụ được giao, là người giữ vị trí trung tâm của mọi hoạt động THADS.
Theo quy định tại Điều 17 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014, thì: Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự. Chấp hành viên có ba ngạch là: Chấp hành viên sơ cấp, chấp hành viên trung cấp và chấp hành viên cao cấp[1]. Để bảo đảm, bảo vệ cho hoạt động của chấp hành viên được tuân theo pháp luật, pháp luật THADS cũng quy định về quyền, quyền hạn của chấp hành viên. Ở góc độ thứ nhất, quyền của chấp hành viên được hiểu là “Điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi”[2]. Ở góc độ này được hiểu là quyền của chấp hành viên được pháp luật công nhận cho hưởng quyền và được quyền đòi hỏi bảo đảm quyền của mình, nghĩa là chấp hành viên có quyền đòi hỏi pháp luật phải bảo vệ mình, mà cụ thể là bảo vệ tình mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Ở góc độ thứ hai, quyền của chấp hành viên được hiểu là “quyền được xác định về nội dung, phạm vi, mức độ”[3] - nghĩa là những quyền hạn của chấp hành viên được pháp luật THADS quy định được làm hoặc phải làm và khi thực hiện quyền hạn thì phải tuân theo nội dung, phạm vi, mức độ,... cho phép. Tuy nhiên, trong thực tiễn tổ chức THADS, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều rào cản, nhiều hạn chế đảm bảo thực thi quyền và quyền hạn của chấp hành viên nhất là quyền được pháp luật bảo về danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền yêu cầu của chấp hành viên. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ bàn đến hai góc độ về quyền - quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền hạn - quyền yêu cầu của chấp hành viên.         
1. Về quyền được pháp luật bảo vệ của chấp hành viên
Chấp hành viên cũng là con người, vì vậy, trong quá trình tổ chức THADS chấp hành viên cũng cần được pháp luật bảo vệ. Điều 20 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín”[4].
Nếu như, quyền của chấp hành viên gắn liền với trách nhiệm (quyền hạn) nói chung, hay quyền yêu cầu của chấp hành viên nói riêng được quy định khá cụ thể, chi tiết trong Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì ngược lại, quyền được pháp luật bảo vệ của chấp hành viên lại nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Ví dụ như, để bảo vệ chấp hành viên đối với hành vi tố cáo sai sự thật của người tố cáo thì được quy định ở Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố cáo, Luật Xử phạt vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự,… Quyền được pháp luật bảo vệ của chấp hành viên, bao gồm: Quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe; quyền được pháp luật bảo vệ về danh dự, nhân phẩm và uy tín;… Như vậy, quyền được pháp luật bảo vệ của chấp hành viên có nội hàm không rộng lớn, nhưng nó lại có phạm vi quan hệ bao trùm lên toàn bộ quá trình hoạt động của chấp hành viên. Vì vậy, việc xem xét bảo vệ chấp hành viên không phải là là điều đơn giản, nếu không muốn nói là khá khó khăn, phức tạp. Nhìn từ các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn công tác THADS, thì có khá nhiều quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ chấp hành viên nhưng việc áp dụng chúng lại không thật dễ dàng. Bên cạnh đó, vẫn còn những “khoảng trống”[5] trong cơ chế bảo vệ chấp hành viên.
Thứ nhất, còn có khoảng trống cơ chế bảo vệ chấp hành viên 
Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên là chấp hành viên cũng là con người, nên trong quá trình tổ chức thi hành án cũng không tránh khỏi có những sai sót, sai lầm nhất định. Không phải sai sót, sai lầm nào của chấp hành viên cũng là cố ý, mà rất nhiều là vô ý, mà nguyên nhân là do quá nhiều công việc - “quá tải”, quá nhiều thủ tục mà lơ là, vô ý dẫn tới sai sót, sai lầm khi thực hiện công vụ. Nhưng cho đến nay, hầu như rất ít quy phạm pháp luật được ban hành để bảo vệ chấp hành viên. Chúng ta, dễ dàng nhận thấy trình tự này, thủ tục kia yêu cầu chấp hành viên phải thực hiện, nhưng các cơ quan quản lý THADS vẫn chưa đánh giá được mất bao nhiêu thời gian để chấp hành viên thực hiện những trình tự, thủ tục đó và khả năng một chấp hành viên có năng lực khá, một năm thực hiện được bao nhiêu vụ việc thi hành án? Và khi chưa đánh giá được thời gian thực hiện thì thật khó khăn để đưa ra quy định “mức trần” cho chấp hành viên một năm phải thực thi bao nhiêu vụ việc thi hành án và qua đó để giao chỉ tiêu, biên chế cũng như đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực và bảo vệ chấp hành viên khỏi những áp lực nhất định. Mặc dù chưa có quy định mức trần, nhưng trách nhiệm chấp hành viên là ngang nhau, các yêu cầu từ các quy phạm pháp luật phải thực hiện. Như vậy, chấp hành viên thi hành 100 việc/năm cũng giống như chấp hành viên thi hành 500, 700, 1000… việc/năm. Làm nhiều chắc chắn phải chịu rủi ro nhiều, thời gian thì chỉ bấy nhiêu không thể kéo dài; trình tự, thủ tục, trách nhiệm pháp lý đã được luật hóa. Vậy thì, những rủi ro, những vi phạm do quá tải công việc của chấp hành viên thì cơ chế nào và ai sẽ bảo vệ họ?
Nhìn sang Tòa án chúng ta thấy rằng, nếu bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm có sai sót, sai lầm khi áp dụng pháp luật để giải quyết vụ việc, vụ án thì cấp phúc thẩm có thể sửa sai và ngay cả khi bản án đã có hiệu lực pháp luật mà có căn cứ thì còn có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm,.. và trách nhiệm của người ra bản án sai cũng chỉ ở mức giải trình nếu là lỗi nhận thức áp dụng pháp luật,.. Nhưng chấp hành viên áp dụng sai thì cả một hậu quả pháp lý nặng nề được áp đặt lên cho dù đó là lỗi vô ý, lỗi do “quá tải” công việc mà không thể thực hiện được đúng thời gian luật định. Và đó, đã và đang là “khoảng trống” trong việc bảo vệ chấp hành viên, bảo vệ tính công bằng, tính hợp lý cũng như đánh giá đúng năng lực, hiệu quả công tác và bảo vệ uy tín, danh dự , nhân phẩm cho chấp hành viên.
Thứ hai, còn coi nhẹ quyền được bảo vệ của chấp hành viên
Theo quy định của pháp luật THADS thì “… khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn… được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín”[6]. Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn, chúng tôi thấy rằng cơ quan quản lý công tác THADS vẫn còn coi nhẹ việc đảm bảo quyền được bảo vệ của chấp hành viên. Việc coi nhẹ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân lớn nhất đó chính là trình tự, thủ tục hay cơ chế xử lý những người, những hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm của chấp hành viên là chưa thật sự rõ ràng và chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi.
Như chúng ta đã biết, đương sự, người liên quan có khá nhiều quyền như: quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên,… và khi đương sự và người liên quan có quyền thì cơ quan THADS, chấp hành viên phải có nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện bảo đảm quyền của họ được thi hành trên thực tế. Tuy nhiên, không phải đương sự, người liên quan nào cũng thực hiện đúng cái quyền của họ được hưởng. Nhiều trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo chấp hành viên để nhằm kéo dài thời gian thi hành án hoặc gây áp lực cho chấp hành viên hoặc cả hai mục đích đó. Nhưng cái hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, quyền tố cáo để gây áp lực cho cơ quan THADS, chấp hành viên và nhiều trường hợp xâm phạm trực tiếp đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của chấp hành viên lại thật sự rất khó xử lý. Xét về mặt pháp lý, chúng ta có thể thấy rằng không thiếu các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Điều 155 Luật Thi hành án dân sự quy định nghĩa vụ của người tố cáo là: “Trình bày trung thực, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo”[7]; “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật”[8]. Luật Tố cáo năm 2011 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có “Cố ý tố cáo sai sự thật”[9]; “… Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”[10].
