Sign In

Thi hành án dân sự: Vướng mắc trong kê biên, xử lý tài sản chung

09/04/2021

Thi hành án dân sự: Vướng mắc trong kê biên, xử lý tài sản chung
Mỗi năm, các cơ quan thi hành án (THA) dân sự của tỉnh Bắc Giang thụ lý gần 24 nghìn việc, trong đó phải xử lý, kê biên tài sản chung chiếm đến 45%, chủ yếu là bản án hình sự, hôn nhân gia đình. Việc này đang còn nhiều vướng mắc dẫn đến vụ việc bị kéo dài.
Kéo dài thời gian giải quyết án
Cơ quan THA Dân sự TP Bắc Giang là đơn vị có lượng án thụ lý giải quyết nhiều, mỗi năm có hàng trăm vụ việc cần phải kê biên, xử lý tài sản thuộc sở hữu chung. Trường hợp của anh Trương Việt A ở phường Trần Nguyên Hãn là một ví dụ. Căn cứ bản án của TAND tỉnh năm 2013, Chi cục đã ban hành quyết định THA đối với anh A số tiền 13 triệu đồng. Quá trình xác minh, xác định đương sự có 1/6 giá trị tài sản trong khối tài sản chung là quyền sử dụng đất trong hộ gia đình do người mẹ đứng tên.
Dù nhiều lần thông báo cho các thành viên trong hộ gia đình nhưng mọi người không đồng ý, buộc Chi cục phải có đơn khởi kiện đề nghị TAND phân chia phần sở hữu của đương sự thì vụ việc mới được giải quyết dứt điểm. Hay như vụ việc do tranh chấp về vốn góp, ông Nguyễn Mạnh C ở xã Dĩnh Trì phải trả cho ông Nguyễn Hữu H ở phường Lê Lợi hơn 2 tỷ đồng cộng lãi suất phát sinh. Ông C không tự nguyện thi hành nên Chi cục THA Dân sự TP đã buộc phải tổ chức kê biên, thẩm định phần vốn góp của cá nhân ông tại một công ty khác để THA.
Để thẩm định chính xác, chấp hành viên phải xác minh được toàn bộ giá trị tài sản của công ty nhưng giá trị đó được tổng hợp từ nhiều yếu tố như tài sản vô hình (tính toán nguồn thu nhập, tiết kiệm có được từ tài sản); tài sản hữu hình (nhà xưởng, máy móc, thiết bị làm việc...) nên việc xác minh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đương sự luôn tìm cách che giấu, không cung cấp đầy đủ thông tin dẫn đến thời gian giải quyết án kéo dài gần 4 năm.
Ở một vụ việc khác, tháng 1/2020, Chi cục THA Dân sự huyện Việt Yên kê biên, xử lý tài sản của ông B ở xã Ninh Sơn do trước đó phạm tội mua bán người. Tuy nhiên, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng hoặc hộ gia đình phải tuân thủ Luật Hôn nhân - Gia đình và một số quy định liên quan. Mảnh đất của vợ chồng ông B có nguồn gốc phức tạp nên mất nhiều thời gian xác minh. Khi đấu giá, theo quy định, tài sản đó được ưu tiên bán cho người thân nhưng vì nhiều lý do nên thân nhân chưa mặn mà với việc mua lại, dẫn đến vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Quan tâm phối hợp
Thông thường, khi xác minh đối với các tài sản chung của người phải THA, Chấp hành viên thực hiện thông báo cho người phải THA và những người có liên quan đến quyền sở hữu chung biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản. Nếu các bên không thỏa thuận thì tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự nhằm xác định phần quyền sở hữu tài sản chung của người phải THA.
Qua thống kê, mỗi năm, các cơ quan THA Dân sự của tỉnh thụ lý gần 24 nghìn việc, trong đó số vụ việc phải xử lý, kê biên tài sản chung của người phải THA chiếm đến 45%, chủ yếu là bản án hình sự, hôn nhân gia đình. Trước thực tế trên, ông Đỗ Văn Ngà, Chi cục trưởng Chi cục THA Dân sự huyện Việt Yên đề xuất: Để xác định được điều kiện THA, chấp hành viên cần thu thập nhiều thông tin, trong đó khó nhất là xác minh tài sản. Tài sản thường là có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng và không đăng ký quyền sở hữu, sử dụng. Quá trình kê biên, xác minh tài sản ngoài cơ quan THA cần sự phối hợp tốt giữa chính quyền cấp xã, cơ quan đăng ký đất đai trong việc cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin về điều kiện THA của người phải thi hành liên quan đến số tờ, số thửa, diện tích đất.
Đối với những vụ việc liên quan đến các đương sự tham gia vào góp vốn ở các công ty, doanh nghiệp, khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, pháp luật cho phép cơ quan THA Dân sự có quyền kê biên, xử lý phần vốn góp của người phải THA trong các công ty, doanh nghiệp để thực hiện bản án, quyết định của tòa án. Tuy nhiên hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này.
Nếu áp dụng các quy định về định giá, bán đấu giá sẽ trái với Luật Doanh nghiệp. Giải pháp hiệu quả nhất mà cơ quan chức năng đang triển khai khi giải quyết án này là vận động các đương sự tự thỏa thuận. Về lâu dài, để việc kê biên, thẩm định giá trị vốn góp được thuận lợi, đúng pháp luật, Cục THADS tỉnh đã có kiến nghị với Tổng cục THA Dân sự sớm có hướng dẫn cụ thể tháo gỡ khó khăn cho cơ quan thi hành án cấp cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh nhận định, những khó khăn trên là tình trạng chung của toàn tỉnh. Để khắc phục, đơn vị đã chỉ đạo chấp hành viên nâng cao trình độ chuyên môn, tổ chức xác minh đúng quy trình, quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ như TAND các cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết tranh chấp, các vụ việc có liên quan đến xác định, phân chia, xử lý tài sản chung; chuyển giao bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Cùng đó giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị khi có yêu cầu của cơ quan THA Dân sự.
Sưu tầm


Theo baobacgiang.com.vn

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: