Giải thích, vận động để rút đơn
Sau khi quyết định của tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật, tập thể, cá nhân liên quan phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thi hành. Với các trường hợp chống đối, cơ quan THADS tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản theo đúng quy định. Do gắn liền trực tiếp đến tài sản, lợi ích chung và riêng nên đã phát sinh nhiều KN, TC.
Giữa năm 2016, Hà Văn Chung (SN 1974) ở thị trấn Tân Dân (Yên Dũng) đâm tử vong hàng xóm, phải chấp hành án phạt tù và bồi thường cho bị hại hơn 100 triệu đồng cộng lãi suất chậm thi hành án. Hết thời gian tự nguyện, anh Chung không làm tròn nghĩa vụ.
Vì anh có tài sản chung với hộ gia đình là quyền sử dụng 40m2 đất tại địa chỉ nói trên nên mới đây, chấp hành viên Cục THADS đã cưỡng chế kê biên tài sản. Chưa nắm rõ kiến thức pháp luật, ông Hà Văn Hữu (bố đẻ anh Chung) kiên quyết ngăn cản cán bộ thực thi nhiệm vụ. Ông cho rằng, cơ quan thi hành án không thể kê biên khối tài sản lớn như vậy, vợ con ông sẽ mất nơi cư trú.
Ông còn mang đơn đến Cục THADS để gặp người đứng đầu, khiếu nại về hành vi của chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Theo ý kiến của ông, chấp hành viên đã tự ý xác nhận phần tài sản của con trai trong khối tài sản chung, cho rằng hoạt động cưỡng chế kê biên là trái pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục THADS trực tiếp giải thích cặn kẽ về các quy định. Cụ thể, nếu gia đình ông Hữu không chấp hành theo đúng bản án thì cơ quan thi hành án phải cưỡng chế kê biên. Nếu cố tình chống đối, chấp hành viên có thể yêu cầu công an tạm giữ, lập biên bản. Trước lý lẽ thuyết phục, ông Hữu hiểu ra vấn đề, rút đơn khiếu nại và tự nguyện nộp toàn bộ khoản tiền phải thi hành án.
Tháng 8-2018, Chi cục THADS TP Bắc Giang cưỡng chế kê biên tài sản của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công, xây lắp vì công ty không có khả năng trả lại số tiền đã vay. Khi chấp hành viên đến làm việc, 5 đội trưởng đại diện cho 5 đội sản xuất đã ngăn cản với lý do những tài sản cơ quan chức năng kê biên không thuộc về công ty và làm đơn khiếu nại.
Sau khi thụ lý đơn, Chi cục trưởng trực tiếp giải thích rằng đơn vị thực thi đúng nhiệm vụ, bám sát kết luận của tòa án nên các cá nhân đã rút đơn khiếu kiện. Từ đầu năm đến nay, Chi cục THADS TP Bắc Giang thụ lý 12 đơn KN, TC (tăng 8 đơn so với cùng kỳ). Hiện nay, đơn vị đã giải quyết toàn bộ đơn thư, ban hành các quyết định với nội dung không chấp nhận nội dung khiếu nại và kết luận tố cáo sai toàn bộ.
Khuyến khích tự nguyện thi hành án
Thực tế, công dân thường khiếu nại về việc cưỡng chế kê biên tài sản, cưỡng chế giao tài sản bán đấu giá, hành vi của chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Nguyên nhân do công dân chưa nắm rõ các quy định của pháp luật. Cũng có trường hợp chống đối, cố tình KN, TC để kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Một số đơn vị có số vụ việc nhiều dẫn đến tình trạng chậm thi hành án, quyền lợi của đương sự không được bảo đảm nên phát sinh KN, TC.
Hiện nay, tình trạng KN, TC ngày càng gia tăng và phức tạp. Nhằm xử lý ngay từ gốc, ông Nguyễn Thành Bắc, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Bắc Giang cho biết: “Chúng tôi khuyến khích các đương sự bàn bạc, thống nhất tự nguyện thi hành án. Điều này vừa giúp mối quan hệ hai bên không căng thẳng vừa giúp cơ quan chức năng giảm thời gian xác minh, kê biên, bán đấu giá; giảm chi phí thi hành án, hạn chế rủi ro cho chấp hành viên khi thực thi nhiệm vụ”.
Để công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC ngày càng hiệu quả, bà Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục THADS tỉnh yêu cầu các chi cục cần tiếp tục nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Lãnh đạo Chi cục phải tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định. Cán bộ tiếp dân nắm chắc quy trình, thủ tục, giữ thái độ bình tĩnh, tôn trọng công dân, kiên trì giải thích cho người KN, TC biết quyền và nghĩa vụ của đương sự, trách nhiệm của cơ quan THADS trong việc thi hành quyết định của tòa án.
Sưu tầm
Theo http://baobacgiang.com.vn