Sign In

Thi hành án dân sự ở Lục Ngạn: Quan tâm giải quyết án khó

09/03/2020

Thi hành án dân sự ở Lục Ngạn: Quan tâm giải quyết án khó
Mặc dù số vụ việc nhiều, tính chất ngày càng phức tạp song tỷ lệ thi hành án dân sự (THADS) ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) luôn đạt cao. Việc giải quyết nhanh, đúng quy định làm cho bản án, quyết định của tòa án được chấp hành, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo quyết định THA, ông Nguyễn Văn H ở thôn Tân Giáp, xã Thanh Hải phải thi hành hơn 9,7 triệu đồng là tiền bồi thường thương tích cho một cá nhân. Tuy nhiên, một bên liên quan nhiều lần không chấp hành. Để không phải cưỡng chế, cơ quan THA đã tập trung xác minh tài sản chung của đương sự, phân chia tài sản hộ gia đình, thuyết phục, vận động các thành viên trong gia đình cùng tác động, khuyên nhủ. Sau một thời gian, đương sự tự giác nộp tiền.

Trực tiếp giải quyết nhiều vụ việc, Chấp hành viên Nguyễn Thị Công Mừng chia sẻ: Những vụ án liên quan đến hợp đồng vay tài sản có thế chấp giữa cá nhân, tổ chức với ngân hàng thường có số tiền phải thi hành lớn, tài sản kê biên phức tạp. Vụ việc của ông Chu Quang H và bà Nguyễn Thị H ở thôn Nam Điện, xã Nam Dương là ví dụ. Theo bản án, vợ chồng ông bà phải trả ngân hàng hơn 1 tỷ đồng. Dù cơ quan chức năng và chấp hành viên thường xuyên đôn đốc nhưng đương sự chây ì buộc Chi cục phải kê biên đất ở để bán lấy tiền THA.

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, Chi cục đã ra quyết định THA đúng thời hạn đối với toàn bộ bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Năm 2019, Chi cục thi hành gần 1,5 nghìn việc. Trong đó đơn vị giải quyết xong hơn 1,1 nghìn việc có điều kiện, đạt gần 88%, vượt 14,4% chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao. Số vụ việc phải chuyển sang năm nay giảm còn 30 việc. Các việc phải thi hành tập trung nhiều ở án đánh bạc, tranh chấp tài sản, hôn nhân gia đình, vay nợ... 

Theo ông Nguyễn Văn Thơm, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện, kinh nghiệm để giải quyết hiệu quả các vụ việc, nhất là những án khó, án tồn đọng là chú trọng rà soát phân loại đúng vụ việc, đối tượng ngay từ khi tiếp nhận. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các phòng, ban chuyên môn để tổ chức THA.

Căn cứ danh sách đối tượng phải THA theo từng địa bàn, chấp hành viên lập danh sách án còn phải thi hành ở từng nơi và phối hợp với UBND các xã, thị trấn để cùng tuyên truyền, thuyết phục đối tượng thực hiện nghĩa vụ. 

Đối với những án liên quan đến tín dụng ngân hàng, cơ quan chức năng cùng với ngân hàng làm việc với bên phải THA; động viên, thuyết phục, đồng thời đưa ra điều kiện thích hợp để đương sự tự nguyện. Nếu họ cố ý lẩn tránh sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản. Ngoài ra, đơn vị tích cực phối hợp với tòa án giải quyết vướng mắc đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ.

Mới đây, tại khu Làng Chũ, thị trấn Chũ, Chi cục THA dân sự huyện phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế 124m2 đất và tài sản gắn liền trên đất (gồm nhà ở, vật kiến trúc) của ông Nguyễn Bá T (đã chết) và bà Đào Thúy H, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ở khu Làng Chũ rồi bàn giao cho bà Nguyễn Thị Vân P người mua qua tổ chức đấu giá tài sản theo đúng quy định của pháp luật. Nguyên nhân phải cưỡng chế do ông T và bà H có nghĩa vụ trả nợ gốc cho Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh huyện Lục Ngạn hơn 1,5 tỷ đồng nhưng không chấp hành.

Thời gian tới, Chi cục THA dân sự huyện Lục Ngạn tiếp tục tập trung cao đối với những án kéo dài. Đối với số vụ việc đã kê biên đang xử lý tài sản, lãnh đạo Chi cục sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc bảo đảm đúng thời hạn. Quá trình giải quyết án khuyến khích các đương sự bàn bạc, thống nhất tự nguyện THA. Điều này vừa giúp mối quan hệ hai bên không căng thẳng vừa giúp cơ quan chức năng giảm thời gian xác minh, kê biên, bán đấu giá; giảm chi phí THA, hạn chế rủi ro cho chấp hành viên khi thực thi nhiệm vụ.


Theo baobacgiang.com.vn

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: