Ngày 21/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017 và được thực hiện trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có hiệu lực. Nghị quyết quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở pháp lý để giải quyết có hiệu quả các vấn đề về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên sau 01 năm thực hiện Nghị quyết đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc từ thực tế, đặt ra yêu cầu cần thiết phải có những giải pháp tháo gỡ ngay trong thời gian tới.
1. Về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án:
Điều 11, Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định về kê biên tài sản đảm bảo của bên phải thi hành án, theo đó, cơ quan THADS không được kê biên tài sản bảo đảm bên phải thi hành án theo Điều 90 Luật THADS “trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hạn về tính mạng, sức khỏe và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu”. Thực tế, có nhiều trường hợp, nhiều vụ việc giá trị tài sản của doanh nghiệp lớn hơn nghĩa vụ bảo đảm rất nhiều nhưng ngân hàng không nhất trí đề nghị cơ quan THADS kê biên, xử lý tài sản do chưa khởi kiện ra tòa. Việc này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp khác đã có tranh chấp và xét xử bằng bản án của Tòa án và hiện cơ quan THADS đang tổ chức thi hành
[1].
2. Quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài ản bảo đảm:
+ Theo quy định của pháp luật về thuế thì người phải thi hành án là đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tài sản bị kê biên, bán đấu giá. Tuy nhiên, Điều 12, Nghị Quyết số 42/2017/QH14 quy định: “sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm…” mà không quy định trừ tiền thuế thu nhập cá nhân. Khi bán tài sản kê biên, cơ quan THADS không trích chuyển từ tiền bán tài sản để nộp thuế TNCN thì cơ quan thuế không chuyển thông báo nộp thuế TNCN cho Văn phòng Đăng ký đất đai, do đó người mua được tài sản bán đấu giá không hoàn thiện được thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản.
+ Cũng theo quy định tại Điều 12, Nghị quyết 42/2017/QH14 thì khi xử lý tài sản của người phải thi hành án, số tiền thu được ưu tiên thanh toán trước khi trừ án phí. Trong thực tế, đa số các vụ việc liên quan đến TDNH đều có giá trị phải thi hành án lớn, tài sản thế chấp không đủ thanh toàn nghĩa vụ đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trong khi đó khoản án phí phải nộp cho NSNN cũng rất lớn nhưng lại không được ưu tiên thanh toán, dẫn đến tồn đọng loại việc trên, gây thất thu cho NSNN một số tiền không nhỏ.
+ Liên quan tới việc hỗ trợ tiền thuê nhà 1 năm cho người phải thi hành án trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất, Khoản 5, Điều 115 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “
Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án và sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì Chấp hành viên trích lại tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 1 năm”. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo quy định tại Điều 12 của Nghị Quyết số 42/2017/QH14 thì cơ quan THADS không được trừ khoản tiền này mà phải ưu tiên thanh toán cho các tổ chức tín dụng, vấp phải sự phản đối của người phải thi hành án, và có nhiều quan điểm trái chiều xung quanh vấn đề này. Xét trên khía cạnh nhân đạo, thì nếu áp dụng cứng nhắc quy định này sẽ làm mất tính nhân đạo của pháp luật, tính nhân văn của nhà nước trong việc chăm lo cuộc sống của người dân, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Trong thực tế, Chấp hành viên, cơ quan THADS thường vận động, tuyên truyền để các tổ chức tín dụng nhất trí trừ số tiền để tạo lập nơi ở mới cho người phải thi hành án trước khi thanh toán trả cho Ngân hàng, để hạn chế phát sinh khiếu nại, khiếu kiện và dư luận xã hội, tuy nhiên về lâu dài cũng cần phải xem xét đến việc điều chỉnh quy định của pháp luật cho phù hợp để hoàn thiện thể chế.