Về xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo, Điều 48 Luật Tố cáo năm 2011 quy định: “Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại các khoản 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Điều 8 của Luật Thi hành án dân sự hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”[11]. Như vậy, có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật và lợi dụng việc tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của Chấp hành viên. Tuy nhiên, xét từ thực tiễn, chúng ta thấy rất ít/hiếm khi người giải quyết tố cáo trong THADS xử lý hành vi tố cáo sai sự thật hay lợi dụng việc tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín. Tại sao vậy?
Chúng tôi có thể lý giải cho sự việc này là đối với việc xử lý hai hành vi nêu trên chỉ có thể là xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “cố ý” tố cáo sai sự thật hay “lợi dụng” việc tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của chấp hành viên cho đến nay các quy định vẫn chưa thật sự rõ ràng và yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng thật khó chứng minh. Vì vậy, chỉ có xử phạt hành chính là khả quan nhất, nhưng xử phạt mà họ cũng không chấp hành thì xử lý thế nào? Pháp luật bỏ ngỏ và người giải quyết tố cáo đôi khi củng phải lảng tránh các quy phạm pháp luật để kết thúc vụ việc một cách êm xuôi. Và một điều nữa là có quyết tâm xử lý người tố cáo thì thủ tục cũng không hề dễ dàng, bởi vì: khi xử lý họ, không dại gì công nhận/tự nhận những hành vi vi phạm là “cố ý” hay “lợi dụng” mà đều trình bày rất thuyết phục là: trình độ nhận thức hạn chế, không hiểu, không biết,…Vì vậy, mà người giải quyết tố cáo trong THADS chưa thật sự quyết liệt bảo vệ chấp hành viên. Theo chúng tôi, cần phải có những giải pháp đồng bộ sau đây:
(i) Phải khẩn trương xây dựng được cơ chế bảo vệ chấp hành viên. Trong đó, cần xác định được ví trí việc làm của chấp hành viên, qua đó đánh giá được đúng những công việc mà chấp hành viên phải thực hiện, thời gian và công sức thực hiện công việc. Từ đó, định lượng được tổng số vụ việc mà chấp hành viên có thể thực hiện được và hoàn thành tốt trong một năm công tác. Trường hợp phải thực hiện nhiều hơn số lượng bình quân thì có cơ chế giảm thiểu trách nhiệm cho người thực hiện và trường hợp bằng hoặc ít hơn con số trung bình thì phải yêu cầu trách nhiệm cao hơn,..
(ii) Phải kiên quyết, quyết liệt xử lý những hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của chấp hành viên. Nhất là, những hành vi cố ý khiếu nại sai sự thật, khiếu nại nhiều lần nhằm cản trở việc tổ chức thi hành án hoặc hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, lợi dụng việc tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của chấp hành viên.
Cần có sự tổng kết đánh giá trên phạm vi cả nước về việc khiếu nại không đúng, khiếu nại nhiều lần, lợi dụng việc khiếu nại để cản trở, kéo dài, trì hoãn việc thi hành án; những vụ việc tố cáo sai sự thật, lợi dụng việc tố cáo để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của chấp hành viên. Và việc xử lý đối với những hành vi đó đã được thực hiện như thế nào? Từ đó có những đánh giá, tổng hợp và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật cho phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn nhằm bảo vệ chấp hành viên yên tâm công tác.
