Luật Thi hành án Dân sự và Luật sửa đổi bổ sung năm 2014 có những điểm mới như sau:
1. Mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh:
So với LTHADS, LSĐBS bổ sung thêm quyết định của Tòa án giải quyết phá sản vào phạm vi điều chỉnh của Luật.
2. Sửa đổi, bổ sung những bản án, quyết định được thi hành bao gồm:
- Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án;
- Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
- Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
3. Bổ sung thêm khái niệm “Mỗi quyết định thi hành án là một việc thi hành án”
4. Quy định chi tiết hơn về quyền, nghĩa vụ của đương sự trong thi hành án:
LSĐBS cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án tại Điều 7 và 7a theo hướng tăng cường sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án trong đó có một quyền rất mới mà Luật đã bổ sung cho đương sự, đó là “Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ”.
Đặc biệt, để phù hợp hơn với thực tiễn, Luật sửa đổi theo hướng chuyển việc xác minh điều kiện thi hành án từ nghĩa vụ của người được thi hành án thành trách nhiệm của Chấp hành viên nhằm giảm bớt khó khăn cho người được thi hành án đồng thời quy định người được thi hành án không phải trả chi phí cho việc xác minh điều kiện thi hành án.
5. Bổ sung thêm mới quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Một điểm mới nữa của LSĐSB là đề cập đến quyền và nghĩa vụ của NCQLNVLQ. Qua đó, NCQLNVLQ được thông báo, tham gia vào việc thực hiện biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà mình có liên quan; yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án; khiếu nại, tố cáo về thi hành án.
Đồng thời, NCQLNVLQ cũng có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú.
6. Cụ thể về quyền kiểm sát của VKSND
Nếu trong LTHADS chỉ quy định chung chung rằng VSKND có quyền kiểm tra việc tuân theo pháp luật THA của cơ quan THA thì nay trong LSĐBS đã quy định chi tiết các quyền đó như sau:
- Kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án;
- Yêu cầu Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới ra quyết định về thi hành án, gửi các quyết định về thi hành án; thi hành đúng bản án, quyết định; tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân; yêu cầu cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án theo quy định của Luật này;
- Trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; ban hành kết luận kiểm sát khi kết thúc việc kiểm sát;
- Tham gia phiên họp của Tòa án xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân;
- Kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm, pháp luật ít nghiêm trọng của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp hoặc cấp dưới, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa;
- Kháng nghị hành vi, quyết định của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật. |
7. Sửa đổi một số tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên:
Điểm mới cơ bản trong quy định về bổ nhiệm chức danh CHV là Luật đã bổ sung đối tượng được bổ nhiệm không qua thi tuyển. Theo đó, để tạo được sự an tâm công tác, tạo động lực phấn đấu, rèn luyện cho người đã là CHV nhưng do yêu cầu tổ chức được bố trí sang làm nhiệm vụ khác thì có thể được chuyển sang ngạch CHV ở ngạch tương đương không qua thi tuyển.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ, trong trường hợp đặc biệt, nhằm đáp ứng yêu cầu đặc biệt cấp bách phải bổ nhiệm ngay Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THA dân sự, LSĐBS đã quy định rõ, ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn chung, để được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp, cần phải có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên; bổ nhiệm làm CHV trung cấp phải có 10 năm làm công tác pháp luật trở lên và 15 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm CHV cao cấp không qua thi tuyển.
8. Cụ thể về thủ tục nhận bản án, quyết định
Khi nhận bản án, quyết định do Tòa án, Trọng tài thương mại chuyển giao, cơ quan THA dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định.
Sổ nhận bản án, quyết định phải ghi rõ số thứ tự; ngày, tháng, năm nhận bản án, quyết định; số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định và tên Tòa án, Trọng tài thương mại đã ra bản án, quyết định; tên, địa chỉ của đương sự và tài liệu khác có liên quan.
Việc giao, nhận trực tiếp bản án, quyết định phải có chữ ký của hai bên; trường hợp nhận được bản án, quyết định và tài liệu có liên quan bằng đường bưu điện thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án, Trọng tài thương mại đã chuyển giao biết.
9. Cụ thể về thủ tục tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án:
- Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.
Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
- Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:
+ Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
+ Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
+ Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
+ Nội dung yêu cầu thi hành án;
+ Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
+ Ngày, tháng, năm làm đơn;
+ Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.
- Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.
- Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu.
- Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn
05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:
+ Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này;
+ Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án;
+ Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.”
10. Về ra quyết định thi hành án
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:
- Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
- Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
- Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;
- Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
- Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Trừ
“Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” ra ngay quyết định thi hành án và
“Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản” trong thời hạn
03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, những trường hợp còn lại trong vòng
05 ngày làm việc kể từ ngày nhận bản án, quyết định.
11. Quy định thời hạn gửi quyết định thi hành án:
LSĐBS quy địn, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy định khác trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định
12. Xác minh điều kiện thi hành án:
Việc xác minh điều kiện thi hành án theo LSĐBS là thuộc về trách nhiệm của CHV.Trường hợp CHV thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của CHV và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của VKSND thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.