3. Mức thuế.
Mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp cũng là vấn đề cần phải được xem xét giải quyết, do trong một số trường hợp, cơ quan THADS thực hiện việc kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà… do không có người mua nên đã phải hạ giá nhiều lần, đến khi tài sản được bán đấu giá thành thì giá tại thời điểm bán tài sản thấp hơn mức giá quy định của nhà nước đối với loại tài sản đó. Khi cơ quan THADS phân phối xử lý tiền thu đã thực hiện việc trích lại 2% của giá tài sản bán đấu giá thành để nộp khoản tiền thuế thu nhập cá nhân theo quy định, tuy nhiên, cơ quan thuế lại cho rằng theo quy định của ngành thuế thì khoản thuế TNCN phải nộp phải được tính trên cơ sở 2% của mức giá do Nhà nước quy định tại thời điểm bán tài sản. Một số đơn vị trên địa bàn tỉnh, sau khi có công văn trao đổi nhiều lần nhưng cơ quan thuế vẫn giữ nguyên quan điểm, đã phải linh hoạt trích bù số tiền thuế còn thiếu do số tiền chênh lệch giữa giá bán tài sản thực tế và giá nhà nước quy định để nộp cho cơ quan thuế, nhằm tạo điều kiện để hoàn thiện hồ sơ cho người mua được tài sản bán đấu giá thực hiện các thủ tục về chuyển quyền, đăng ký tài sản… Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có hướng dẫn thống nhất đối với trường hợp cơ quan THADS bán đấu giá tài sản để thi hành án mà giá bán có sự chênh lệch (nhỏ hơn) so với giá nhà nước quy định thì mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp tính trên giá bán tài sản thực tế.
4. Quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm
Theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Nghị quyết số 42/2017/QH14 thì: “
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại
Điều 299 của Bộ luật Dân sự;
b) Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;
c) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;
d) Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật;
đ) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này”.
Như vậy, điều kiện thứ 2 để ngân hàng có thể thực hiện quyền thu giữ tài sản là khi có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật ghi nhận trong hợp đồng bảo đảm. Theo đó, trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ đã cam kết trong hợp đồng thì Ngân hàng có quyền thực hiện việc thu giữ tài sản theo đúng như thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng bảo đảm là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, trong thực tế, tính khả thi của quy định này không cao vì:
+ Mặc dù pháp luật đã có quy định cho phép Ngân hàng, TCTD được quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, nhưng lại không quy định cho Ngân hàng, TCTD có chức năng cưỡng chế để xử lý tài sản, nên trong nhiều trường hợp, ban đầu người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản để các ngân hàng xử lý, bán tài sản để thu hồi nợ, tuy nhiên đến giai đoạn giao tài sản cho người mua thì đương sự thay đổi thái độ, chống đối không tự dịch chuyển tài sản để giao cho người mua khiến Ngân hàng, TCTD không thể giao tài sản cho người mua theo đúng hợp đồng bán đấu giá tài sản được, nhiều vụ việc các bên đã phải tự thỏa thuận để hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản để yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành vụ việc theo trình tự, thủ tục THADS.
+ Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, do sai sót ngay từ khâu lập hồ sơ thẩm định giá tài sản để cho vay ban đầu của các Ngân hàng, TCTD mà không ít khách hàng đã lợi dụng đem cùng một tài sản để thế chấp cho các ngân hàng khác nhau, hoặc tách rời một số bộ phận của dây truyền máy công nghệ để thế chấp. Do đó, trong trường hợp này, khi thu hồi nợ thật khó để các ngân hàng, TCTD đạt được những thỏa thuận để cùng đứng ra xử lý tài sản đã thế chấp, bảo lãnh để chia sẻ quyền lợi, mà hầu hết đều phải thông qua giai đoạn tố tụng tại Tòa án, khi cơ quan THADS tổ chức thi hành vụ việc, cưỡng chế kê biên tài sản để xử lý thì các bên lại tiếp tục khởi kiện để xác định quyền sở hữu đối với tài sản thế chấp bị kê biên.