2. Về quyền yêu cầu của chấp hành viên
Quyền yêu cầu của chấp hành viên được được hiểu là quyền hạn mà chấp hành viên được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định. Quyền yêu cầu của chấp hành viên quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chủ yếu và cơ bản nhất được thể hiện trong Luật Thi hành án dân sự. Quyền yêu cầu của chấp hành viên là một quyền hạn quan trọng trong thực thi công vụ của chấp hành viên. Quyền yêu cầu của chấp hành viên bao gồm: yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án[12]; yêu cầu cơ quan công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật[13]; yêu cầu người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình[14]; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc thi hanh án[15]; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản[16];…
Có thể nhận thấy rằng, ưu điểm lớn nhất về quyền yêu cầu của chấp hành viên chính là về số lượng và tính chất của yêu cầu. Ở góc độ này, chúng ta có thể nhận thấy rằng phạm vi mà chấp hành viên được quyền yêu cầu là khá rộng, cả về số lượng và tính chất của yêu cầu. Điều này là hoàn toàn phù hợp với một chức danh tư pháp - được pháp luật giao nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành án dân sự. Trong quá trình thực thi công vụ, chấp hành viên không phải lúc nào cũng có thể ra văn bản: Thông báo, quyết định để thi hành án mà đòi hỏi hình thức văn bản phải được đa dạng, phong phú và linh hoạt đảm bảo cho hoạt động của chấp hành viên được thông suốt, hiệu quả, hiệu lực. Chính vì vậy, pháp luật THADS đã quy định cho phép chấp hành viên được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hoặc không thực hiện các công việc nhất định. Đó là tính tất yếu hoạt động của chấp hành viên.
Tuy nhiên, trong thực tiễn tổ chức THADS, chúng tôi nhận thấy vẫn tồn tại những hạn chế nhất định sau đây:
Thứ nhất, pháp luật chưa phân định được rõ rành quyền hạn hay nhiệm vụ của chấp hành viên trong việc yêu cầu
Nếu chúng ta hiểu yêu cầu là quyền hạn của chấp hành viên, thì chấp hành viên có quyền thực hiện trong hạn định cho phép của quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu hiểu đó là quyền và đồng thời là nhiệm vụ hoặc là trách nhiệm của chấp hành viên thì chấp hành viên phải thực hiện, không thực hiện tức là vi phạm thủ tục và trình tự tổ chức thi hành án. Vì vậy, việc quy định rất nhiều quyền yêu cầu cho chấp hành viên nhưng để phân biệt đó là quyền hạn hay đó là quyền hạn đồng thời là nhiệm vụ hoặc là trách nhiệm của chấp hành viên thì không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, có những quy phạm pháp luật của Luật Thi hành án dân sự là quyền hạn của chấp hành viên, nhưng văn bản hướng dẫn lại quy định như là một quyền hạn thuộc về trách nhiệm, nghĩa vụ, nhiệm vụ phải làm của chấp hành viên. Chúng tôi nêu ra đây một ví dụ minh họa, để chứng minh cho nhận xét nêu trên.
Theo quy định về xác minh điều kiện thi hành án thì: “Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình”[17].
Quy phạm pháp luật nêu trên được hiểu đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của người phải thi hành án. Trong quá trình xác minh, chấp hành viên có quyền hướng dẫn hay không hướng dẫn người phải thi hành án kê khai về điều kiện thi hành án tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, nội dung xác minh. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị định số 62) lại hướng dẫn thêm là: “Khi tiến hành xác minh, chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án…”. Như vậy, quyền yêu cầu của chấp hành viên trong trường hợp này lại biến thành nhiệm vụ, trách nhiệm của chấp hành viên. Trường hợp, chấp hành viên tổ chức xác minh mà bỏ qua trình tự, thủ tục yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án là vi phạm và rất dễ bị đương sự khiếu nại, người có thẩm quyền kết luận, kiến nghị vi phạm trình tự, thủ tục xác minh,..
Thứ hai, một số yêu cầu của chấp hành viên là chưa được tôn trọng
Mục đích của yêu cầu của chấp hành viên phụ thuộc và nội dung, tính chất của mỗi yêu cầu. Vì vậy, mục đích yêu cầu của chấp hành viên là rất đa dạng và phong phú nhưng chúng đều có điểm chung đó là thực hiện được đúng, đầy đủ nội dung quyết định thi hành án đảm bảo bản án, quyết định được thi hành trên thực tế.