Để khắc phục tình trạng lỏng lẻo của công tác xác minh hiện nay, đảm bảo hiệu quả công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, khoản 17 Điều 1 của Luật đã bổ sung quy định khi xác minh điều kiện thi hành án
13. Xác minh việc chưa có điều kiện thi hành án:
Khoản 18 Điều 1 của Luật sửa đổi đã làm rõ hơn thế nào là "
chưa có điều kiện thi hành án". LSĐBS cũng quy định về việc công khai thông tin của người phải thi hành án trong một số trường hợp. Theo đó, thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành.
14. Thời hạn tự nguyện thi hành án:
-Thời hạn tự nguyện thi hành án sửa 15 ngày nay là
10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
- Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này ( Biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án).
15. Thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án:
LSĐBS quy định rõ hơn trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp như sau: Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.
16. Trường hợp hoãn thi hành án:
Bổ sung thêm những trường hợp Thủ trưởng cơ quan THA có quyền hoãn THA:
- Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận;
- Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
- Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Luật này.”
17. Đình chỉ thi hành án:
Theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 50 LTHADS, trường hợp được giảm một phần nghĩa vụ THA thì Thủ trưởng cơ quan THA phải ra quyết định đình chỉ. Tuy nhiên, tại LSĐBS thì đã bãi bỏ quy định đó.
18. Bỏ quy định “Trả đơn yêu cầu thi hành án” (Điều 51)
19. Kết thúc thi hành án:
LSĐBS bãi bỏ quy định kết thúc THA khi có quyết định trả đơn yêu cầu THA.
20. Quy định cụ thể hơn việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án khi tổ chức giải thể và chuyển đổi công ty cổ phần:
- Trường hợp giải thể thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan THA dân sự biết trước khi ra quyết định. Trường hợp quyền, nghĩa vụ THA của tổ chức bị giải thể được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ THA.
-Trường hợp doanh nghiệp giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp thì nghĩa vụ THA được chuyển giao theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Cơ quan THA dân sự, người được THA, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định giải thể theo quy định của pháp luật.
-Trường hợp tài sản để THA không còn do thực hiện quyết định giải thể trái pháp luật thì cơ quan ra quyết định giải thể phải chịu trách nhiệm thi hành phần nghĩa vụ của tổ chức bị giải thể tương ứng với tài sản đó;”
-Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần mà trước đó chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ THA của mình thì sau khi chuyển đổi, công ty cổ phần tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ THA
21. Miễm, giảm nghĩa vụ thi hành án:
LSĐBS đã mở rộng và quy định chi tiết hơn những trường hợp được miễn, giảm tiền THA như sau:
- Người phải THA được xét miễn nghĩa vụ THA khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để THA hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải THA và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;
+ Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
- Người phải THA đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
+ Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định THA mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định THA mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
- Người phải THA đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được xét giảm một phần nghĩa vụ THA khi có một trong các điều kiện sau đây:
+ Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định THA mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải THA;
+ Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định THA mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần năm số tiền còn lại phải THA nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng.
- Người phải THA đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục thi hành được phần nghĩa vụ còn lại hoặc lập công lớn thì được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại.
- Người phải THA quy định tại các khoản 1, 2 và 3 chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần trong 01 năm đối với mỗi bản án, quyết định.
Quyết định THA lần đầu là căn cứ để xác định thời hạn xét miễn, giảm nghĩa vụ THA.
22. Phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ:
Việc phong tỏa tài khoản, tài sản được quy định trình tự cụ thể như sau:
Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải THA.
Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải THA ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải THA phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, tài sản. Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Đồng thời, tăng thêm thời hạn cho Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế từ
5 ngày lên 10 ngày.
23. Tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự:
Việc tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự được thực hiện cụ thể:
- Quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải xác định rõ loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ. Chấp hành viên phải giao quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ cho đương sự hoặc tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng.
Trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì Chấp hành viên yêu cầu giao tài sản, giấy tờ và lập biên bản về việc tạm giữ.
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Biên bản, quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
-Khi tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ; trường hợp người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho người quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ.
- Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.
Đồng thời, giảm thời hạn ra quyết định tạm giữ từ
15 xuống còn 10 ngày.
24. Không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành:
LSĐBS quy định trường hợp sau lần giảm giá thứ 02 trở đi mà không có người tham gia đấu giá hoặc bán đầu giá không thành thì người được THA có quyền nhận tài sản đề trừ vào số tiền được THA. Thủ tục nhận được quy định cụ thể.
Trường hợp người được THA không đồng ý nhận thì tiếp tục giảm giá để bán đấu giá. Nếu không ai nhận thì giao lại cho người phải THA và không được đưa tài sản này tham gia các giao dịch khác cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ THA.
25. Bổ sung thêm hồ sơ đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng:
Hồ sơ đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng gồm có:
- Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự;
- Bản sao bản án, quyết định;
- Quyết định thi hành án;
- Quyết định kê biên tài sản, nếu có;
- Văn bản bán đấu giá thành hoặc quyết định giao tài sản, biên bản giao nhận tài sản để thi hành án;
- Giấy tờ khác có liên quan đến tài sản
26. Bổ sung thêm thời gian giải quyết khiếu nại ở vùng sâu, vùng xa:
Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.
Biện soạn: Nguyễn Minh Hoàng