Tuy nhiên, qua thực tiễn tổ chức thi hành án, cũng như thực tiễn quản lý công tác THADS, chúng tôi nhận thấy nhiều yêu cầu của chấp hành viên không được tôn trọng, không đạt được mục đích và hiệu quả đề ra. Bởi lẽ, nhiều yêu cầu còn mang tính hình thức, nhất là các yêu cầu liên quan đến ngươi phải thi hành án. Ví dụ như: Yêu cầu người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình; yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản; yêu cầu người phải thi hành án ký hợp đồng khai thác tài sản với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác tài sản;…
Thực tiễn cho thấy, những yêu cầu nêu trên chủ yếu mang tính hình thức và tăng thêm tính thủ tục và trình tự thi hành án mà hầu như không mang lại hiệu quả gì. Khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, không tự nguyện giao tài sản để thi hành án, thì việc yêu cầu họ kê khai điều kiện thi hành án là cần thiết, là có hiệu quả? Theo chúng tôi, việc yêu cầu này là không thật sự cần thiết, có lẽ nhà làm luật tránh việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc kê biên tài sản nào trước, tài sản nào sau, nên quy định thêm trình tự này để quy trách nhiệm cho người phải thi hành án phải có trách nhiệm kê khai trung thực về điều kiện thi hành án của mình. Nhưng Nghị định số 62 lại “vẽ” thêm “thủ tục” cho chấp hành viên phải yêu cầu là chưa bảo đảm đúng tính chất nội hàm của quy phạm pháp luật này và không cần thiết.
Về yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản là cũng không cần thiết, khi mà pháp luật đã có quá nhiều các quy phạm bảo đảm cho các đương sự có quyền thỏa thuận, định đoạt việc thi hành án trong toàn bộ quá trình thi hành án. Việc quy định thêm việc thỏa thuận này chỉ làm tăng trình tự, thủ tục thi hành án chứ không giúp việc giải quyết thi hành án nhanh chóng, hiệu quả hơn. Bởi vì, trường hợp đương sự hợp tác được với nhau, có tiếng nói thống nhất với nhau thì việc giàm giá này thực hiện được căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật Thi hành án dân sự là thực hiện được mà không cần phải quy định thêm một khoản thành “trình tự’. “thủ tục” riêng biệt, bắt buộc.
Về yêu cầu người phải thi hành án ký hợp đồng khai thác tài sản với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác tài sản. Quyền yêu cầu này cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, từ thực tiễn chúng ta có thể nhận thấy hầu như không có trường hợp nào áp dụng quy phạm pháp luật này để thi hành án thành công. Bởi lẽ, việc yêu cầu này muốn thành công phải có sự tôn trọng và hợp tác của người phải thi hành án. Thường thì khi “Tài sản của người phải thi hành án có giá trị quá lớn so với nghĩa vụ phải thi hành án…”[18] mà người người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì tất yếu dẫn tới việc cưỡng chế thi hành án. Việc cưỡng chế khai thác đối với tài sản để thi hành án là một biện pháp cần thiết để thực thi nghĩa vụ của người phải thi hành án. Nhưng việc yêu cầu người phải thi hành án ký kết hợp đồng khai thác tài sản với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác tài sản là thiết thực và hiệu quả? Theo chúng tôi, điều này là không hề đơn giản, dễ dàng để buộc người phải thi hành án phải ký kết hợp đồng mà việc kéo dài thời gian, trình tự, thủ tục thi hành án là hiện hữu nhất.
Thứ ba, nhiều cơ quan thi hành án dân sự còn “chiếm quyền” yêu cầu của chấp hành viên
Như chúng ta đã biết, quyền yêu cầu của chấp hành viên được pháp luật quy định dành riêng cho cá nhân chấp hành viên. Tuy nhiên, thực tiễn THADS nhiều cơ quan, đơn vị khi thực hiện các yêu cầu liên quan đến các cơ quan, tổ chức nhất là các cơ quan, tổ chức của Nhà nước thường các yêu cầu này nhân danh cơ quan, đơn vị đó và người ký văn bản thường là thủ trưởng hoặc cấp phó được ủy quyền. Việc “chiếm quyền” này chúng ta có thể dàng nhận thấy qua các văn bản yêu cầu cung cấp thông tin về quyền sử dụng đất gửi đến cơ quan quản lý đất đai; các yêu cầu chia phân chia tài sản chung, yêu cầu giải thích rõ việc xử lý tài sản gửi đến Tòa án các cấp;…
Nguyên nhân của việc “chiếm quyền” này có lẽ bắt nguồn từ việc cho rằng các văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức cần phải được tôn trọng và nhân danh của cơ quan, đơn vị chứ không thể nhân danh chấp hành viên. Và một nguyên nhân nữa là chấp hành viên cũng thật sự không mặn mà lắm với cái quyền này, vì nó thể hiện trách nhiệm nhiều hơn,… Tuy nhiên, xét từ góc độ pháp lý thì việc “chiếm quyền” này cũng gây những hạn chế về tính chủ động, tính trách nhiệm của chấp hành viên. Và trong những trường hợp nhất định gây ra những hậu quả pháp lý không mong đợi. Điều đó, đã được chứng minh là trong thời gian qua Tòa án các cấp đã đình chỉ hoặc trả lại đơn yêu cầu phân chia tải sản chung của người phải thi hành án mà lý do là không chấp nhận nhân danh cơ quan THADS để yêu cầu Tòa án phân chia.
Theo chúng tôi cần có giải pháp triệt để cho vấn đề này. Và giải pháp trước mắt, cần quán triệt đến các cơ quan THADS tôn trọng quyền hạn của chấp hành viên trong việc thực hiện các yêu cầu nhân danh chấp hành viên đúng theo quy định của pháp luật. Điều đó đảm bảo cho hoạt động của chấp hành viên được chủ động, đảm bảo tính trách nhiệm pháp lý của chấp hành viên đối với yêu cầu của mình. Giải pháp lâu dài, cần phải có nghiên cứu chuyên sâu phân định về quyền, quyền hạn, trách nhiệm, nhiệm vụ của chấp hành viên một cách thật rõ ràng cụ thể. Theo chúng tôi, cần phải có điều luật quy định về quyền hạn của chấp hành viên; điều luật quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của chấp hành viên riêng biệt. Quyền hạn của chấp hành viên thì chấp hành viên có quyền thực hiện trong mức độ, hạn định mà quy phạm pháp luật cho phép. Còn nhiệm vụ, trách nhiệm chấp hành việc buộc phải tuân theo thực hiện, nêu không thực hiện, thực hiện không đúng, không đủ,… thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Sưu tầm
[1] Khoản 1 Điều 17 Luật Thi hành án dân sự.
[2] Viện ngôn ngữ học (2006), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr815.
[3] Viện ngôn ngữ học (2006), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr815.
[4] Điều 20 Luật Thi hành án dân sự.
[5] Tất cả nhừng từ, cụm từ được để trong dấu ngoặc kép và in nghiêng trong toàn bộ đề tài sáng kiến kinh nghiệm này là ý tác giá muốn nhấn mạnh.
[6] Điều 20 Luật Thi hành án dân sự.
[7] Điểm a khoản 2 Điều 155 Luật Thi hành án dân sự.
[8] Điểm c khoản 2 Điều 155 Luật Thi hành án dân sự.
[9] Khoản 10 Điều 8 Luật Tố cáo năm 2011.
[10] Khoản 12 Điều 8 Luật Tố cáo năm 2011.
[11] Điều 48 Luật Tố cáo năm 2011.
[12] Khoản 4 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự.
[13] Khoản 6 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự.
[14] Khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
[15] Khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 69, khoản 1 Điều 89, khoản 1 Điều 111
[16] Khoản 2 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự.
[17] Khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự.
[18] Điểm a khoản 1 Điều 107 Luật Thi hành án dân sự.


Theo tcdcpl.moj.gov.vn

Các tin đã đưa ngày: